bn-current-user-online-portlet

Online : 3527
Total visited : 151080834

Tăng cường giám sát phòng, chống bệnh dại trên người

02/11/2022 08:33 View Count: 399

Theo báo cáo kết quả giám sát tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong tháng 10/2022 ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dại tại thôn Lai Tê - xã Trung Chính - huyện Lương Tài, sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không tiêm dự phòng vắc xin và huyết thanh dại. Đây là ca mắc bệnh dại thứ 2 sau ca mắc được ghi nhận vào năm 2008 tại xã Lạc Vệ - huyện Tiên Du, cả hai trường hợp này đều liên quan đến nguồn lây từ chó mua ở chợ về nuôi. Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số ca mắc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh vừa có văn bản hướng dẫn  các cơ sở y tế khẩn trương tăng cường giám sát phòng, chống bệnh dại trên người.

Theo đó, các đơn vị y tế khi tiếp nhận, phát hiện trường hợp bị động vật nghi dại cắn (chó, mèo,…) tư vấn, hướng dẫn cho người dân cách xử trí, theo dõi và tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại kịp thời; điều tra, giám sát và báo cáo theo quy định. Trung tâm Y tế các huyện/thành phố chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi bị phơi nhiễm với vi rút dại tại cộng đồng, đến khám và điều trị dự phòng tại các điểm tiêm phòng dại trên địa bàn. Khi phát hiện các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh dại phải triển khai điều tra, giám sát ngay theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, phối hợp với cơ quan thú y cùng cấp thực hiện điều tra khi xảy ra một trong các tình huống: Có nhiều người ở cùng một địa phương bị động vật cắn đến tiêm phòng dại; Có 1 ca nghi bệnh dại trên người được chẩn đoán trên lâm sàng; Có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại trên người được chẩn đoán xác định. Các Trung tâm cần tiến hành điều tra tại nơi bệnh nhân bị động vật nghi dại cắn trên phạm vi thôn, xã. Xác định nguồn lây truyền bệnh dại và những người bị chó cắn. Phối hợp với cơ quan thú y xác định xem có còn bệnh dại trên chó và các động vật khác hay không. Nếu có thì phối hợp xử lý ngay ổ dịch dại.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại

Công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh tới từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại trước và sau phơi nhiễm. Cụ thể, đối với người bị chó mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý vết thương ngay; Khuyến cáo đến ngay các điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng; Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam hoặc các biện pháp chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Điều trị dự phòng bệnh dại đối với những người tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân. Tránh tiếp xúc với các chất tiết của bệnh nhân trong suốt thời gian mắc bệnh. Sát trùng tẩy uế đối với nước bọt và các đồ vật bị nhiễm chất tiết của người bệnh bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường. Phối hợp điều tra người tiếp xúc, nguồn lây nhiễm tại gia đình và cộng đồng để điều trị dự phòng bệnh dại cho những người bị phơi nhiễm tại khu vực ổ dịch. Tiến hành sát trùng tẩy uế tại gia đình và nơi mai táng bệnh nhân tử vong (nếu có) theo quy định. Đối với động vật nuôi, đề nghị tất cả chó, mèo trong vùng dịch phải được nhốt. Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định. Những con khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Những người trực tiếp thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi có ổ dịch phải thực hiện biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Không vận chuyển, đưa chó, mèo ra, vào vùng có dịch. Nuôi chó cần mua từ những nơi có nguồn gốc và chủ động tiêm phòng cho đàn chó nuôi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đề nghị các phòng tiêm chủng rà soát, bổ sung đầy đủ cơ số huyết thanh và vắc xin phòng dại tại các điểm tiêm dại, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Nguyễn Oanh