bn-current-user-online-portlet

Online : 4216
Total visited : 151070897

Diệt muỗi vằn phòng chống bệnh sốt xuất huyết

19/08/2014 09:04 View Count: 29
Phòng chống SXH đang được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2014 của các cấp chính quyền và ngành y tế
Cán bộ Trung tâm YTDP tỉnh hướng dẫn người dân phát hiện ổ loăng quăng, bọ gậy trong các vật dụng chứa đựng nước

Diệt muỗi vằn phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh truyền nhiễm và có diễn biến phức tạp tại các tỉnh khu vực phía Bắc trong những tháng đầu năm 2014. Phòng chống SXH đang được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2014 của các cấp chính quyền và ngành y tế.

Chúng tôi có mặt trong buổi giám sát muỗi vằn và loăng quăng, bọ gậy gây bệnh sốt xuất huyết của Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng tỉnh và TTYT huyện Tiên Du cùng các cộng tác viên chương trình sốt xuất huyết xã Phú Lâm. Là một trong những xã có mật độ dân số đông của tỉnh, với khoảng 16.000 dân. Hơn nữa, là xã nông nghiệp, đồng ruộng, ao hồ nhiều, Phú Lâm lại có khá nhiều làng nghề, đặc biệt là nghề trồng cây cảnh…đây là môi trường lí tưởng để bọ gậy, loăng quăng phát triển và gây bệnh. Chính vì vậy, các hoạt động kiểm tra, giám sát muỗi như thế này sẽ góp phần loại bỏ các yếu tố nguy cơ do muỗi SXH gây ra.

Tại Bắc Ninh, Dự án phòng chống bệnh SXH được triển khai từ năm 2008. Theo thống kê, năm 2009 là năm Bắc Ninh có số bệnh nhân SXH cao nhất với 325 ca. Những năm tiếp theo số ca mắc giảm hơn, tuy nhiên luôn có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không được ngăn chăn kịp thời. Hàng năm, TTYT dự phòng tỉnh tổ chức 2 – 3 lần phát động chiến dịch thu gom phế thải, huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc phát hiện và loại trừ các ổ loăng quăng, bọ gậy. Ngoài ra cũng tổ chức phun hóa chất trong mùa dịch để chủ động làm giảm đàn muỗi trưởng thành tại các ổ dịch cũ hoặc nơi có mật độ muỗi cao.

Hoạt động phát hiện và loại trừ ổ loăng quăng, bọ gậy thực sự phát huy hiệu quả thông qua đội ngũ cộng tác viên phòng chống SXH tại các địa phương. Tham gia đoàn công tác, tìm hiểu được biết riêng địa bàn xã Phú Lâm có đến 14 cộng tác viên chương trình SXH. Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoàn – cộng tác viên chương trình tại Phú Lâm cho biết: “Hàng tháng tôi đều đến các hộ gia đình và hướng dẫn họ thu gom các vật dụng có chứa đựng nước ở ngoài sân, ngoài vườn, để úp xuống, không để các vật đó có chứa nước làm sinh sôi nảy nở ra muỗi gây SXH”.

Cũng theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 80 cộng tác viên chương trình phòng chống SXH, họ thường xuyên được tập huấn nâng cao kĩ năng giám sát, phát hiện và xử lí ổ dịch SXH, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SXH… nên trình độ chuyên môn của đội ngũ này ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Chiêu - Phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm - TTYT dự phòng tỉnh cho biết, cán bộ của TTYT thường xuyên xuống địa bàn các huyện để giám sát tình hình dịch, nhằm phát hiện sớm, không để dịch xảy ra, cũng thông qua giám sát để đưa ra nhận định, dự báo sớm, phòng chống dịch trong tương lai. Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của người dân luôn được coi trọng thông qua việc phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, với ngành giáo dục”.

Chương trình phòng chống SXH tại Bắc Ninh đang hướng đến các mục tiêu: giảm tỉ lệ mắc, không để xảy ra tử vong, 100% bệnh nhân SXH được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế, nâng cao số bệnh nhân nghi SXH được xét nghiệm huyết thanh, tất cả các huyện, thị đều thường xuyên được giám sát vec tơ...Vì vậy, trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các bạn ngành đoàn thể địa phương. Có như vậy chương trình PC SXH tại Bắc Ninh mới đạt được hiệu quả cao hơn./.

Phương Nhiên

Cộng tác viên Trung tâm TT-GDSK

 

Sở Y Tế
Source: BBN