bn-current-user-online-portlet

Online : 3020
Total visited : 151038597

Số mắc sởi tăng 10,2 lần so với cùng kỳ năm 2017

11/10/2018 15:32 View Count: 114

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc sởi trên cả nước tăng 10,2 lần.

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên và lây lan rất mạnh. Trẻ em, người lớn chưa bị bệnh, chưa được tiêm phòng khi tiếp xúc với nguồn bệnh đều có thể mắc bệnh. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân.

Tích lũy chín tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, trong đó có một trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần.

Các tỉnh có số mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội (531 trường hợp sốt phát ban, 307 dương tính), Lào Cai (481 trường hợp sốt phát ban, 162 dương tính), Điện Biên (468 trường hợp sốt phát ban, 33 dương tính), Thanh Hóa (236 trường hợp sốt phát ban, 129 dương tính), Sơn La (186 trường hợp sốt phát ban, 83 dương tính), Quảng Ninh (106 trường hợp sốt phát ban, 61 dương tính).

Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chiếm 21,4% và 1-4 tuổi chiếm 37,8%. Trường hợp đã được tiêm chủng (chiếm 13,6%), còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (chiếm 44,5%) và không rõ tiền sử tiêm chủng (chiếm 41,9%).

Theo Bộ Y tế, trong kế hoạch tiêm vaccine sởi - rubella (MR) cho sáu tỉnh (Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La), hiện đã triển khai được tại 33/33 huyện, với 261.331/264.462 trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vaccine sởi - rubella, đạt tỷ lệ 96,15%. Hiện có 28/33 huyện đã kết thúc việc triển khai, còn năm huyện đang tiến hành tiêm vét. Tổng số liều vaccine các đơn vị đã được cấp sử dụng là 373.900 liều (theo kế hoạch là 377.100 liều).

Bộ Y tế cũng đã phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine sởi - rubella tại 13 tỉnh, thành phố nguy cơ cao (Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đác Lắc, Đác Nông, Bình Phước) trong năm 2018. Đến nay, có hai tỉnh đã phê duyệt kế hoạch triển khai là Quảng Trị và Kon Tum. Bộ Y tế đang tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018 -2019, dự kiến tiêm cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ 1-5 tuổi tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố nguy cơ cao.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay, bệnh sởi xuất hiện rải rác tại 40 tỉnh, thành phố, chủ yếu mắc rải rác, tập trung chủ yếu ở khu vực miền bắc. Đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi (37,8%). Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (86,4%).

"Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại các địa phương do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Hiện nay, cũng đã ghi nhận một số trường hợp mắc sởi tại các tỉnh khu vực miền nam, nên sẽ có nguy cơ lây lan, bùng phát dịch”, ông Tấn khuyến cáo.

Các khuyến cáo của Bộ Y tế đối với người dân

- Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi.

- Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

- Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và bảo đảm các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Minh Hùng
Source: Tổng hợp