bn-current-user-online-portlet

Online : 3702
Total visited : 151075392

Công việc thầm lặng của nhân viên tiếp cận cộng đồng trong hoạt động dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

27/08/2024 07:56 View Count: 160

Trong công tác phòng chống HIV/AIDS, nhân viên tiếp cận cộng đồng là những người thực hiện công việc tiếp cận nhóm khách hàng có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV (ma túy, mại dâm, đồng giới nam, chuyển giới nữ, bạn tình người nguy cơ cao, bạn tình người nhiễm HIV), cung cấp các vật dụng giảm tác hại như bao cao su, bơm kim tiêm sạch, tư vấn, chuyển gửi khách hàng đến sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị HIV/AIDS, điều trị Methadone; đặc biệt là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Họ chính là cầu nối quan trọng giữa cơ quan y tế với những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV.  

Sau nhiều lần làm việc và thuyết phục, M.V.T. đã đồng ý chia sẻ với chúng tôi về công việc của một nhân viên tiếp cận nhóm “MSM” (nam quan hệ tình dục đồng giới với nam). Câu chuyện dần mở ra với nhiều cung bậc cảm xúc…

Là một thành viên tham gia hoạt động trong nhóm, anh T. chia sẻ “Trong cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), tên của tôi không phải M.V.T, mọi người gọi tôi với cái tên là Minh Khánh. Sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, những đặc điểm về giới tính của tôi đã có sự khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Năm 16 tuổi, tôi chính thức xác nhận mình thuộc cộng đồng LGBT. Tại thời điểm đó, thiếu kiến thức, lại khác biệt hoàn toàn với mọi người khiến tôi trở thành chủ đề bàn tán của các bạn trong lớp, trong trường. Dần dần tôi trở nên nên nhút nhát, thu mình, tôi bị cô lập, stress rất nhiều. Chính những rào cản và áp lực đó đã khiến tôi có thêm động lực bước ra ánh sáng, đưa tiếng nói cho chính mình và cộng đồng của mình. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu tất cả mọi người, đặc biệt là những người LGBT như chúng tôi đều có quyền sống bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc”.

Ngay sau khi tốt nghiệp THPT, Minh Khánh viết đơn đăng kí nghĩa vụ quân sự, Đây là một trong những quyết định thay đổi cuộc đời Khánh. Từ một cậu bé nhút nhát, anh đã trở nên mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn và luôn nỗ lực kiên định với những điều mình đang theo đuổi. Khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Khánh đã chọn Bắc Ninh là nơi làm việc bởi tỉnh có sự phát triển công nghiệp mạnh mẽ, có rất nhiều cơ hội việc làm cho các thanh niên ngoại tỉnh như anh. Tuy nhiên, chính tại các khu công nghiệp mà anh làm việc, sự kì thị với cộng đồng LGBT vẫn tồn tại rất nhiều. Anh đã chịu những lời nói, những hành động xúc phạm, không tôn trọng sự nỗ lực, làm ảnh hưởng đến công việc và tâm lí của Khánh. Thế nhưng may mắn, Khánh được gia đình ủng hộ và cảm thông, luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay yêu thương đón anh trở về kể cả khi biết anh là đồng tính.

Từ thực tế bản thân đã trải qua, Khánh tham gia các hoạt động của nhóm cộng đồng LGBT tại Bắc Ninh. Anh cũng thành lập nhóm “Đam mỹ Bắc Ninh”  - một nhóm dành cho Gay với gần 2000 người tham gia. Khi có dự án cho nhân viên tiếp cận cộng đồng tại TTKSBT tỉnh Bắc Ninh, Khánh đã đăng kí tham gia với vai trò là một đồng đẳng viên, tiếp cận và giúp đỡ kịp thời các ca HIV, các đối tượng đang muốn sử dụng PrEP.

“Trong quá trình làm nhân viên tiếp cận cộng đồng, tôi thấy công việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng và thuận lợi. Bởi các đối tượng MSM đều ngại công bố danh tính, không muốn để cộng đồng hoặc người khác biết về mối quan hệ MSM của mình. Họ sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí nhiều người còn sợ cả chính các thành viên trong gia đình biết. Vì vậy để tiếp xúc với các đối tượng hoặc để họ thừa nhận hành vi MSM đã là rất khó khăn, chứ chưa đến việc tư vấn họ sử dụng biện pháp an toàn hoặc đi xét nghiệm HIV”.

Đặc biệt, nhóm khách hàng của anh Khánh tiếp cận chủ yếu là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trong giờ hành chính. Vì vậy, thời gian tiếp cận khách hàng của anh T chủ yếu là ngoài giờ và vào các ngày nghỉ cuối tuần. Có những khách hàng phải mất cả tháng đến nhà, nhắn tin, gọi điện thoại và sau nhiều lần thuyết phục, họ mới có can đảm đi đến khám và điều trị PrEP. Nhiều khách hàng chưa nhận thức đúng về PrEP và ARV, họ cho rằng 2 loại thuốc này là một, nhiều người quá tin tưởng vào PrEP mà không sử dụng bao cao su để phòng tránh các bệnh khác, khách hàng khi nhiễm HIV thì không đi điều trị với lí do LGBT không cần sống lâu vì không có ích cho xã hội.

Hành trình của nhân viên tiếp cận cộng đồng trong việc tìm kiếm và chuyển gửi khách hàng điều trị PrEP không chỉ đơn thuần là công việc mà còn là một sứ mệnh cao cả, giúp đỡ cộng đồng MSM, TG… tiếp cận với các biện pháp bảo vệ sức khỏe. Từ đó chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của sự đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Những bước chân thầm lặng của nhân viên tiếp cận cộng đồng đã mang đến tính hiệu quả của chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) góp phần vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh.

Một số hình ảnh hoạt động nhóm MSM tại tỉnh:

 

 

Bùi Thị Ngoan
Source: Khoa PC HIV/AIDS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh