bn-current-user-online-portlet

Online : 3834
Total visited : 150806929

Ngôi nhà chung của trẻ tự kỉ, rối loạn phát triển

26/09/2019 13:52 View Count: 478

Cứ 7 giờ 30 phút  hàng ngày, các giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Từ Sơn bắt đầu lên lớp. Những giờ học ở đây không nhộn nhịp bảng đen, phấn trắng với các em học sinh đồng trang lứa như các lớp học bình thường. Lớp học tại đây có lớp chỉ 1 cô- 1 trò, có lớp theo nhóm, có lớp học vận động, có lớp học kĩ năng … Học sinh cũng rất đặc biệt, vì các em đều mắc chung chứng rối loạn phát triển mà xã hội thường gọi là tự kỷ, rối loạn phát triển.

Thành lập tháng 8/2013, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Từ Sơn  trực tiếp thực hiện các hoạt động đánh giá, phát hiện sớm các biểu hiện của các rối loạn phát triển ở trẻ, đồng thời hỗ trợ, can thiệp tại gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng... Đến nay, Trung tâm đã trực tiếp can thiệp, trị liệu và hỗ trợ hòa nhập cho hơn 200 trẻ tự kỉ, rối loạn phát triển trên địa bàn.

Mỗi trẻ trong “ngôi nhà chung” đều có hoàn cảnh khác nhau, mắc các chứng bệnh với mức độ biểu hiện không giống nhau. Hầu hết trẻ tự kỉ được nhận dạng ở biểu hiện khiếm khuyết hoặc thiếu hụt trong tương tác và giao tiếp xã hội, có một số hành vi máy móc, định hình lập lại. Trẻ chậm nói ,quá nhạy cảm với âm thanh, thiếu nhận thức về sự nguy hiểm và không có khả năng tập trung vào một việc hoặc chỉ tập trung vào một loại đồ chơi yêu thích… Có trẻ thích la hét, chạy nhảy, có trẻ không nói chuyện, không có nhận thức, thậm chí đánh và cắn bạn... Vì thế việc đánh giá “ đầu vào” là rất quan trọng với mỗi em học sinh. Bằng các test tâm lý là thước đo ban đầu giáo viên đánh giá sự phát triển tâm vận động, mức độ tự kỷ, khả năng học tập, mức nhận thức và ưu nhược điểm của từng em .Từ đó với mỗi em sẽ có có lựa chọn phương pháp dạy, trị liệu phù hợp.

Cô và trò trong một buổi học tại Trung tâm

Hiện nay, tại Trung tâm  bố trí các lớp chuyên biệt theo giai đoạn dưới 3 tuổi; lớp mẫu giáo cho trẻ 3 đến 5 tuổi và trên 6 tuổi cho lớp tiểu học với hình thức từ 1 cô- 1 trò đến các nhóm học. Có thể học các buổi riêng lẻ hoặc bán trú tại Trung tâm tùy nhu cầu và mức độ phát triển của từng trẻ. Trong quá trình can thiệp, giáo viên trung tâm kết hợp nhiều phương pháp trị liệu khác nhau. Giáo trình học có thể thay đổi sau mỗi tuần, mỗi tháng trị liệu sao cho phù hợp nhất với từng trẻ. Hầu hết các em sau thời gian học tập trị liệu đều có những đổi thay tích cực. Chị Nguyễn Thị Nhung xã Hiên Vân huyện Tiên Du cho biết: Con nhà chị phát hiện tự kỉ từ lúc cháu hơn 2 tuổi với biểu hiện ban đầu là chậm nói, chậm phát triển hơn các cháu bình thường.8 năm qua, mẹ cùng con đi chạy chữa khắp nơi với nhiều phương pháp khác nhau. Hơn 1 năm nay, chị cho con theo học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Từ Sơn thấy con phù hợp với phương pháp của các cô. Có tiến bộ trong nhận thức, đã dần chủ động trong các sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, các cô cũng hướng dẫn phụ huynh theo giáo trình của con nên ngay khi ở nhà mẹ cũng biết phương pháp và tập luyện cùng con

Để giúp đỡ được nhiều trẻ gặp hội chứng tự kỉ, rối loạn phát triển, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Từ Sơn tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học trong chương trình can thiệp sớm. Ngoài trụ sở chính tại Đình Bảng, Từ Sơn; Trung tâm đã mở rộng thêm 3 cơ sở ở Thuận Thành, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh nhằm giúp các trẻ rối loạn phát triển có thêm cơ hội được giáo dục trong môi trường phù hợp. Tuy nhiên, là môi trường giáo dục đặc biệt nên còn có rất nhiều những khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hà- Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện nay, ngoài vấn đề cơ sở vật chất thì nhân lực và chế độ cho cán bộ, giáo viên ở Trung tâm còn hết sức khó khăn. Việc chăm sóc điều trị cho các trẻ tự kỉ là quá trình lâu dài, tốn kém nên rất cần sự cảm thông vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội…

Tự kỷ, rối loạn phát triển là một hội chứng khá phổ biến, kéo dài suốt cuộc đời khiến trẻ  gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm cùng sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng, người tự kỷ sẽ có khả năng phát triển các giá trị bản thân, hòa nhập cuộc sống.Bằng những liệu trình hỗ trợ can thiệp phù hợp, Trung tâm  Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Từ Sơn đã và đang mang đến những hy vọng giúp trẻ tự kỉ hòa nhập và trưởng thành như bao đứa trẻ bình thường khác.

Nguyễn Huệ