bn-current-user-online-portlet

Online : 3246
Total visited : 150791161

Ghi nhận 02 ổ dịch sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát thành dịch lớn

08/08/2023 13:58 View Count: 299

Theo báo cáo tuần 31 các bệnh truyền nhiễm năm 2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng; các bệnh dịch truyền nhiễm khác tương đối ổn định. Đặc biệt, địa bàn tỉnh đã ghi nhận 02 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) tại TP Từ Sơn và huyện Lương Tài, nguy cơ bùng phát thành dịch lớn nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời.

Từ đầu năm, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh duy trì ở mức thấp (<3ca/tuần). Bắt đầu từ tuần 28, số ca mắc có xu hướng tăng và tăng mạnh ở tuần 30, 31. Riêng trong tuần 31 ghi nhận 66 ca mắc thì có đến 56 ca thuộc 02 ổ dịch, còn 10 ca mắc tản phát tại một số địa phương. Ổ dịch tại khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn và ổ dịch tại Ngọc Trì, Bình Định, Lương Tài vẫn ghi nhận số ca mắc cao lần lượt với 36 ca và 20 ca mắc. Cộng dồn trong năm 2023, từ đầu năm đến nay ghi nhân 143 ca mắc/nghi mắc.

Trong tuần không ghi nhận ca mắc/nghi mắc bệnh do não mô cầu. Không phát hiện ca mắc cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9). Trong tuần ghi nhận 22 ca nghi mắc cúm (tương đương với tuần 30). Số ca mắc chủ yếu nhẹ. Số luỹ tích là 971 trường hợp.

Tuần 31 giám sát ghi nhận 27 ca nghi mắc tay chân miệng rải rác ở các địa phương (tương đương tuần 30). Luỹ tích từ đầu năm đến nay là 192 ca. Trong tuần ghi nhận 01 ổ dịch mới tại Nghiêm Xá - Việt Hùng - Quế Võ (cơ sở mầm non độc lập Hello Kitty) quy mô 02 ca bệnh, hiện ổ dịch đang được giám sát chặt chẽ và triển khai các biện pháp theo quy định. Không có ca tử vong do tay chân miệng.

Trong tuần không ghi nhận trường hợp sốt phát ban nghi Sởi/Rubella. Luỹ tích từ đầu năm đến nay là 24 ca, 04 ca đã gửi mẫu lên Viện VSDTTW đang chờ kết quả, 02/20 ca dương tính với Sởi (01 ca trẻ 2 tuổi ở Đại Đồng Thành - Thuận Thành đã tiêm phòng 02 mũi vắc xin Sởi và 01 ca trẻ 10 tháng tuổi ở Long Châu - Yên Phong chưa tiêm phòng vắc xin Sởi), 04/20 ca dương tính với Rubella (trong đó có 01 ca đồng nhiễm Sởi, Rubella). Không ghi nhận ổ dịch Sởi/Rubella. Không có ca tử vong do Sởi/Rubella.

Nhận định về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, riêng với SXH, thời gian vừa qua, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, các loại dụng cụ chứa nước, đọng nước gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH phát triển. Bắc Ninh là tỉnh có vị trí giao thông thuận lợi, thông thương lớn, nhiều khu công nghiệp, di biến động dân cư lớn, đặc biệt là lao động ở các tỉnh khác đến làm việc và trong thời gian vừa qua số sinh viên mắc SXH tại Hà Nội trở về điều trị tại các địa phương rất nhiều…nguy cơ xâm nhập ca bệnh SXH, bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh là rất lớn nếu không chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Tại 2 ổ dịch Dương Lôi - Tân Hồng - Từ Sơn và Ngọc Trì - Bình Định - Lương Tài, ổ dịch được phát hiện, quản lý và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, tuy nhiên trong những ngày tới sẽ vẫn còn ghi nhận các ca mắc mới.

Với bệnh tay chân miệng, tiếp tục ghi nhận các ca mắc rải rác tại các địa phương và phát hiện 01 ổ dịch quy mô nhỏ. Qua kết quả giám sát, lấy mẫu xét nghiệm một số trường hợp mắc tay chân miệng trên địa bàn cho thấy đã xuất hiện các trường hợp dương tính với vi rút Enterovirus (EV71), chủng có khả năng gây bệnh nặng. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường công tác giám sát, điều tra phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lan rộng.

Dự báo, thời gian tới, điều kiện thời tiết nắng nóng, thói quen ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh (tiết canh, nem sống...) tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, các bệnh lây qua véc tơ như Viêm não Nhật Bản, Sốt xuất huyết... một số bệnh truyền nhiễm ở động vật có nguy cơ lây nhiễm sang người, đặc biệt là cúm gia cầm, liên cầu lợn... Nguy cơ bùng phát dịch tại tỉnh nếu không triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống.

Các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến xã đã tổ chức kiểm tra, giám sát và phối hợp triển khai các hoạt động xử lý ổ dịch Sốt xuất huyết tại khu phố Dương Lôi, phường Tân Hồng, thành phố Từ Sơn và thôn Ngọc Trì, xã Bình Định, huyện Lương Tài. Tăng cường thực hiện công tác giám sát, lấy mẫu, phát hiện sớm các ca bệnh tay chân miệng, Sốt xuất huyết…xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch lan rộng và không để dịch chồng dịch. Đẩy mạnh truyền thông cho người dân về các bệnh tay chân miệng, Mác-bớc, các bệnh truyền nhiễm mùa hè, bệnh cúm A (H5N1, H7N9)…

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch truyền nhiễm trong thời gian tới, Sở Y tế đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục hỗ trợ địa phương làm chẩn đoán tìm tác nhân bệnh truyền nhiễm khi có tình huống, nhất là giai đoạn Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chưa mua được sinh phẩm chẩn đoán như hiện nay.

Yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo quyết liệt các ban ngành đoàn thể, các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch đảm bảo các dịch bệnh truyền nhiễm được phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch kéo dài, lan rộng. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, chủ động cung cấp kịp thời cho người dân về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm để chủ động phòng chống. Phối hợp với ngành Thú y triển khai đồng bộ các biện pháp phòng các bệnh lây truyền từ động vật sang người, đặc biệt là cúm gia cầm và liên cầu lợn lây sang người. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm nhằm phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1)… trên địa bàn.

Riêng với công tác phòng, chống dịch SXH, ngành y tế tiếp tục củng cố và tăng cường hệ thống giám sát tại các tuyến, đặc biệt tại cộng đồng và cơ sở điều trị đảm bảo phát hiện sớm những ca bệnh nghi ngờ đầu tiên, lấy mẫu làm xét nghiệm và triển khai sớm các biện pháp phòng, chống. Tăng cường giám sát véc tơ, đặc biệt chú ý công tác giám sát tại các ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao (mật độ dân số đông, vệ sinh môi trường và xử lý ổ bọ gậy không tốt, vùng dân cư di biến động đến từ vùng đang có dịch sốt xuất huyết...). Triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Các địa phương có ca bệnh/ổ dịch cần quản lý chặt chẽ bệnh nhân tránh phát tán mầm bệnh, thực hiện tốt công tác điều trị, tránh diễn biến nặng và tử vong. Triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch: phát hiện và quản lý điều trị sớm các ca mắc, xử lý ổ bọ gậy nguồn, diệt muỗi trưởng thành...

Tăng cường công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết cho nhân dân về sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, các biểu hiện khi mắc bệnh sốt xuất huyết và khi nghi mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị; tuyên truyền vận động người dân hưởng ứng chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy chủ động phòng, chống dịch bệnh; gắn trách nhiệm của người dân, hộ gia đình vào công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo được thực hiện ngay từ hộ gia đình.

Các đơn vị trong ngành y tế rà soát, bổ sung đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hoá chất chủ động phòng, chống khi có dịch xảy ra.

Nguyễn Huệ