bn-current-user-online-portlet

Online : 3008
Total visited : 150766273

Tiếp tục triển khai điều trị bệnh đái tháo đường tại tuyến trạm y tế

27/05/2022 08:10 View Count: 432

Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 86 trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai điều trị đái tháo đường. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố khẩn trương chuẩn bị các điều kiện, hoàn thiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo 100% Trạm Y tế trên địa bàn triển khai khám, điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường.

Các đơn vị bố trí nhân lực có chứng chỉ hành nghề phù hợp tăng cường cho các Trạm Y tế còn thiếu để triển khai khám, điều trị, quản lý bệnh đái tháo đường; rà soát phân loại bệnh nhân đái tháo đường đã được kiểm soát ổn định ở tuyến trên với phác đồ mà các thuốc có sẵn tại trạm về các Trạm Y tế điều trị tiếp. Yêu cầu TTYT các huyện, thành phố chỉ đạo các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện khám lồng ghép sàng lọc bệnh đái tháo đường với một số bệnh không lây nhiễm khác để phát hiện sớm người mới mắc bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên đối với các trường hợp nghi ngờ mắc để chẩn đoán xác định và đưa về quản lý, điều trị tại Trạm Y tế khi bệnh đã ổn định. Mặt khác, các địa phương cần tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động người dân trong việc phòng bệnh đái tháo đường, khám và điều trị tại Trạm Y tế; tư vấn cho các trường hợp mắc đã điều trị ổn định về khám và điều trị tại Trạm Y tế.

Hiện nay, trên cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là “người gác cổng” trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp… để góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Theo đó, nhiệm vụ chuyên môn mới của các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường.

Khi phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến như tăng huyết áp, nguy cơ tim mạch hay đái tháo đường, cần tư vấn cho đối tượng thay đổi hành vi lối sống và khám sức khỏe định kỳ. Đối với nhân viên y tế, khi phát hiện người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần giới thiệu họ đến cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời, cùng đó, những tư vấn thay đổi hành vi lối sống để dự phòng bệnh tật cũng rất quan trọng.

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối phối hợp với các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh hướng dẫn các Trung tâm Y tế huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức 01 buổi khám lồng ghép sàng lọc bệnh đái tháo đường với một số bệnh không lây nhiễm khác để phát hiện sớm người mới mắc bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đăng Thăng