bn-current-user-online-portlet

Online : 3146
Total visited : 150750161

Thực trạng - Nguyên nhân - Giải pháp phòng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

09/12/2022 08:34 View Count: 299

Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong 4 quốc gia cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 96%, góp phần giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. 

Tuy nhiên, những “con đường mới nổi” trong lây nhiễm HIV tại nước ta cũng đang cho thấy những vấn đề cần quan tâm khi tỷ lệ lây bệnh qua đường tình dục, trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt là MSM), đang có xu hướng tăng mạnh tại nhiều địa phương, khiến con đường tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS kéo dài hơn. 

Thực trạng nhiễm HIV tại Việt Nam

Đỉnh dịch HIV của Việt Nam là những năm 2006-2007 mỗi năm chúng ta phát hiện mới hơn 30 nghìn trường hợp nhiễm HIV. Với nhiều sáng kiến, nỗ lực vượt bậc trong việc phòng và chống HIV/AIDS, sau 10 năm từ 2017 đến 2019, Việt Nam chỉ còn phát hiện 10 nghìn trường hợp nhiễm mới mỗi năm. Tuy nhiên trong 2 năm 2020 và 2021, chúng ta lại phát hiện mỗi năm 13 nghìn ca nhiễm. Và năm nay, trong 9 tháng đã phát hiện hơn 9 nghìn ca và dự báo đến hết năm cũng sẽ có khoảng gần 13 nghìn ca nhiễm mới. Như vậy xu hướng dịch đang có dấu hiệu tăng liên tục 3 năm. Trong 13 nghìn ca nhiễm mới này, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía nam với vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 36%, TPHCM là 28%, đông nam bộ 9%.
Nếu giai đoạn trước, lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Song thời gian gần đây, lây truyền qua đường quan hệ tình dục, trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới MSM đang có xu hướng tăng mạnh. Phân tích trong số người mới nhiễm HIV gần đây cho thấy người có quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt là MSM) chiếm phần lớn, cá biệt có tỉnh phía nam, số này chiếm 80%.
Đường lây truyền HIV hiện nay chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) chiếm khoảng 75% và chủ yếu tập trung ở nhóm thanh niên. Thời gian qua, phát hiện nhiều trường hợp nhiễm HIV ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Trong 10 năm trở lại đây, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại nước ta tăng gần 6 lần, là một thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.

Tổng cục Thống kê đưa ra báo cáo Kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2021 cho thấy, ở nam nhóm tuổi 15-24 có nhiều hơn 01 bạn tình (trong 12 tháng trước ngày phỏng vấn) là 14%. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và mắc các bệnh lây qua đường tình dục.

Nguyên nhân nhiễm HIV ở nhóm MSM

MSM quan hệ tình dục qua đường hậu môn mà đặc điểm niêm mạc ở trực tràng, hậu môn mỏng và không tiết ra dịch để bôi trơn nên dễ bị tổn thương và dễ bị virus xâm nhập hơn so với niêm mạc âm đạo. MSM không bị tâm lý lo sợ mang thai nên việc sử dụng bao cao su không được đặt nặng như quan hệ tình dục nam – nữ. Nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục sẽ cao hơn.
Thậm trí ở quần thể này còn có những "cuộc yêu" tập thể, thay vì sử dụng các biện pháp an toàn như bao cao su, chất bôi trơn, thuốc dự phòng (PrEP), họ lại dùng chất kích thích như ma túy, rượu bia... để tăng khoái cảm và tìm cảm giác khác biệt... Lúc này, họ có thể mất kiểm soát hành vi.
Nguy hiểm hơn nữa là có những trường hợp không biết rõ về bạn tình của mình, nhất là tình trạng sức khỏe. Có người mang nhiều nguy cơ chồng chéo, như tiêm chích ma túy, có nhiều bạn tình là cả nam và nữ, thường xuyên thay đổi bạn tình, và có thể mắc kèm các bệnh lây qua đường tình dục khác... khiến cho nguy cơ lây nhiễm HIV càng tăng cao hơn. 

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng HIV gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên, sự kỳ thị trong xã hội đã khiến những người trong nhóm nguy cơ cao không được tiếp cận với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, trong đó có thuốc dự phòng lây nhiễm (PrEP) và thuốc điều trị (ARV).

Tổ chức liên hợp quốc về phòng chống AIDS (UNAIDS) chọn Chủ đề của ngày thế giới phòng chống AIDS năm nay là “Bình đẳng hóa” – Tức là mọi người đều xứng đáng được đối xử công bằng và được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ điều trị HIV, bất kể tuổi tác, giới tính, xu hướng tình dục và nơi sống.

Để ứng phó với vấn đề này, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp chuyên môn phù hợp và hiệu quả với nhóm mới nổi.

Thứ nhất: Tiếp tục đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV; Khi phát hiện được người nhiễm HIV thì kết nối ngay với hệ thống điều trị.

Thứ 2: Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông ở cả kênh truyền thông đại chúng; Hệ thống thông tin cơ sở và nhất là truyền thông dựa trên nền tảng công nghệ. Tiếp tục các can thiệp để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.  

Thứ 3: Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao qua hệ thống y tế nhà nước và tư nhân v.v…đồng thời duy trì các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm truyền thống như cung cấp các vật dụng can thiệp (BKT, BCS, CBT) và điều trị thay thế nghiện bằng methadone.

Chúng ta không nên đánh giá hoặc ngăn cấm xu hướng tính dục, nhu cầu quan hệ tình dục của người khác. Điều cần làm là chỉ cho họ cách tự bảo vệ khỏi bệnh tật và không lây bệnh cho người khác.

Source: Cục phòng chống HIV/AIDS