bn-current-user-online-portlet

Online : 3507
Total visited : 151049964

Thêm 4 loại vắc xin sẽ được triển khai trong chương trình Tiêm chủng mở rộng

19/04/2023 09:05 View Count: 5376

Theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giai đoạn 2022 - 2030 các loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do virus Rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm mùa sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Qua đó, sẽ giúp nhiều trẻ có thêm cơ hội phòng các bệnh dễ lây nhiễm, giảm gánh nặng bệnh tật.

Còn nhiều trẻ em chưa được tiếp cận với các vắc xin như cúm, rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung do giá thành cao

* Nhiều trẻ chưa được tiếp cận miễn dịch do vắc xin phải tiêm dịch vụ

Những năm trở lại đây, các bệnh ung thư cổ tử cung, phế cầu, cúm, tiêu chảy do virus Rota... đã gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe cho người dân, chi phí điều trị các bệnh này cũng rất cao. Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh nhưng các loại vắc xin này vẫn chưa được đưa vào sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà phải tiêm dịch vụ.

Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng – Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, kí sinh trùng, côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, đến nay đã có 11 loại vắc xin (phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) được đưa vào Chương trình TCMR, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe trẻ em. Các bệnh như ung thư cổ tử cung, phế cầu, cúm, tiêu chảy do Rota virus đã có vắc xin nhưng người dân có nhu cầu sẽ phải tiêm tại các phòng tiêm chủng dịch vụ. Hiện nay, vắc xin Rota của Việt Nam (Rotavin-M1) có giá khoảng 490.000 đồng/liều; vắc xin phòng cúm dao động từ 190.000 - 350.000 đồng/liều; vắc xin phòng ung thư cổ tử cung HPV dịch vụ có giá 850.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/mũi tiêm; vắc xin phế cầu khoảng 1,1 triệu đồng/mũi. Giá này dao động tùy vào loại vắc xin, các dịch vụ kèm theo hoặc cơ sở y tế. Vì vậy, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho trẻ tiếp cận với các loại vắc xin dịch vụ này.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam ghi nhận có hơn 4.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới mỗi năm và hơn 2.000 ca tử vong. Hiện chi phí điều trị ung thư cổ tử cung khá cao, để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho sức khỏe, tâm sinh lý và hạnh phúc của phụ nữ. Trong khi đó cúm vẫn đang là mối đe dọa toàn cầu. Thời gian qua, sau khi đại dịch COVID-19 có xu hướng ổn định thì cúm lại gia tăng. Hầu như thời gian nào, các bệnh viện cũng có bệnh nhân cúm điều trị, thường tập trung ở các nhóm bệnh cúm A, cúm B gây sốt cao liên tục. Còn tiêu chảy do virus Rota, mỗi năm Việt Nam ghi nhận 5.300 - 6.800 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, chiếm 8 - 11% trường hợp tử vong ở độ tuổi này. Những trẻ nhiễm bệnh phải trải qua quá trình điều trị dài ngày, gánh nặng chi phí điều trị lớn.

Việc triển khai thêm 4 vắc xin trong TCMR giúp tăng khả năng bảo vệ, giảm gánh nặng bệnh tật

Hiện nay, việc người dân tiếp cận với các loại vắc xin phòng bệnh trên còn là khoảng trống lớn, do giá thành của các loại vắc xin này còn tương đối cao so với thu nhập trung bình của nhiều người dân. Chưa kể tình trạng thiếu cục bộ vắc xin tại một số thời điểm do thiếu nguồn cung. Như vậy, theo lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giai đoạn 2022 - 2030 các loại vắc xin trên khi được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí sẽ giúp nhiều người có thêm cơ hội được phòng các bệnh dễ lây nhiễm.

Vắc xin phòng tiêu chảy cấp do virus Rota dự kiến sẽ được triển khai đầu tiên

* Đưa thêm vắc xin vào tiêm chủng mở rộng giúp tăng khả năng bảo vệ, giảm gánh nặng bệnh tật

Trong số các vắc xin vừa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin phòng ung thư cổ tử cung HPV có giá thành cao, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để tiêm phòng loại vắc xin này, trong khi tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung tại Việt Nam ở mức cao trên thế giới. Theo các chuyên gia y tế, tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để chống lây nhiễm HPV. Nữ giới từ 11 - 26 tuổi cần được tiêm vắc xin ngừa HPV. Ngoài ra, vắc xin cũng được đề nghị với nam giới dưới 26 tuổi nếu có quan hệ đồng giới hoặc hệ miễn dịch kém...

Vắc xin phế cầu được tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi

Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, khi đưa vắc xin phòng bệnh vào chương trình tiêm chủng mở rộng, các cơ quan chuyên môn sẽ đánh giá gánh nặng bệnh tật của bệnh gây ra so với việc phòng ngừa như thế nào, kinh tế của quốc gia có đáp ứng đủ hay không, năng lực sản xuất vắc xin ra sao. Cụ thể ở các tiêu chí: đánh giá số liệu về thực trạng mô hình bệnh tật, diễn biến bệnh tật, nhu cầu người dân, khả năng chi trả, nguồn vắc xin... Việc đưa thêm 4 loại vắc xin vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ đem nhiều lợi ích, như hạn chế nguy cơ mắc bệnh, phòng dịch bệnh lây lan (đối với bệnh truyền nhiễm), giảm gánh nặng bệnh tật, áp lực với các cơ sở khám chữa bệnh... Vắc xin được Nhà nước chi trả để hỗ trợ giúp tỉ lệ người dân tiêm vắc xin cao hơn, góp phần hạn chế nguy cơ mắc bệnh, giảm gánh nặng bệnh tật về sau.

Vắc xin cúm mùa được tiêm từ 6 tháng tuổi, tiêm nhắc hàng năm.

Bác sĩ Từ cho biết thêm, khi các loại vắc xin phòng bệnh nêu trên đều nhập từ nước ngoài về để tiêm miễn phí cho người dân thì con đường thực hiện lộ trình này không đơn giản, phải tính toán kỹ lưỡng. Mặt khác, khi đã đưa một loại vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng thì thời gian phải kéo dài vô thời hạn, không chỉ 1 - 2 năm hoặc đứt quãng.

Việc được sử dụng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là hoàn toàn miễn phí, từ đó tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được với vắc xin. Ngoài ra, việc triển khai đề án có tác động tích cực trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người dân, doanh nghiệp. Giảm chi phí cho doanh nghiệp nhờ có những chính sách ưu tiên.

Vắc xin ung thư cổ tử cung sẽ được tiêm cho đối tượng nữ từ 9 -26 tuổi

Hiện nay 4 loại vắc xin tiêu chảy do Rota virú, phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm đang được tiêm chủng dịch vụ với lịch tiêm như sau: Vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota cho trẻ từ 6 tuần tuổi, uống 2-3 liều tùy loại vắc xin. Vắc xin phòng bệnh do phế cầu cho trẻ từ 6 tuần tuổi, lịch tiêm tùy vào loại vắc xin và độ tuổi của trẻ. Vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung:  Tiêm cho nữ từ 9-26 tuổi, tiêm 3 liều với khoảng cách là 0-2-6 tháng. Vắc xin phòng bệnh cúm mùa: Từ 6 tháng tuổi, trẻ tiêm lần đầu tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng, tiêm nhắc hàng năm.

Dự kiến, vắc xin phòng Rota virus sẽ là vắc xin đầu tiên trong 4 loại vắc xin dự kiến được đưa vào tiêm chủng mở rộng và trở thành vắc xin miễn phí thứ 12 được tiêm cho trẻ em. Lí do Việt Nam chọn triển khai tiêm ngừa Rota trước (thay vì chọn vắc xin phế cầu trước như một số nước) là do Việt Nam sản xuất được vắc xin này, đảm bảo nguồn vắc xin sử dụng và do gánh nặng bệnh tiêu chảy do virus Rota ở Việt Nam.

Đăng Thăng