bn-current-user-online-portlet

Online : 3558
Total visited : 150738259

Những khó khăn trong thực hiện đề án khám chữa bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện Sản Nhi

16/01/2023 15:21 View Count: 1048

Bắt đầu từ việc khảo sát thực tế về nhu cầu KCB, tháng 7/2020 Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng đề án Khám chữa bệnh theo yêu cầu và được UBND tỉnh phê duyệt . Tháng 9/2020, bệnh viện bắt đầu triển khai các dịch vụ KCB theo yêu cầu. Đề án theo yêu cầu (TYC) được phê duyệt có 24 dịch vụ, để thực hiện đề án đã có tổng số 274 bác sỹ, điều dưỡng và nhân viên bệnh viện tham gia (ký hợp đồng) vào các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu. Hiện nay Bệnh viện đã thực hiện 22/24 dịch vụ kỹ thuật được phép triển khai tại đơn vị nhằm đa dạng hóa cung cấp các dịch vụ y tế và mang lại sự hài lòng hơn cho nhân dân.

Trong 2 năm, số lượng khám theo yêu cầu mỗi năm đạt khoảng 20.000 ca/năm. Tỷ trọng khám  yêu cầu Nhi chiếm ngày càng tăng. Trước đây chiếm khoảng 15% thì hiện nay chiếm 28% tổng số khám Nhi toàn viện.  Tỷ trọng khám yêu cầu Sản chiếm ngày càng tăng. Trước đây chiếm khoảng 15% thì hiện nay chiếm 20% tổng số khám Sản phụ toàn viện. Số lượng khám tăng: là do chất lượng dịch vụ TYC ngày càng tốt hơn, tiện ích, hiệu quả và làm hài lòng bệnh nhân hơn. Đặc biệt,các kỹ thuật giảm đau trong đẻ và sau mổ đạt hơn 4.000 ca/năm. Số ca giảm đau TYC trong đẻ và sau mổ ngày một tăng trung bình:Giảm đau trong đẻ chiếm 72,5% số sản phụ đẻ thường. Giảm đau sau mổ chiếm 25% số lượt bệnh nhân phẫu thuật (riêng sản khoa cao hơn nhi khoa). Bên cạnh đó, Phẫu thuật yêu cầu đạt trên 1.000 ca/năm. Các dịch vụ chăm sóc mẹ và bé: chiếm từ 50 - 70%, nhiều nhất là dịch vụ chiếu tia Plasma cho Mẹ và Bé (đây là dịch vụ điều trị hỗ trợ vết thương: vừa giảm đau, vừa nhanh liền vết thương), trung bình mỗi 1 cặp mẹ con sử dụng từ 1,5 đến 3 lần chiếu.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu

Ngoài việc đẩy mạnh công tác chuyên môn, việc triển khai khám theo yêu cầu :Tăng hiệu quả đầu tư của bệnh viện, đó là đã sử dụng được công xuất dư thừa của TTB, mặt khác đa dạng loại hình dịch vụ và đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khoẻ nhân dân theo Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị. Tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân được các chuyên gia từ các BV trung ương về khám và điều trị, không phải chuyển tuyến trên. Qua đó tạo niềm tin và sự hài lòng cho người bệnh.Tận dụng được nguồn lực ngoài giờ của cán bộ bệnh viện và qua đó cũng góp phần tăng thu nhập cho cán bộ. Trong 2 năm đã góp phần đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 612 triệu đồng tiền thuế Thu nhập doanh nghiệp. 

Đề án gồm 5 phần: sự cần thiết và cơ sở pháp lý xây dựng đề án; nguyên tắc áp dụng; phạm vi của đề án; nội dung và giải pháp thực hiện đề án; tổ chức thực hiện. Theo đó, các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, gồm: các dịch vụ khám bệnh; thay băng; thủ thuật nắn bó bột; tiểu phẫu, tiêm thuốc, truyền dịch, truyền đạm theo chỉ định của bác sĩ; tiêm ngừa, chăm sóc điều trị tại nhà; các dịch vụ yêu cầu bác sĩ trực tiếp khám bệnh, làm phẫu thuật, yêu cầu phòng nằm điều trị; các dịch vụ kỹ thuật chiếu, chụp, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm; các phẫu thuật, thủ thuật, dịch vụ vận chuyển người bệnh.

Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai gặp những khó khăn, vướng mắc như sau: Chưa có hành lang pháp lý đồng bộ, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đề án sử dụng tài sản công vào mục đích khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu khiến cho việc triển khai còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như:Tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định:“2. Đơn vị sự nghiệp công được tự chủ sử dụng tài sản và các nguồn lực ở đơn vị để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được cấp có thẩm quyền giao theo nguyên tắc:  Thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; Được quyết định giá dịch vụ bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý; trường hợp dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì thực hiện theo mức giá cụ thể, khung giá do cơ quan có thẩm quyền quy định”. Cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa ban hành quy định về giá thu dịch vụ theo yêu cầu vì vậy các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.Việc xác định các chi phí cấu thành giá ban đầu gặp khó khăn đáng kể như việc xác định tiền thuê đất cấu thành trong phần tài sản cho thuê, rất nhiều thủ tục, văn bản hướng dẫn. Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản sửa đổi việc áp tiền thuê đất theo cách tính đơn giản, dễ áp dụng trong thực tế. Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác định cơ cấu xây dựng giá thu trong khám chữa bệnh theo yêu cầu. Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng,  sử dụng công suất dư của máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất trong thực hiện: ví dụ như trên cùng 1 trang thiết bị lúc sử dụng trong hoạt đồng thường xuyên thì giá thu theo BYT quy định, khi sử dụng phần công suất dôi dư thì giá thu xây dựng theo yêu cầu cần cấu thành đầy đủ các chi phí, tổ chức vận hành, thời gian thực hiện, nhân lực thực hiện (có sự khác biệt về giá)…

Đối với việc bố trí nhân lực thực hiện các dịch vụ theo yêu cầu: Các dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt đối với những dịch vụ phẫu thuật theo yêu cầu và giảm đau trong và sau đẻ do phải sử dụng ngoài giờ để thực hiện dịch vụ nên đôi khi bệnh nhân yêu cầu đích danh bác sĩ phẫu thuật, Bác sĩ gây mê ngày hôm đó lại không đáp ứng được do không có ngày nghỉ bù nên rất khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong số 24 dịch vụ kỹ thuật được phê duyệt trong đề án, có 02 dịch vụ kỹ thuật chưa thực hiện do có nhiều vướng mắc (Dịch vụ Chăm sóc mẹ con tại nhà sau khi sinh; Chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà): khó bố trí nhân lực, phương tiện đi lại, giá cả cạnh tranh…Số lượng dịch vụ theo yêu cầu chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người bệnh. Đối với việc bố trí tài sản sử dụng vào mục đích tự kinh doanh để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu: Do hiện tại cơ sở vật chất còn hạn chế nên đơn vị chưa phân khu vực khám bệnh, chữa bệnh riêng vẫn nằm trong khu vực khám chữa bệnh thông thường, vì vậy việc bố trí nhân lực vẫn sử dụng ngoài giờ để thực hiện các dịch vụ theo yêu cầu dẫn đến những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện.Việc đánh giá phần còn dư công suất của các tài sản đang phục vụ hoạt động thường xuyên tham gia vào hoạt động theo yêu cầu còn chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể.

Như vậy, KCB TYC đã mang lại những hiệu quả nhất định như: Đáp ứng nhu cầu KCB và làm tăng sự hài lòng cho nhân dân, sử dụng hiệu quả hơn TTB đã đầu tư và tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân viên y tế. Xuất phát từ tình hình thực tế và những khó khăn mà bệnh viện đang gặp phải, theo quan điểm của bệnh viện rất cần các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về các dịch vụ KCB TYC và sớm ban hành mức giá các dịch vụ KCB TYC, đồng thời  tiếp tục đầu tư cho BV Sản Nhi giai đoạn 2 (Cả về cơ sở hạ tầng và dự án TTB), để BV có cơ sở vật chất phục vụ bệnh nhân tốt hơn, sớm tuyển dụng nhân lực và đầu tư thêm cho BV Sản Nhi TTB y tế để đáp ứng công tác KCB và các dịch vụ TYC.

Hà Nguyễn