bn-current-user-online-portlet

Online : 3101
Total visited : 150734446

Vững niềm tin - bình an, chiến thắng trở về

18/10/2021 09:38 View Count: 499

Đầu tháng 7/2021, khi tình hình dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, Sở Y tế Bắc Ninh đã liên tiếp cử 5 đoàn công tác hỗ trợ các tỉnh miền Nam với hơn 100 cán bộ y tế đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhà. Sau 2 tháng chiến đấu với “giặc COVID” tại nơi “chiến trường” miền Nam khốc liệt, đến nay, tất cả các đoàn công tác đã bình an, chiến thắng trở về.

Vững niềm tin “chữa lành” cho miền Nam thân yêu

Mang theo màu xanh hi vọng khi lên đường vào miền Nam chiến đấu với “giặc vô hình” nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, mặc dù đã được trang bị các kiến thức, kĩ năng và “áo giáp” bảo vệ đầy đủ từ vắc xin đến trang phục bảo hộ cá nhân, nhưng những người thầy thuốc không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng khi vào “tuyến lửa”. Tại tỉnh nhà, lúc dịch bệnh cao điểm nhất cũng mới dừng lại ở 3 con số, tập trung cao ở một số địa phương nhất định nhưng ở các tỉnh miền Nam, thời điểm các chiến sĩ áo trắng lên đường ghi nhận hàng nghìn, thậm chí chục nghìn ca mỗi ngày, nhân lực và trang thiết bị y tế đều ở mức quá tải. Động lực lớn nhất, cũng là thôi thúc nhất giúp các y, bác sĩ của Bắc Ninh lên đường có lẽ là lòng nhiệt huyết, là tinh thần hết mình mong “chữa lành” cho miền Nam thân yêu.

Âm thanh của thần chết COVID luôn là nỗi ám ảnh lớn với từng cán bộ y tế khi chi viện miền Nam

Nhớ lại những ngày đầu khi đặt chân đến Đồng Tháp, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thương – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh cho biết, lượng bệnh nhân quá đông, trong khi nhân lực y tế lại thiếu trầm trọng khiến không chỉ anh mà rất nhiều cán bộ trong đoàn “choáng”. Hơn nữa việc thích nghi với thời tiết, nhịp độ sinh hoạt cũng bị “khớp” trong những ngày đầu. Tuy nhiên, với khối lượng công việc khổng lồ, cường độ làm việc và tinh thần của mọi người cũng khiến mọi vấn đề được giải quyết nhanh chóng để các cán bộ y tế có thể nhanh chóng bắt nhịp. Hơn 2 tháng chi viện cho miền Nam, có nhiều niềm vui khi chứng kiến từng biến chuyển tốt của bệnh nhân, nhất là khi được cầm trong tay những lá thư cảm ơn của người bệnh. Nhưng có lẽ kỉ niệm buồn cũng ám ảnh hơn, bởi biến chủng mới diễn biến quá nhanh và nguy hiểm khiến kỉ lệ mắc lớn và tỉ lệ tử vong rất cao.

Điều dưỡng Khúc Thị Huyền Trang - Bệnh viện Phổi Bắc Ninh chia sẻ, với COVID-19, người bệnh không chỉ lo cho bản thân, mà còn gia đình, người thân xung quanh cũng có nguy cơ cao bị lây nhiễm bệnh. Vì thế, bên cạnh việc điều trị theo phác đồ của bác sĩ, các điều dưỡng viên như chị còn thường xuyên động viên, chia sẻ và khích lệ tinh thần cho người bệnh để họ vững tin hơn trong điều trị bệnh. Ở bệnh viện điều trị COVID, bác sĩ nhiều khi phải làm cả công việc của điều dưỡng, và điều dưỡng thì chịu trách nhiệm toàn bộ công việc của người nhà. Chỉ cần bệnh nhân ăn được khá hơn, hỏi chuyện cán bộ y tế được nhiều hơn (mặc dù nhiều câu nói chị không thể luận được người bệnh nói gì do ngôn ngữ vùng miền)...đã là một niềm vui lớn trong bao xô bồ vất vả tại nơi đất khách. Những niềm vui nhỏ nhoi vậy thôi, nhưng cũng là động lực giúp các nữ cán bộ y tế của Bắc Ninh vượt lên nỗi nhớ gia đình, vượt qua những vất vả, mệt mỏi khi phải làm việc liên tục nhiều giờ trong trang phục bảo hộ kín như bưng.

Bình an trở về và những điều còn đọng lại…

Các đoàn công tác được chính quyền địa phương các tỉnh miền Nam quan tâm, động viên khi thực hiện nhiệm vụ

Bác sĩ Lê Văn Sơn – BVĐK tỉnh chia sẻ khi chuẩn bị rời BVĐK khu vực Hậu Nghĩa (Đức Hòa, Long An): 2 tháng là ngắn hay dài? Là cảm giác thời gian trôi rất nhanh bởi nhịp điệu hối hả của ca kíp ngày đêm luân chuyển, của cuộc chạy đua giữa lằn ranh sinh tử, trước dịch bệnh khốc liệt. Là rất dài bởi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, là Vu Lan không về bên mẹ, là Trung thu không bên cạnh các con. Nhưng vừa đủ để thêm gắn bó với anh em đồng nghiệp, dẫu người Nam, kẻ Bắc thì tìm thấy ở nhau chính là trách nhiệm, là tâm huyết nghề nghiệp để vượt qua nỗi sợ hãi, sự vất vả, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh. Giá trị của tuổi trẻ - là con chim biết hót, là chiếc lá phải xanh! Cảm ơn và trân trọng những con người đã gặp, những kỉ niệm ấn tượng và những trải nghiệm quý giá này!

2 tháng chống dịch, vui có, buồn nhiều nhưng những trải nghiệm và kiến thức học được trong những ngày ở miền Nam là vô giá. Bác sĩ Nguyễn Phúc Côn – Bệnh viện Phổi cho biết, tại Bắc Ninh đơn vị anh công tác cũng được tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng thể vừa và nhẹ. Vào miền Nam, lượng bệnh nhân đông, thể bệnh nặng nên anh và đồng nghiệp không khỏi bỡ ngỡ. Thế nhưng rất may là có các đoàn chi viện khác cùng hỗ trợ, đặc biệt là các đoàn của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương…với các bác sĩ chuyên môn cao chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức. Với một bác sĩ hồi sức cấp cứu, việc được tiếp xúc và học hỏi nhiều về các thủ thuật như đặt nội khí quản, đặt cathete tĩnh mạch trung tâm, đặt catheter lọc máu, học thêm về máy thở, lọc máu, điều trị bệnh nhân nguy kịch…là vô cùng quý giá!

Những mầm sống sinh ra giữa đại dịch là nguồn động lực giúp cán bộ y tế vững tin thực hiện nhiệm vụ

Bác sĩ Nguyễn Thu Thảo – Bệnh viện Sản Nhi là một trong những nữ bác sĩ đầu tiên của Bắc Ninh vào miền Nam chống dịch. Vượt qua những bất lợi về thể lực khi phải đương đầu với dịch bệnh khốc liệt, cán bộ y tế đã cùng xót ca, đau đớn khi chứng kiến cảnh li biệt, tang thương; nhưng cũng vui mừng, hạnh phúc khi bệnh nhân COVID nặng hồi phục xuất viện. Hơn tất cả, điều đọng lại sâu sắc nhất là tình người, là sự đồng lòng cùng vượt qua đại dịch. Những người bạn không chỉ là cán bộ y tế, mà còn là người bệnh, người nhà người bệnh với những tình cảm chân thành, nồng hậu nhất dành cho cán bộ y tế từ miền Bắc đến chi viện. Cho dù là một câu nói cảm ơn khi vừa vượt qua cửa tử, hay một cái nắm tay, cái ôm trước khi xuất viện, hoặc chỉ là một chút quà quê gửi cho các bác sĩ…cũng chứa đầy tình yêu thương của đồng bào chung tay vượt qua khó khăn do dịch bệnh.

Vượt lên khó khăn, áp lực, đội ngũ cán bộ y tế đã cố gắng nỗ lực từng giờ, từng phút để giành giật sự sống cho người bệnh

Là đoàn công tác cuối cùng, cũng có số lượng cán bộ y tế đông nhất và chi viện tại bệnh viện dã chiến với những áp lực không thể kể hết bằng lời khi lượng bệnh nhân quá đông, bác sĩ Lê Việt An – trưởng đoàn công tác số 5 cho biết, mọi thứ dồn đến quá nhanh, áp lực công việc chỉ là một phần nhưng ám ảnh về những âm thanh của “thần chết COVID-19” mang đến mới là thứ khiến hầu hết mọi người bị sốc. Tuy nhiên, bằng lòng nhiệt huyết với nghề, với lương tâm của người thầy thuốc khi chứng kiến sự đau đớn tột cùng của người dân miền Nam; đặc biệt là những mầm sống vẫn vượt lên dịch bệnh khi các em bé được sinh ra khỏe mạnh, những bệnh nhân được cứu sống vượt qua cửa tử…hay những tình cảm chân thành với đồng nghiệp và người bệnh là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp thành viên đoàn tiếp tục cống hiến và chiến đấu! Và chắc chắn, với mỗi thành viên đoàn,  những kiến thức, kinh nghiệm học được từ chuyến công tác này sẽ không có lớp học nào có thể truyền dạy được!