bn-current-user-online-portlet

Online : 4225
Total visited : 150807337

Cung ứng đủ thuốc phòng chống bệnh tay chân miệng

11/10/2018 15:36 View Count: 184
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị bảo đảm cung ứng thuốc phòng, điều trị bệnh tay chân miệng trước sự gia tăng dịch bệnh này trong thời gian gần đây.

Ưu tiên cung ứng đủ thuốc phòng chống bệnh tay chân miệng

Theo thống kê của ngành y tế, chín tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và sáu trường hợp tử vong tại năm tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía nam.

Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khẩn trương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo về dự trữ, cung ứng thuốc. Đồng thời kịp thời báo cáo về Bộ Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật số lượng và tình trạng các ca mắc tay chân miệng để kịp thời liên hệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để bảo đảm đủ thuốc cho công tác phòng và điều trị bệnh.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc phải chuẩn bị sẵn nguồn thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để ưu tiên cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu phòng chống dịch bệnh. Cục Quản lý Dược sẽ xem xét giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc của các cơ sở để bảo đảm đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía nam

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết, tính đến tháng 9-2018, có 47.957 ca mắc tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng lưu hành ở khu vực phía nam, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ. Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2017, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận số ca độ 2b cao hơn và có cả ca mắc tay chân miệng độ 4.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, Bệnh viện Nhi Đồng 1, hiện bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám thấp hơn 2017. Tuy nhiên, từ tuần 36, lượt khám tăng đột biến, gần tương đương với đỉnh dịch năm 2015, số ca nặng tăng nhanh. Tính đến tháng 9-2018, có 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Qua chín tháng đầu năm 2018, quận Tân Phú, Hóc Môn, Tân Bình và Bình Tân lần lượt là bốn quận/huyện tại TP Hồ Chí Minh có số ca nhập viện do bệnh tay chân miệng cao nhất.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, năm 2017 không ghi nhận trường hợp nghi sởi nhập viện nhưng năm 2018, từ tuần 30 đến 8-10 đã có 83 ca sốt phát ban nghi sởi nhập viện. Trong đó có hai ca tử vong tại An Giang và TP Hồ Chí Minh.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã chủ động trong công tác thu dung điều trị, phòng chống bệnh tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết: tổ chức cách ly, dự phòng lây lan trong bệnh viện, tổ chức, phân tuyến điều trị hợp lý; nâng cao năng lực điều trị tuyến trước để giảm quá tải cho tuyến trên. Đến nay, bệnh viện đã bước đầu khống chế thành công sởi, giảm tử vong bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Tại Đồng Nai, theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thì đến nay số ca mắc tay chân miệng là 8,365 ca , tăng 10,71% so với cùng kỳ năm 2017 (7.556 ca) và đã có ca tử vong (tại Định Quán). Từ tháng 8-2018, số mắc tay chân miệng tăng nhanh và liên tục, cao hơn cùng kỳ năm 2017. Cao nhất vào tháng 9, số mắc hơn 200 ca nội trú và 500 ca ngoại trú mỗi tuần.

Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác giám sát, phát hiện ca bệnh còn nhiều khó khăn như thực trạng trẻ đi khám các phòng khám tư nhân không được báo cáo lên hệ thống; Trường /nhóm trẻ không thực hiện hoặc báo cáo trễ cho trạm y tế. Sự tuân thủ, cách ly còn hạn chế như trẻ vẫn đi chơi, giao tiếp bình thường trong thời gian phải cách ly. Cha mẹ không nghỉ làm để trông con được nên trẻ phải đến trường, tạo áp lực rất lớn cho các trường học.

Để tăng cường phát hiện sớm ca bệnh và kiểm soát lây bệnh trong trường học, theo PGS.TS Phạm Văn Quang, ngành y tế cần phối hợp ngành giáo dục để tập huấn lại cho các trường, nhóm; thực hiện giám sát định kỳ và đột xuất; đẩy mạnh truyền thông: đa dạng hóa nội dung và hình thức (cần có thông điệp riêng cho từng đối tượng: cha mẹ trẻ bệnh, cha mẹ trẻ không bệnh, giáo viên, người quản lý các khu vui chơi…)… Thực hiện phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng; khắc phục hạn chế của sự tuân thủ cách ly; tổ chức lại hoạt động phòng chống dịch, bảo đảm nguồn lực để đáp ứng đồng thời cả ba bệnh.

Minh Hùng
Source: Tổng hợp