bn-current-user-online-portlet

Online : 4885
Total visited : 151071311

Khát vọng và đam mê

28/02/2018 07:56 View Count: 70

Là một chuyên gia trong lĩnh vực thận, tiết niệu, đạt được nhiều thành công được trong nước và quốc tế ghi nhận, nhưng với TS.BS Nguyễn Vĩnh Hưng, dường như mọi thứ chỉ là bắt đầu…”.

Sau nhiều lần lỡ hẹn với chúng tôi vì lý do công việc quá bề bộn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được bác sĩ Hưng để nghe anh chia sẻ về chuyện “đời bác sĩ” như đã hứa.

Tiếp chúng tôi trong phòng làm việc nhỏ tại Bệnh viện E, bác sĩ Hưng bắt đầu câu chuyện một cách rất bình dị: “Cuộc đời bác sĩ có gì đâu. Thời sinh viên thì úp mặt vào sách vở. Tốt nghiệp thì quanh năm là bệnh viện”. Câu chuyện của anh kéo chúng tôi về với quá khứ của 30 năm trước.

Cậu học trò Nguyễn Vĩnh Hưng từng thi đỗ á khoa trường chuyên Hà Nội-Amstecdam, nhưng do hoàn cảnh khó khăn phải chuyển về học tại trường PTTH Kim Liên. Ba năm học cấp III, bạn bè, thầy cô đều ấn tượng với cậu học sinh có đôi mắt sáng, giỏi toán và rất ngăn nắp trong cuộc sống. Chính vì những đức tính ấy, khi chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, cô giáo chủ nhiệm đã đến tận nhà khuyên cậu học trò cưng của mình nên thi vào Đại học Bách Khoa, nhưng Nguyễn Vĩnh Hưng đã quyết chọn con đường khác-tiếp nối truyền thống của gia đình, theo học y khoa.

Người cha của Nguyễn Vinh Hưng là thầy Nguyễn Vĩnh Bảo, cùng thế hệ với GS. Tôn Thất Bách, GS. Phạm Mạnh Hùng… Ông thuộc lớp những nhà khoa học đầu tiên sau 1954, có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc về dược lý được Đại học Y Hà Nội giữ lại làm giảng viên.

Khi đất nước trong giai đoạn cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất, năm 1973, thầy Nguyễn Vĩnh Bảo cùng GS Phạm Gia Khải xung phong nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam. Theo bước chân quân giải phóng, họ là những chuyên gia y tế đầu tiên tiếp quản các kho hồ sơ y học, y học quân sự của chế độ Sài Gòn để bảo tồn và kế thừa.

Từ thuở niên thiếu, dù ít sống gần cha mình, nhưng trong tâm thức của Nguyễn Vĩnh Hưng những câu chuyện của người cha luôn thấm đẫm trong từng suy nghĩ, việc làm. Người cha, đồng thời là một người thầy là tấm gương sáng để anh noi theo, học tập và gắn bó với ngành y.

Quyết tâm nối nghiệp

“Sinh viên y vất vả lắm, nhất là thế hệ chúng tôi” TS.BS.Nguyễn Vĩnh Hưng nhớ lại những tháng ngày cắp sách trên giảng đường đại học.Thế hệ 1988-1994 của Đại học Y là thế hệ giao thời, khi chiến tranh đã trôi qua, nhưng khó khăn vẫn còn chất ngất.Thiếu thốn đủ thứ, sách vở, giáo trình, trang thiết bị thực hành, đặc biệt là quá trình chuyển đổi mô hình đào tạo. Nhưng nhờ một trực giác rất sắc bén, chàng sinh viên Nguyễn Vĩnh Hưng đã tự trang bị cho mình 2 ngoại ngữ khá mới mẻ thời đó là tiếng Anh và tiếng Pháp. Anh kể, có một kỷ niệm khó quên: “Khi đang theo học năm thứ 3, trường tổ chức một Hội nghị khoa học với Bộ Y tế Pháp, đại diện cho khoảng 600 sinh viên tham dự, mình được Hội đồng tin tưởng trao trách nhiệm, báo cáo trước hội nghị và nói hoàn toàn bằng tiếng Pháp. Sau sự kiện này, nhiều thầy đã ấn tượng với bài phát biểu. Mấy người bạn thân thì khá ngạc nhiên hỏi: mày học tiếng Pháp từ lúc nào vậy?”.Anh cười: “Họ biết đâu, mình phải thức đêm, rồi học “ké” sách của các cụ”.

Có lẽ, nhờ vốn ngoại ngữ được trau dồi liên tục suốt 30 năm qua mà TS.BS Nguyễn Vĩnh Hưng đã có nhiều công trình nghiên cứu, với 3 đề tài cấp bộ, 40 đề tài cấp cơ sở và là một trong những người trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú.

Cứu cánh cho bệnh nhân nghèo

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, Nguyễn Vĩnh Hưng được thầy Trần Đỗ Trinh (Viện trưởng Viện tim mạch đầu tiên) khuyên anh nên về chuyên ngành tim mạch, thày Lê Điềm (nguyên giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn) mời sang Khoa sản, thày Nguyễn Nguyên Khôi (Trưởng Khoa, và là người đặt nền móng ngành Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai) muốn anh về lọc máu nhân tạo… Tuy nhiên, cái duyên đã gắn BS. Nguyễn Vĩnh Hưng với Khoa Thận – tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai, do thày Nguyễn Văn Sang làm trưởng khoa.

Là một bác sĩ trẻ nhiều triển vọng, Nguyễn Vĩnh Hưng được cử sang Pháp học kỹ thuật ghép thận tại Trung tâm bệnh viện Chatrauroux. Về nước năm 2000 là thời điểm tại Bệnh viện Bạch Mai đang diễn ra quá trình chuyển mình mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội những cũng là thách thức cho lớp thầy thuốc trẻ như Nguyễn Vĩnh Hưng phát huy kiến thức.

Nhớ lại thời kỳ đó, anh trăn trở: “Người nghèo đổ bệnh đã khổ, nhưng nỗi khổ còn nhân lên gấp bội khi họ phải chạy thận nhân tạo, do sự tốn kém kéo dài trong điều trị. Bởi vậy muốn giúp người nghèo cần phải có kĩ thuật nào đó an toàn, giúp giảm chi phí và thời gian nằm điều trị cho bệnh nhân”.

TS. Nguyễn Vĩnh Hưng đang báo cáo khoa học kỹ thuật lọc màng bụng.

Thời điểm đó, kỹ thuật lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) điều trị hàng ngày cho bệnh nhân suy thận mạn tính còn khá mới mẻ. Ở nước ta chỉ có Bệnh viện Chợ Rẫy, 115 TPHCM là những nơi tiên phong và đã triển khai thực hiện tương đối tốt kỹ thuật lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận mạn. Bác sĩ Hưng nhận ra đây là “chìa khóa” để giúp các bệnh nhân nghèo giảm chi phí trong quá trình điều trị suy thận mãn tính.

Là một bác sĩ trẻ có năng lực, nhận gánh vác nhiều trách nhiệm chuyên môn và kỹ thuật của Khoa Thận Tiết niệu, anh được cử vào TPHCM học tập các kỹ thuật trên để triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai. Đến tháng 3/2003, lần đầu tiên phương pháp thẩm phân phúc mạc được triển khai thực hiện tại bệnh viện Bạch Mai.

“Đây là giai đoạn khó khăn nhưng cũng đáng nhớ nhất”, anh chia sẻ. Khi đó, vợ mình đang mang bầu, nhưng vì công việc, 3 tháng ròng rã mình ăn, ngủ trong bệnh viện để theo dõi quá trình điều trị, phục vụ tốt cho bệnh nhân đầu tiên (quê Hưng Yên)…

Khi phương pháp thẩm phân phúc mạc được hội đồng chuyên môn đánh giá thành công đã thực sự tạo tiếng vang, không chỉ cho Khoa thận tiết niệu mà còn là dấu ấn của riêng anh.Vì phương pháp thẩm phân phúc mạc mở ra cơ hội lớn cho nhiều bệnh nhân nghèo, bệnh nhân vùng sâu, xa.

BS. Hưng diễn giải cho chúng tôi hiểu: “Ưu điểm của phương pháp này là không cần TTBYT, máy móc, quả lọc… nên có chi phí rẻ hơn và người bệnh có thể tự thao tác quá trình lọc máu hàng ngày cho mình tại nhà, không cần đến bệnh viện. Phương pháp này cũng tránh được yếu tố thảm họa thông việc lây nhiễm qua đường máu. Mặt khác máu của người bệnh cũng không phải tiếp xúc với quả lọc, hóa chất… là những vật thể lạ có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng những biến đổi nhất định của cơ thể”.

Thực tế cho thấy, hơn 10 năm triển khai phương pháp “Thẩm phân phúc mạc”, hàng chục ngàn bệnh nhân nghèo đã được điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nhẹ gánh nặng chi phí.

TS Nguyễn Vĩnh Hưng họp mặt với Chủ tịch Hội Thận nhân tạo Nhật Bản.

Đam mê khoa học

Luôn chấp nhận thử thách và tự tạo áp lực công việc để hoàn thiện mình, năm 2005 anh đã chấp nhận thử thách, chuyển công tác từ Bệnh viện Bạch Mai về Bệnh viện E Trung ương… Khởi đầu bao giờ cũng gian nan, thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất xuống cấp và đặc biệt là nguồn nhân lực phải đào tạo lại từ đầu... Anh cười xòa: “Khi đó mình là 3 trong 1. Vừa là bác sĩ, vừa là y tá, vừa là thợ điện”.Thậm chí, anh phải bỏ tiền túi ra để sửa sang điện nước, tu bổ phòng ốc và hỗ trợ trả lương cho nhân viên.

Nhờ có các mối quan hệ tốt, không chỉ với đồng nghiệp trong nước mà anh còn nhận được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế. Các đồng nghiệp tới từ Pháp đã nhiều lần hỗ trợ Khoa một số TTBYT, máy móc hiện đại và giúp đào tạo các kỹ thuật viên chính... Sự giúp đỡ quí giá này cùng với nỗ lực của tập thể cán bộ Khoa đã góp phần xây dựng chuyên ngành thận của Bệnh viện E dần khởi sắc, có thể sánh ngang với các chuyên ngành thận học hàng đầu trong nước.

Chỉ sau Bệnh viện Bạch Mai hơn 2 năm, ngày 28/12/2005 một sự kiện được ghi nhận tại Bệnh viện E kể từ khi thành lập gần 40 năm (1967), đó là lần đầu tiên tại đây, bệnh nhân N.V.G (Bắc Giang) được lọc máu nhân tạo bằng phương pháp màng bụng. Thành công này có sự góp phần không nhỏ của TS.BS Nguyễn Vĩnh Hưng.

TS Nguyên Vĩnh Hưng (hàng đầu, thứ 5 từ trái sang) tại Lễ Kỉ niệm 50 năm thành lập Bệnh viện E.

TS.BS. Nguyễn Vĩnh Hưng hiện là trưởng 2 khoa của Bệnh viện E: Khoa Lọc máu và Khoa thận-Tiết niệu. Nhìn vào lịch công việc kín đặc trong ngày, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì sức làm việc của anh. Nhưng dù bận đến đâu, anh vẫn dành thời gian để tìm hiểu tâm tư của những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt để tìm cách chia sẻ, động viên và giúp đỡ ...

TS.BS. Nguyễn Vĩnh Hưng vẫn giữ thói quen đọc sách, nghiên cứu đã hình thành từ thời sinh viên và duy trì đến hôm nay.

Cuốn sách đầu tiên về thận học được anh hoàn thành vào giai đoạn đặc biệt khó khăn, thời điểm chuyển công tác về Bệnh viện E. Thời gian gần đây anh viết bài, tham gia phản biện khoa học trên các tạp chí chuyên ngành cả trong nước và quốc tế, đồng thời là ủy viên nằm trong Hội đồng biên tập Tạp chí Y học Thực hành, một tạp chí khoa học chuyên ngành lâu đời và uy tín của Bộ Y tế, hiện do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là Tổng biên tập.

Năm 2015 TS.BS. Nguyễn Vĩnh Hưng nhận Quyết định của Bộ trưởng, đảm nhiệm chức vụ Phó tổng biên tập Tạp chí Y học Thực hành. Với tư vấn của các chuyên gia đầu ngành y của Việt Nam và Nhật Bản, TS.BS. Nguyễn Vĩnh Hưng đã cùng các tập thể cán bộ YHTH xây dựng một quy trình xuất bản hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế của tạp chí khoa học - y học. Mỗi năm Tạp chí đăng tải hàng ngàn bài viết, là các công trình khoa học có giá trị học thuật và thực tiễn, phổ quát hầu hết các chuyên ngành của y khoa… Thời gian gần đây, Tạp chí đã đưa ra thêm nhiều qui chuẩn mới nhằm nâng cao chất lượng cả nội dung và mẫu mã thiết kế theo phong cách hiện đại, thể hiện nét đặc trưng của Tạp chí khoa học hàng đầu, để dần khẳng định thương hiệu của một tạp chí nghiên cứu tầm cỡ quốc gia.

Tất cả những thành công ấy đều được các đồng nghiệp và giới y khoa Việt Nam ghi nhận, nhưng với TS.BS Nguyễn Vĩnh Hưng, dường như mọi thứ chỉ mới thực sự bắt đầu…

 

Hồng Ngọc (st)