bn-current-user-online-portlet

Online : 4256
Total visited : 150807272

Tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho hơn bốn triệu trẻ em

22/10/2018 09:22 View Count: 150

Mục tiêu của chiến dịch tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho trẻ vùng có nguy cơ cao là đạt tỷ lệ 95% trẻ từ 1-5 tuổi vùng này được tiêm bổ sung một mũi vaccine MR. Dự kiến chương trình sẽ triển khai tiêm chủng cho khoảng 4.286.099 trẻ.

Từ năm 2017 số mắc sởi tại Việt Nam có xu hướng gia tăng so với năm 2015, 2016, ghi nhận 436 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 45 tỉnh/thành phố, trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính.

Năm 2018, tính đến ngày 17-9, toàn quốc có 49 tỉnh/thành phố ghi nhận 2.301 trường hợp sốt phát ban, 37 tỉnh/thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính, một trường hợp tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài).

Các tỉnh có số sốt phát ban và sởi dương tính cao là Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên ... Số sốt phát ban nghi sởi phân bố chủ yếu tại miền bắc (2.094 trường hợp, 91%), miền nam (197 trường hợp, 8,56%), miền trung (sáu trường hợp, 0,26%), Tây Nguyên (bốn trường hợp, 0,17%). So với cùng kỳ năm 2017 (sốt phát ban: 251; Dương tính: 41), số sốt phát ban nghi sởi tăng 8,2 lần, số trường hợp dương tính tăng 22,3 lần.

Số sốt phát ban nghi sởi ở nhóm 1 - 5 tuổi cao nhất, chiếm 36%. Trong số các trường hợp sốt phát ban nghi sởi này, chỉ có 370 trường hợp đã tiêm chủng (chiếm 16,1%), trong đó dương tính 110, còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (1.004 trường hợp, chiếm 43,6%, trong đó dương tính 501) và không rõ tiền sử tiêm chủng (927 trường hợp, chiếm 40,3%, trong đó dương tính 343).

Mặc dù tỷ lệ tiêm vaccine sởi và vaccine MR trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao, tuy nhiên tỷ lệ tiêm vaccine MR trên phạm vi toàn quốc chưa đạt 95% và vẫn còn các huyện/thị vùng nguy cơ cao chỉ đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi, MR dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện virus sởi lưu hành có thể gây dịch.

Năm 2018, Việt Nam đã tiến hành bổ sung vaccine sởi - rubella cho 33 huyện thuộc sáu tỉnh nguy cơ bao gồm Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La từ tháng 6-2018.

Đến nay, hầu hết các huyện đã hoàn thành chiến dịch với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Ngoài ra 13 tỉnh/thành phố vùng nguy cơ cao (theo Quyết định số 5433/QĐ-BYT ngày 10-9-2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế) đang xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vaccine sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Một số tỉnh, thành phố có số mắc sởi cao năm 2018 cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm vaccine sởi - rubella trên địa bàn bằng nguồn kinh phí của địa phương như Hà Nội, Lào Cai.

Nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh sởi cho nhóm trẻ em sinh ra sau chiến dịch thì việc mở rộng phạm vi triển khai tiêm vaccine sởi - rubella tại các vùng nguy cơ cao là rất cần thiết. Hoạt động này sẽ góp phần quan trọng không để dịch sởi, rubella quay trở lại và góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu loại trừ bệnh sởi và rubella cùng với các nước khu vực Tây Thái Bình Dương trong tương lai.

Đối tượng tham gia tiêm chủng đợt này là tất cả trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm một mũi vaccine MR không kể tiền sử được tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi hoặc vaccine phòng bệnh rubella trước đó. Ngoại trừ trẻ đã tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc vaccine phòng bệnh rubella trong thời gian dưới một tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung.

Chương trình này sẽ được triển khai trong hai đợt. Đợt một sẽ tiêm cho các trẻ em tại 156 quận/huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh/thành phố từ tháng 11 đến 12-2018. Đợt hai sẽ tiêm cho trẻ em tại 262 quận/huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh/thành phố từ tháng 1 đến tháng 2-2019.

Minh Hùng
Source: Tổng hợp