bn-current-user-online-portlet

Online : 3091
Total visited : 151038624

Lần đầu tiên truyền hình trực tiếp 2 ca dị dạng mạch cực khó ra thế giới

14/06/2018 08:37 View Count: 156

Chiều 12/6, Trung tâm Điện quang, BV Bạch Mai đã truyền hình trực tiếp 2 ca dị dạng mạch thần kinh cực khó ra thế giới. Được biết, Việt Nam vinh dự là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới tham gia truyền hình trực tiếp tại Hội nghị Điện quang can thiệp - phẫu thuật thần kinh lần này.

PGS.TS Vũ Đăng Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Điện quang cho biết, 2 ca bệnh được thực hiện kỹ thuật điều trị phình động mạch não phức tạp bằng đặt stent đổi hướng dòng chảy và kỹ thuật nút mạch tắc luồng thông lần này là 2 bệnh nhân nhỏ tuổi. Trường hợp thứ nhất, bé gái 14 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc bị giả phình động mạch cảnh trái, được tiến hành phẫu thuật lúc 13h chiều ngày 12/6/2018.

Ban đầu, cháu bé chỉ có biểu hiện mờ mắt nên gia đình đã đưa con đi khám. Sau khi được các bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng bằng hình ảnh trên phim cộng hưởng từ thì phát hiện bệnh nhân phình mạch khá phức tạp.

"Trường hợp phình mạch của cháu bé này có dạng hình thoi của động mạch cảnh bên trái. Với phình mạch như vậy, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời thì sẽ dần dần gây mất thị lực, nguy cơ vỡ chảy máu, thậm chí tử vong"- PGS. Lưu chia sẻ.

GS.TS Phạm Minh Thông và PGS.TS Vũ Đăng Lưu là người trực tiếp thực hiện ca can thiệp được truyền hình trực tiếp với thế giới.

 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đầu tiên sau khi được can thiệp.

Ca can thiệp thứ 2 cũng là ca hết sức phức tạp. Cháu bé 11 tuổi, bị bệnh lý dị dạng mạch bẩm sinh, vị trí dị dạng thông với màng cứng.

"Tuy nhiên khác với các ca bệnh thông thường là chỉ dị dạng ở một vị trí, cháu bé này có dị dạng đến 2 vị trí nên việc điều trị rất khó khăn. Chúng tôi đã tiến hành điều trị nút mạch tắc luồng thông, bơm vật liệu giúp bít tắc vị trí luồng thông và vẫn bảo tồn mạch máu, giảm bớt các nguy cơ khác cho cháu.

Trước khi phẫu thuật, tình trạng cháu bé này bị lồi, đỏ mắt bên trái, dòng chảy lưu thông rất lớn, toàn bộ hệ thống nhu mô chảy ngược ra phía trước làm mắt lồi đỏ. Nếu cứ để như vậy thì cháu sẽ hỏng một mắt, áp lực bên trong sọ sẽ tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Việc điều trị bít tắc luồng thông qua can thiệp nội mạch nhằm giảm lưu lượng và hết hoàn toàn ổ dị dạng, từ đó giảm dần áp lực trào ngược giúp phục hồi chức năng mắt chức năng não sau này"- PGS. Lưu cho biết thêm.

Bước đột phá về điện quang can thiệp thần kinh

Theo PGS. Lưu, trước đây khi chưa có kỹ thuật đặt stent đổi dòng chảy thì việc điều trị các ca bệnh tương tự khá khó khăn. Hiện nay với kỹ thuật này có thể bảo tồn được động mạch, sau khi đặt stent vào trong thì khối phình sẽ tắc và dòng chảy đi qua stent vẫn được bảo tồn cấp máu lên não.

Thông thường sau đặt stent khoảng 3 tháng đến 6 tháng thì chỗ phình sẽ tắc, bệnh nhân hoàn toàn trở lại bình thường, túi phình không tái phát, vì với phương pháp này có thể điều trị triệt để hoàn toàn. Các kỹ thuật Điện quang can thiệp Thần kinh với đường chọc rất nhỏ qua đường mạch máu, giúp bệnh nhân hồi phục rất nhanh ngày càng được phát triển mạnh mẽ giúp điều trị các bệnh lý dị dạng mạch não phức tạp.

Bố bệnh nhi vui mừng khi thấy con được can thiệp thành công.

GS.TS Phạm Minh Thông - Giám đốc Trung tâm Điện quang nhấn mạnh, đây là kỹ thuật rất mới trên thế giới được ứng dụng. Tại BV Bạch Mai đã tiến hành điều trị cho hơn 200 ca, việc truyền hình trực tiếp 2 ca bệnh lần này tại một hội nghị điện quang can thiệp lớn nhất thế giới là cơ hội để giới thiệu điện quang can thiệp của Việt Nam ra thế giới. Điều đó cũng chứng tỏ trình độ điện quang can thiệp của Việt Nam ngang tầm với các nước trên thế giới.

Riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện là nước đã điều trị được nhiều ca bệnh dị dạng mạch thần kinh nhất trong khu vực.

Dấu hiệu phát hiện sớm dị dạng mạch

Theo các bác sĩ, dị dạng mạch thần kinh là bệnh lý phức tạp nhưng rất may là tỉ lệ dị dạng mạch thần kinh không nhiều, từ 10-15% tùy theo loại dị dạng. Bệnh hay gặp nhất ở trẻ em là dị dạng thông động tĩnh mạch, ở người lớn thì đột quỵ liên quan đến phình động mạch là phổ biến.

Các triệu chứng thường gặp là bệnh nhân thường có biểu hiện giảm thị lực (như trường hợp bé thứ nhất), và lồi đỏ mắt (ở bé thứ 2). Những triệu chứng lâm sàng này tùy thuộc vào vị trí tổn thương, có trường hợp vỡ, chảy máu thì phát hiện qua các phương pháp thăm khám hình ảnh, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ sẽ phát hiện được lỗ dò, dị dạng mạch để chọn phương pháp điều trị kịp thời, tránh nguy cơ rủi ro sau này.

"Khoảng 50% trẻ phát hiện dị dạng mạch khi có biến chứng chảy máu, các biểu hiện khác như: đau đầu, động kinh, một số dấu hiệu thần kinh khu trú… tùy theo vị trí của tổn thương cha mẹ nên cho trẻ thăm khám cộng hưởng từ, chụp cắt lớp hình ảnh để phát hiện dị dạng, điều trị sớm"- PGS. Lưu khuyến cáo.

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Hội nghị can thiệp Thần kinh truyền hình trực tiếp được sáng lập và chủ trì bởi GS. Jacque Moret và GS. Laurent Spell, Pháp. Đây là hội nghị đầu tiên về truyền hình trực tiếp các ca can thiệp Thần kinh trên thế giới, từ những năm 2000, được tổ chức hàng năm tại Carrousel du Louvre- Paris. Cách thức hôi nghị truyền hình trực tiếp này sau đó được triển khai nhân rộng tại Mỹ, Châu Á và Thế giới.

Trong quá trình diễn ra hội nghị, các ca can thiệp được truyền trực tiếp từ các trung tâm can thiệp nổi tiến trên Thế giới như: BV Đại học Bicetre, Paris, BV Đại học Toronto Canada, BV Đại học Albert Eistein- Sao Paulo- Brazil, Buffalo- Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản…

Năm nay, Hội nghị Điện quang can thiệp - phẫu thuật thần kinh truyền hình trực tiếp diễn ra trong 2 ngày với 16 ca truyền hình trực tiếp tại các trung tâm can thiệp trên thế giới và 5 ca được ghi sẵn.

Trung tâm Điện quang, BV Bạch Mai có vinh dự là 1 trong 5 nước trên thế giới tham gia truyền hình trực tiếp 2 ca can thiệp. Mặc dù đã được triển khai truyền hình trực tiếp tại các Hội nghị Điện quang can thiệp trong nước, đây là lần đầu tiên các kỹ thuật Điện quang can thiệp Thần kinh tại Bệnh viện Bạch Mai, được truyền hình tại Hội nghị thế giới. Ê kíp thực hiện tại Trung tâm Điện quang, BV Bạch Mai gồm GS.TS Phạm Minh Thông và PGS.TS Vũ Đăng Lưu.

Các bệnh lý dị dạng mạch thần kinh được điều trị và truyền hình trong hội nghị gồm: bệnh lý Phình động mạch não, Dị dạng thông động tĩnh mạch não, Hẹp động mạch não, Dị dạng thông động tĩnh mạch màng cứng, Dị dạng mạch tuỷ... Hội nghị thu hút hàng nghìn đại biểu, với các giảng viên là các chuyên gia can thiệp Thần kinh hàng đầu trên thế giới đến từ Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Nam Phi, Thuỵ sĩ, Thuỵ Điển, Ấn Độ, Thái Lan…

Hội nghị là dịp học hỏi, trao đổi ý tưởng, giúp người tham dự dễ dàng chia sẻ tiếp cận kiến thức, kinh nghiệm với các chuyên gia nổi tiếng trên thế giới, đồng thời giúp tăng cường hiệu quả điều trị, mang lại lợi ích cho bệnh nhân khi được thực hiện.
Trọng Tiến
Source: Theo SKĐS