bn-current-user-online-portlet

Online : 3484
Total visited : 151107582

Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân có những lợi ích gì?

16/03/2017 15:51 View Count: 61
Hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân sẽ giúp người dân khi đi khám bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác.
    Tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí chiều 21/2, đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế đã giải đáp nhiều thông tin liên quan đến việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân. Hồ sơ này sẽ giúp mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ. Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia bảo hiểm y tế.
    Để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật thì việc thiết lập hệ thống quản lý sức khỏe cá nhân gắn với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân là rất cần thiết.
Thực tế hiện nay, Phú Thọ đã thí điểm việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại huyện Yên Lập, khám và lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 62.000 người, đạt 67%. Dự kiến từ tháng 3 đến hết tháng 6 tới, Phú Thọ đặt mục tiêu khám và lập hồ sơ sức khỏe cho trên 90% dân số trên địa bàn. 
    Tương tự, Bắc Ninh thí điểm triển khai tại 2 xã thuộc huyện Quế Võ, đã khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho trên 15.000 người. Dự kiến, trong tháng 5 và 6 tới, Bắc Ninh sẽ triển khai trong toàn toàn tỉnh.
    Còn tại Hà Nội, từ năm 2014 đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình và đã thực hiện quản lý trên 35.000 hồ sơ sức khỏe. Hiện nay, Sở Y tế Hà Nội đang xây dựng kế hoạch triển khai quản lý hồ sơ cá nhân để trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt, dự kiến từ tháng 3 tới tháng 9 năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu. 
    Hồ sơ quản lý sức khỏe bao gồm các thông tin chung về nhân thân và một số thông tin tiền sử sức khỏe, bệnh tật phù hợp nhóm đối tượng chia theo độ tuổi: Trẻ em dưới 5 tuổi, độ tuổi học đường (6-18 tuổi); người trưởng thành (18-59 tuổi), người cao tuổi (từ 60 tuổi), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi).
Với hồ sơ quản lý sức khỏe này, người dân khi đi khám bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác. Bác sĩ có thể tìm được nhanh chóng các thông tin về sức khỏe của người bệnh, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, giảm bớt chi phí của mỗi người dân cho việc khám, chữa bệnh.
    Việc quản lý sức khỏe toàn diện sẽ giúp người bệnh giải quyết sớm các bệnh thông thường tại tuyến dưới, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng giúp giảm tải bệnh viện.
Trọng Tiến
Source: chinhphu.vn