bn-current-user-online-portlet

Online : 3499
Total visited : 151102133

Hội nghị trực tuyến đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục

09/11/2021 15:00 View Count: 630

Ngày 8/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong cơ sở giáo dục đào tạo. Hội nghị thực hiện theo hình thức trực tuyến với hơn 1.000 điểm cầu nối tới các Sở GDĐT, Sở Y tế, Phòng GDĐT, Trung tâm Y tế quận/huyện của 63 tỉnh/thành. Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đồng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Bắc Ninh có đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở GDĐT, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND tỉnh và điểm cầu tại các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế và Bộ GDĐT đã trình bày các nội dung về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Theo đó quan điểm của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia là phải an toàn mới đi học và khi đi học thì phải an toàn.

Theo thống kê, hiện cả nước có 28 tỉnh, thành phố đang học trực tiếp; 35 tỉnh và 337 huyện, quận đang cho học sinh thực hiện học trực tiếp và học trên truyền hình; khoảng 6,7 triệu học sinh và trẻ em mầm non học trực tuyến. Các địa phương đang triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19 cho cán bộ, giáo viên và bắt đầu triển khai tiêm cho học sinh từ 12 - 17 tuổi. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tiếp vẫn còn gặp một số khó khăn do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số địa phương; xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học; tỉ lệ cán bộ, giáo viên trong trường học được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin còn thấp, trung bình mới đạt 8,62% được tiêm mũi 2; nhiều nơi không đảm bảo giãn cách trong lớp học; khó khăn trong việc duy trì đeo khẩu trang cho trẻ mầm non và cấp tiểu học trong quá trình dạy học…

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, Bộ Y tế ở tất cả các cấp độ dịch. Các nhà trường cần thực hiện một số nhiệm vụ trước khi học sinh quay trở lại học như: Vệ sinh môi trường, khử khuẩn; đảm bảo cơ sở vật chất hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp với nhau...; tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác phòng chống dịch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, cách phát hiện các trường hợp nghi mắc. Thông qua sổ liên lạc điện tử, hệ thống thông tin liên lạc sẵn có để tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh, cha mẹ học sinh theo dõi sức khỏe, biện pháp phòng chống dịch. Khi học sinh quay trở lại trường học phải bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào trong trường; quy định, hướng dẫn học sinh rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách... Đối với những học sinh bị sốt, ho, khó thở phải đưa đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi, cách ly, phối hợp với cha mẹ học sinh khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh, tham vấn ý kiến của y tế địa phương. Các nhà trường cũng thực hiện xử trí các trường hợp nghi mắc, mắc COVID-19, phong tỏa dập dịch theo đúng quy định.

Đối với công tác tiêm vắc xin: Tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi từ quý IV/2021; phấn đấu tối đa 95% trẻ em chỉ định tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được tiêm đủ số liều cơ bản và liều nhắc lại trong năm 2022. Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm chủng lưu động và trường học đối với địa bàn tổ chức học tập trung tại trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương phối hợp rà soát và yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ với cốt lõi là “thích ứng, linh hoạt, an toàn”; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đánh giá cấp độ dịch để quyết định hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh đảm bảo sự phù hợp... Đối với vấn đề học sinh đến trường học trực tiếp phải đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách tiếp tục được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, vấn đề tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế các địa phương cùng UBND cấp xã rà soát, thống kê, lập danh sách để không để sót; đồng thời, tăng cường tuyên truyền để phụ huynh học sinh, người dân thấy được lợi ích, tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em; tổ chức hiệu quả tập huấn cho cán bộ y tế về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em…

Nguyễn Oanh