bn-current-user-online-portlet

Online : 2179
Total visited : 150733949

Nâng cao cảnh giác với bệnh bạch hầu

10/07/2024 09:37 View Count: 60

Trước thông tin một ca bệnh tại Nghệ An tử vong do bệnh bạch hầu và một ca mắc bạch hầu tại Bắc Giang có liên quan trực tiếp với ca bệnh tại Nghệ An, hiện bạch hầu đang trở thành mối quan tâm của cả cộng đồng. Tại Bắc Ninh, mặc dù hiện nay chưa ghi nhận ca mắc bạch hầu nào, nhưng người dân cũng cần có nhìn nhận và cách hiểu đúng, từ đó cảnh giác, bình tĩnh, không hoang mang và chủ động phòng bệnh hiệu quả.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm B, đã từng là một trong những bệnh dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, nhờ triển khai vắc xin phòng có thành phần phòng bệnh bạch trong chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1985 nên số ca mắc bạch hầu đã được giảm mạnh. Hiện nay, hàng năm cả nước vẫn ghi nhận các ca mắc rải rác, hình thành các ổ dịch nhỏ, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi có tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu chưa đạt tỉ lệ cao.

Tại Bắc Ninh, khi mà vắc xin chứa thành phần bạch hầu chưa được triển khai rộng khắp, tỉ lệ bao phủ vắc xin còn hạn chế, hàng năm địa bàn tỉnh đều ghi nhận hàng chục ca mắc và tử vong (năm 1984 ghi nhận số mắc: 46, tử vong: 01; năm 1985 ghi nhận số mắc: 55, tử vong: 20; năm 1986 ghi nhận số mắc: 48, tử vong: 06). Tuy nhiên, do tác động của tiêm vắc xin có thành phần phòng bệnh bạch hầu, số mắc giảm dần ngay sau năm 1986. Tính từ năm 1998 đến nay, toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu nào. Điều đó chứng tỏ hiệu quả rõ rệt của vắc xin đối với việc phòng bệnh - Thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh khẳng định. Nhận định thêm về tình hình bệnh dịch, bác sĩ Từ cho biết, bạch hầu hoàn toàn có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Bởi Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, mật độ dân số cao, có tỉ lệ di biến động dân cư lớn, trong đó có nhiều lao động đến từ các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa – nơi có tỉ lệ tiêm chủng mở rộng nói chung và bao phủ vắc xin bạch hầu nói riêng chưa cao đến Bắc Ninh làm việc. Vì vậy, cần chủ động đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với các trường hợp bệnh dịch xâm nhập.

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan mạnh qua đường hô hấp và có thể bùng thành dịch. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người qua thông qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh khi ho, hắt hơi; tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Mặc dù đã có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng nếu bạch hầu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời, bệnh sẽ có những biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh Bắc Ninh cho biết, với những người chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh, chưa có miễn dịch thì khả năng lây bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây là rất lớn. Tỉ lệ diễn biến nặng ở những trường hợp này cũng cao hơn hẳn so với những người đã được tiêm phòng. Bệnh bạch hầu diễn biến, trở nặng nhanh và nguy cơ tử vong cao có 2 lí do, đầu tiên là vi khuẩn bạch hầu gây ra các giả mạc ở ngay vùng hầu họng, đường hô hấp trên, khiến bệnh nhân bị khó thở, suy hô hấp. Cùng với đó, các độc tố của vi khuẩn cũng gây ra tình trạng nhiễm độc, tổn thương hệ thần kinh, viêm cơ tim, suy tim. Đối với những người nhiễm bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin, hoặc đã tiêm nhưng thời gian quá lâu, khiến miễn dịch dần dần suy giảm thì tỉ lệ tử vong có thể lên đến 5 – 10%.

Bé 8 tuổi (phường Kinh Bắc) được tiêm nhắc lại vắc xin 3 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) phòng bệnh bạch hầu tại phòng tiêm vắc xin dịch vụ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh

Trước thực tế mức độ nguy hiểm của bệnh và diễn biến bệnh trên địa bàn cả nước, nhiều người dân, đặc biệt là các gia đình có con nhỏ đã chủ động tìm hiểu kiến thức và đưa con em mình đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng bệnh. Không khỏi lo lắng trước tình hình dịch bệnh bạch hầu, chị Nguyễn Thị Hậu (Phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh) đã đến phòng tiêm dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh để tiêm vắc xin 6 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do vi khuẩn Hib) cho con trai 5 tháng tuổi. Cùng với đó, khi được bác sĩ tư vấn, chị quyết định đăng kí tiêm cho cả cậu con trai lớn 8 tuổi nhắc lại mũi 3 trong 1 (bạch hầu – ho gà – uốn ván) để chủ động bảo vệ sức khỏe. Còn chị Lê Hằng Nga (phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh) đưa con trai 6 tuần tuổi đến tiêm vắc xin phế cầu. Tuy nhiên, sau khi được bác sĩ tư vấn, chị đã quyết định ưu tiên cho bé tiêm vắc xin 6 trong 1 do Bỉ sản xuất trước, để cơ thể nhanh chóng tạo ra miễn dịch, giúp phòng bệnh bạch hầu trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp.

Cũng theo Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, biện pháp hữu hiệu nhất để chủ động phòng bệnh là tiêm vắc xin có chứa thành phần bạch hầu. Vì vậy khuyến cáo người dân có con em trong độ tuổi tiêm chủng, đưa trẻ đến trạm y tế để được tiêm vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib gây ra). Trong trường hợp bị nhỡ mũi, sót mũi tiêm, cần đưa trẻ đi tiêm bù, tiêm vét ngay khi điều kiện sức khỏe đảm bảo. Điều này không những góp phần tăng cường miễn dịch cho trẻ, mà còn giúp nâng cao tỉ lệ bao phủ, tạo miễn dịch cho cả cộng đồng. Cùng với đó, các gia đình cũng cần chú ý đến các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống. Nếu có các biểu hiện bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để hậu quả nặng nề và lây lan bệnh ra cộng đồng.

Trước nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh thông qua nguồn lao động nhập cư, ngành y tế khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, cần chủ động tìm hiểu thông tin để triển khai phòng bệnh hiệu quả. Đặc biệt, bên cạnh chương trình tiêm chủng vắc xin có thành phần bạch hầu với các đối tượng trong tiêm chủng mở rộng, với trẻ lớn và người chưa được tiêm chủng, hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng cũng cần được tiêm các mũi cơ bản và mũi nhắc lại vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo quy định của Bộ Y tế.

Văn Cường