bn-current-user-online-portlet

Online : 3924
Total visited : 150775954

Khóa đào tạo thực hành chăm sóc trẻ Bằng phương pháp kangaroo

01/07/2019 15:47 View Count: 225

Trong hai ngày 27-28/6/2019, Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em đã phối hợp với Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh tổ chức lớp đào tạo thực hành chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo (KMC) (giai đoạn 1) cho các cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực chăm sóc trẻ sơ sinh tại các bệnh viện Phụ sản Thành phố Hải Phòng, Sản - Nhi tỉnh Bắc Ninh, Sản - Nhi tỉnh Bắc Giang và Bệnh viện Nhi tỉnh Thái Bình.

Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo là phương pháp chăm sóc trẻ sinh non/nhẹ cân bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da-kề-da trên ngực mẹ và nuôi dưỡng bằng sữa mẹ. Chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo do bác sĩ Rey và Martinez khởi xướng ở Colombia năm 1978 vì thiếu lồng ấp với mục đích ban đầu là giữ ấm cho trẻ. Tuy nhiên sau một thời gian thực hiện tại tại Colombia và nhiều địa bàn khác, KMC đã được đánh giá là có các lợi ích quan trọng ngoài giữ ấm cho trẻ. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng KMC là một giải pháp an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện mà đáp ứng được các nhu cầu cơ bản cho sự sống còn của trẻ mới sinh: kích thích thở, giữ ấm, nuôi dưỡng bằng sữa mẹ, bảo vệ và yêu thương từ người mẹ. Vì vậy KMC không những áp dụng cho trẻ đẻ non mà còn được khuyến nghi thực hiện cho tất cả trẻ sơ sinh đẻ thường và trẻ sơ sinh phải chuyển viện. Tại hội thảo quốc tế lần thứ nhất vào năm 1996, KMC được khuyến nghị là “quyền cơ bản của trẻ mới sinh và phải là một phần hoạt động lồng ghép trong quản lý chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ nhẹ cân cũng như sơ sinh đẻ thường, ở tất cả khu vực, ở tất cả các tuyến chăm sóc và ở tất cả các quốc gia”.

Theo một số nghiên cứu gần đây, ở Việt Nam, trong số trẻ tử vong dưới 1 tuổi, tỉ lệ trẻ sơ sinh (dưới 28 ngày) tử vong vẫn chiếm khoảng 82% theo nghiên cứu MIC-2014 và khoảng 70-75% theo nghiên cứu của một số tổ chức khác, nguyên nhân tử vong trẻ sơ sinh bao gồm: đẻ non/nhẹ cân (25%); Ngạt (15%); Dị tật (13%); và các nguyên nhân khác chiếm 47% (vàng da, Hô hấp, nhiễm khuẩn, tiêu hóa, xuất huyết, …), trong đó phần lớn các nguyên nhân có thể phòng tránh được hoặc can thiệp rất hiệu quả với chi phí thấp. Trẻ sơ sinh non yếu tử vong nhiều phản ánh một thực tế là chăm sóc nuôi dưỡng trẻ các trẻ này còn là vấn đề thách thức lớn trong công tác chăm sóc trẻ sơ sinh ở nước ta

Ở nước ta, KMC được thực hiện đầu tiên vào những năm đầu của thập kỷ 90 (năm 1995) bệnh viện Việt Nam Thụy Điển - Uông Bí, tiếp đến là bệnh viện Từ Dũ và sau đó mở rộng một số tỉnh thành trong cả nước nhưng vẫn còn là các địa bàn thực hiện riêng lẻ hoặc hỗ trợ từ một số dự án. Đến năm 2009, Bộ Y Tế đã chính thức ban hành hướng dẫn quốc gia KMC cho trẻ sinh non nhẹ cân. Từ đó, KMC được giới thiệu cho tất cả các cơ sở y tế có chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh trong cả nước. Tuy nhiên, theo một số báo cáo và nghiên cứu, phương pháp này chưa được áp dụng ở nhiều cơ sở chăm sóc sơ sinh mặc dù lợi ích của KMC đều được công nhận. Do vậy, tỉ lệ trẻ sinh non/nhẹ cân được hưởng những ích lợi từ phương pháp này còn rất hạn chế. 

Hiểu được tầm quan trọng của việc tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy và triển khai KMC trên phạm vi toàn quốc, trước tiên là triển khai tại các bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện chuyên khoa sản-nhi, Vụ SKBMTE, với sự hỗ trợ của WHO và Bộ Y tế, tiến hành triển khai can thiệp và đào tạo cho cán bộ y tế tại một số tỉnh về KMC theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 tập huấn cho cán bộ y tế về cách đánh giá cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu, nhân lực, số liệu về bà mẹ, trẻ sơ sinh nằm chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai KMC; Giai đoạn 2 tập huấn chuyên môn về KMC cho cán bộ y tế tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Giảng viên chương trình đào tạo là TS. Nguyễn Thu Nga – Nguyên trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí và ThS. Nguyễn Thị Thu Phương, Phó trưởng khoa sơ sinh- BV Phụ sản Nhi Đà Nẵng.

Sau khóa đào tạo giai đoạn 1 tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bắc Ninh, các đơn vị được đào tạo cần xây dựng kế hoạch và gửi Vụ SKBMTE kèm công văn cam kết triển khai của lãnh đạo bệnh viện để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 tại Đà Nẵng.

Nguyễn Thu Huyền – BVSN