bn-current-user-online-portlet

Online : 3330
Total visited : 151102037

Tổ chức chiến dịch thu gom phế thải, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng sốt xuất huyết

13/10/2022 09:14 View Count: 477

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 11/10/2022, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 358 ca mắc sốt xuất huyết Dengue tại 20 ổ dịch, trong đó 17 ở dịch đã chấm dứt hoạt động và 3 ổ dịch đang hoạt động. Để chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, đồng thời đảm bảo tiến độ kế hoạch hoạt động phòng chống sốt xuất huyết Dengue năm 2022, ngành y tế tiếp tục duy trì các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue và tổ chức chiến dịch thu gom phế thải, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng bệnh sốt xuất huyết.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo trung tâm Y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn Trạm Y tế các xã/phường/thị trấn triển khai chiến dịch thu gom phế thải, diệt trừ lăng quăng/bọ gậy lần 2, chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết năm 2022. Dự kiến mỗi xã/phường/thị trấn triển khai chiến dịch trong 1 đến 2 ngày, bắt đầu từ ngày 20/10 đến ngày 31/10/2022.

Tổ chức tuyên truyền vận động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH đến tận hộ gia đình để người dân biết và tự giác kiểm tra, loại trừ ổ chứa lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống, ngủ màn (kể cả ban ngày), áp dụng các biện pháp đề phòng muỗi đốt và tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh SXH tại địa phương. Khi có dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà, không nên khám và điều trị tại các phòng, khám tư nhân.

Các Trạm Y tế sẽ xây dựng kế hoạch, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt và tổ chức thực hiện; huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, đặc biệt là sự tham gia của nhà trường và các em học sinh trên địa bàn. Công tác truyền thông được thực hiện qua đài truyền thanh địa phương, tuyên truyền trực tiếp qua cán bộ y tế và cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết… để huy động các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương tham gia vệ sinh môi trường, thu gom phế thải diệt lăng quăng/bọ gậy chủ động phòng chống sốt xuất huyết.

Đối với bệnh nhân, cần rà soát giám sát chặt chẽ, kịp thời phân loại và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế điều trị sớm, không tự mua thuốc điều trị, không điều trị tại nhà. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thau rửa, đậy nắp kín bể, các vật dụng chứa nước, thả cá và lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, ngành y tế địa phương cần triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nhằm khoanh vùng, xử lý, không để dịch lan rộng.

Sở dĩ trách nhiệm của cộng đồng luôn được nâng cao như vậy vì cộng đồng là môi trường dễ lây lan bệnh dịch nhưng cũng được coi là cơ sở bền vững trong kiểm soát dịch bệnh, muốn ngăn chặn được dịch bệnh trước hết phải kiểm soát được dịch bệnh trong cộng đồng  cần nâng cao vai trò của nhân viên trạm y tế phường  và cộng đồng phải chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh cũng như có ý thức tự bảo vệ không bị nhiễm bệnh. Theo đó, mô hình diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết phải được cộng đồng chủ động thực hiện thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc hơn là chỉ tham gia trong một vài đợt phát động chiến dịch nào đó rồi lại tiếp tục buông xuôi. Thông điệp truyền thông “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết” chỉ thực sự hiệu quả khi tất cả mọi người nâng cao ý thức, chủ động phòng chống  mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh sốt xuất huyết một cách bền vững.

Nguyễn Soan