bn-current-user-online-portlet

Online : 4075
Total visited : 151065465

Nâng cao ý thức phòng chống Sốt xuất huyết

05/12/2022 09:22 View Count: 156

Thời tiết nóng ẩm kéo dài trong thời gian vừa qua là điều kiện thuận lợi để dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Với vị trí địa lý gần Thủ đô, người dân đi lại, giao thương, giao lưu đông đúc, tỉnh Bắc Ninh có nguy cơ bùng phát dịch nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Dịch Sốt xuất huyết vào đợt cao điểm từ khoảng 2 tháng nay, có thời điểm, khoa tiếp nhận điều trị cho gần 20 bệnh nhân. Trong ngày 2-12, khoa còn 14 ca đang điều trị, một số ca có chỉ số xét nghiệm tiểu cầu thấp dưới 20 G/L (ở người khoẻ mạnh, số lượng tiểu cầu trung bình trong máu từ 150-450 G/L, khi tiểu cầu giảm dưới 50 G/L được coi là mức nguy hiểm và từ 10-20 G/L là mức nghiêm trọng). Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân được điều trị triệu chứng, theo dõi sát công thức máu để bù nước, điện giải cho phù hợp. Sau khi khởi phát từ 4-6 ngày là thời gian cần đặc biệt lưu ý đối với bệnh sốt xuất huyết bởi đây là thời điểm bệnh nhân thường có diễn biến nặng nhất.

Trong tuần từ 24 đến 30-11, toàn tỉnh ghi nhận 58 trường hợp mắc/ nghi mắc sốt xuất huyết, trong đó thành phố Từ Sơn nhiều nhất với 21 ca, huyện Gia Bình 11 ca, thành phố Bắc Ninh 8 ca, huyện Tiên Du 7 ca, huyện Quế Võ 5 ca, huyện Thuận Thành 4 ca, Lương Tài 2 ca. Trong số 58 ca mắc và nghi mắc sốt xuất huyết có 21 trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch/tỉnh khác là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các trường hợp còn lại chỉ ở địa phương không đi đâu, hiện 39 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Trong tuần cũng ghi nhận thêm 1 ổ dịch mới. Hiện tại, có ổ dịch đang hoạt động song đều kiểm soát, không lây lan rộng, gồm: Ổ dịch Châm Khê, phường Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) với 2 ca mắc đã 13 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới; ổ dịch Trần Phú, phường Đông Ngàn (thành phố Từ Sơn) với 4 ca mắc đã 13 ngày chưa ghi nhận ca mắc mới; ổ dịch Quế Ổ, xã Chi Lăng (huyện Quế Võ) với 2 ca mắc khởi phát ngày 23-11.

Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, mỗi gia đình cần chủ động vệ sinh môi trường sống, loại bỏ nơi trú đậu và sinh sản của muỗi.

Nhìn lại tháng 11 vừa qua, có thêm 194 ca mắc và nghi mắc sốt xuất huyết được ghi nhận (giảm 12% so với tháng 10), nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên 693 ca. Toàn tỉnh ghi nhận 26 ổ dịch sốt xuất huyết, trong đó 23 ổ dịch đã chấm dứt hoạt động. Theo Tổ phân tích dịch tễ của Sở Y tế, số ca mắc và số ổ dịch sốt xuất huyết nhỏ, lẻ có xu hướng tăng do vẫn đang trong mùa dịch. Hiện nay, các ổ dịch đều được phát hiện sớm và triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, do đó dịch sốt xuất huyết không bùng phát và lan rộng, các trường hợp không rõ nguồn lây hoặc xâm nhập liên quan đến các ổ dịch ở các tỉnh khác, khi mắc về địa phương điều trị vẫn còn cao, do đó nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn nếu không triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống.
Chủ động giám sát phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết Dengue có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và không để dịch chồng dịch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Do đó, việc phòng, chống dịch hoàn toàn có thể chủ động từ mỗi hộ gia đình bằng việc tăng cường vệ sinh môi trường sống.  

Nhận định trong thời gian tới, điều kiện thời tiết có thể là yếu tố thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, bên cạnh đó, sự giao thương, đi lại của người dân lớn vào dịp Tết, mùa lễ hội, do vậy nguy cơ xâm nhập ca bệnh và bùng phát dịch sốt xuất huyết là rất lớn, để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết, mới đây UBND tỉnh ban hành công văn về việc tiếp tục tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Theo đó, Sở Y tế tiếp tục giám sát chặt chẽ và chỉ đạo triển khai xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình khu vực ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao; đánh giá chỉ số véc-tơ dịch sốt xuất huyết, đặc biệt các ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao để có giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn dịch. Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, phương tiện, hóa chất phục vụ công tác phòng chống và điều trị dịch bệnh sốt xuất huyết trong mọi tình huống. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, tiếp tục tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người bệnh nền...; điều chỉnh quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới...

UBND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức tuyên truyền công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại địa phương; huy động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết; giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các đơn vị y tế triển khai ngay chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy, tổng vệ sinh môi trường, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, bảo đảm tất cả các hộ gia đình khu vực có ổ dịch và vùng có nguy cơ phải được thực hiện; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương, khu vực có nguy cơ, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện...

Đăng Thăng