bn-current-user-online-portlet

Online : 3792
Total visited : 151080984

Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để hạn chế bán lòng vòng, đẩy giá lên cao

19/06/2024 08:12 View Count: 45

Việc sửa đổi quy định về kê khai giá thuốc theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa bảo đảm kế thừa quy định hiện hành về việc kê khai giá bán buôn dự kiến để kiểm soát giá bán và hạn chế việc bán lòng vòng qua các khâu trung gian, đẩy giá lên cao...

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, chiều nay -18/6 Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 44 Điều của 08 Chương trong tổng số 116 Điều của 14 Chương của Luật Dược năm 2016.

Dự thảo Luật bổ sung "điều kiện lưu hành oxy y tế" vào phạm vi điều chỉnh và sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực dược; quy định về hành nghề dược; kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thu hồi thuốc; thông tin, quảng cáo thuốc; thử thuốc trên lâm sàng; quản lý chất lượng thuốc và quản lý giá thuốc.

Sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc để hạn chế bán lòng vòng, đẩy giá lên cao- Ảnh 1.

Quản lý giá thuốc thông qua đấu thầu mua thuốc đã giúp tiết kiệm hơn 35% chi phí mua thuốc tại các cơ sở y tế

Quản lý giá thuốc thông qua đấu thầu mua thuốc đã giúp tiết kiệm hơn 35% chi phí mua thuốc tại các cơ sở y tế

Liên quan đến công tác quản lý giá thuốc, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sửa đổi, bổ sung một số quy định về kê khai giá thuốc để thống nhất với Luật Giá 2023 và quy định rõ đặc thù về kê khai giá thuốc (kê khai giá bán buôn dự kiến) khác với quy định về kê khai giá hàng hóa thông thường quy định tại Luật Giá.

Thông tin về công tác quản lý giá thuốc hiện nay, ThS Lê Xuân Hoành, Trưởng phòng Quản lý giá (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cho biết, triển khai các biện pháp quản lý giá thuốc quy định tại Điều 107 Luật Dược 2016 đã giúp kiểm soát tốt giá thuốc, giúp thị trường dược phẩm cơ bản được bình ổn qua các năm. 

Giá thuốc cả nhóm thuốc biệt dược gốc và nhóm thuốc generic đối với các thuốc sử dụng nhiều nhất của Việt Nam đều ở mức thấp so các nước Đông Nam Á ở hầu hết các nhóm tác dụng điều trị (thuốc điều trị bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, kháng sinh, ung thư…)

Triển khai các quy định về kê khai giá thuốc tại Nghị định số 54/2017/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP), việc kê khai giá thuốc và công khai minh bạch giá thuốc kê khai trên trang thông tin của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế (tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn) đã giúp cho giá thuốc được công khai, minh bạch, giúp tiết kiệm thời gian, công sức cho các bên. 

Giá thuốc kê khai được công khai giúp cơ quản quản lý giá tăng cường hơn nữa công tác quản lý giá, giúp Sở Y tế, Bệnh viện trong công tác đấu thầu.

Các doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin giá thuốc do đơn vị mình cung cấp đồng thời so sánh đối chiếu với các doanh nghiệp khác để từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp, nâng cao chất lượng cạnh tranh. Người dân được biết chính xác thông tin giá thuốc và qua đó so sánh đối chiếu để mua được thuốc tốt với chi phí hợp lý. Đến thời điểm hiện tại, có hơn 76.000 lượt mặt hàng thuốc kê khai, kê khai lại được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược.

Bộ Y tế ban hành các Thông tư hướng dẫn hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc góp phần bảo đảm mua thuốc và thanh toán chi phí sử dụng thuốc bằng nguồn ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế đúng quy định với giá mua thuốc đã được lựa chọn trên cơ sở cạnh tranh, công bằng, công khai, minh bạch. 

Với việc triển khai quản lý giá thuốc tại các cơ sở y tế thông qua đấu thầu mua thuốc đã giúp giảm giá thuốc tại các cơ sở y tế (tiết kiệm được 35,5% chi phí mua thuốc so quy định cũ), người dân được sử dụng thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý. Thông qua đấu thầu tập trung, đàm phán giá các thuốc sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh, giá thuốc được thống nhất trên từng địa phương, nhiều thuốc có giá thống nhất trên toàn quốc.

Quản lý giá thuốc trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đề xuất thế nào?

ThS Lê Xuân Hoành chia sẻ, thuốc là hàng hóa đặc biệt, người bệnh không thể tự ý quyết định sử dụng như các loại hàng hóa khác mà phải có sự kê đơn, hướng dẫn, hoặc do nhân viên y tế quyết định. 

Ngoài ra, thuốc có hệ thống phân phối đặc thù với hơn 65.000 cơ sở bán lẻ (bao gồm: nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế xã, cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền) trải dài trên khắp cả nước trong đó nhiều cơ sở bán lẻ ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo... trong khi số lượng mặt hàng thuốc rất lớn (khoảng trên 20.000 mặt hàng) đã có sự cạnh tranh cao trên thị trường.

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về kê khai giá thuốc để thống nhất với Luật Giá 2023 và quy định rõ đặc thù về kê khai giá thuốc (kê khai giá bán buôn dự kiến) khác với quy định về kê khai giá hàng hóa thông thường quy định tại Luật Giá.

Với sự khác biệt, đặc thù của thuốc so các loại hàng hóa khác nên khoản 2 Điều 3 Luật Giá 2023 đã cho phép được quy định đặc thù về quản lý, điều tiết giá khác với quy định tại Luật Giá. 

Vì vậy, cần thiết phải có cơ chế quản lý giá đặc thù để bảo đảm vừa thống nhất, đồng bộ với quy định về kê khai giá tại Luật Giá 2023 vừa kế thừa các quy định về quản lý giá thuốc có hiệu quả của Luật Dược 2016 hiện hành; phù hợp với nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc tại Điều 106 Luật Dược và Điều 4 Luật Giá 2023 và bảo đảm vai trò của quản lý nhà nước trong điều tiết giá khi có biến động giá. Bộ Y tế phối hợp các cơ quan liên quan triển khai dự án Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã đưa ra các quy định đặc thù về kê khai giá thuốc khác với quy định về kê khai giá hàng hóa thông thường theo quy định của Luật Giá.

Theo đó, bổ sung thuật ngữ giá bán buôn thuốc dự kiến tại Điều 2 Luật Dược 2016; sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 107 theo hướng thực hiện kê khai giá đối với danh mục thuốc, nhóm thuốc do Chính phủ ban hành; bổ sung quy định việc kê khai giá thuốc theo đúng quy định về kê khai giá tại Luật Giá 2023 và quy định rõ kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến theo quy định tại Luật Dược.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số điều để quy định rõ trách nhiệm quản lý giá thuốc của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của cơ sở kinh doanh trong việc thực hiện các quy định về kê khai giá thuốc.

Theo Cục Quản lý Dược, việc sửa đổi quy định về kê khai giá thuốc nêu trên vừa bảo đảm kế thừa quy định hiện hành về việc kê khai giá bán buôn dự kiến để kiểm soát giá bán và hạn chế việc bán lòng vòng qua các khâu trung gian, đẩy giá lên cao. 

Mặt khác bảo đảm đúng quy định về kê khai tại Luật Giá, kê khai giá bán cho tất cả các thuốc (bao gồm cả kê khai giá bán buôn, bán lẻ), qua đó, Cơ quan quản lý Nhà nước về giá có thông tin về giá để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, bình ổn giá.

Source: SKĐS