bn-current-user-online-portlet

Online : 3804
Total visited : 151080904

Định hướng xây dựng trở thành Bệnh viện thông minh

08/10/2018 15:44 View Count: 76

Năm 2018 Bệnh viện quân y 110 vinh dự được Bộ Quốc phòng chính thức lựa chọn là đơn vị điểm xây dựng “Bệnh viện thông minh” cho toàn quân, đây là thời cơ và thách thức để Bệnh viện hòa nhập và tiếp cận tri thức thông minh của thời đại kỷ nguyên 4.0

Thủ trưởng Cục Hậu cần Quân khu 1 cùng các đại biểu tham quan khu phòng mổ thông minh tại Bệnh viện Quân y 110.

Thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ sở y tế đã gia tăng đáng kể hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế, rút ngắn thời gian chờ khám của bệnh nhân. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu dữ liệu tập trung kết nối giữa các bệnh viện trong cùng hệ thống và quản lý ngành. Vì vậy, việc định hướng để xây dựng, phát triển đồng bộ và liên thông các ứng dụng trong một cơ sở y tế, và giữa các cơ sở y tế với nhau là một yêu cầu đòi hỏi trở nên bức thiết. Thực tế hiện nay hầu hết các Bệnh viện trong toàn quân việc triển khai phần mềm quản lý bệnh viện phần lớn chưa đồng bộ và thống nhất. Do vậy, việc quản lý và lưu thông dữ liệu, bảo mật thông tin chưa đạt được đầy đủ các tiêu chuẩn, gây khó khăn không ít cho bệnh viện.
Hiện nay, vấn đề quá tải ở tất cả các bệnh viện đang được quan tâm và tập trung giải quyết nhằm thỏa mãn ngày càng tốt hơn sự hài lòng của người bệnh. Các bệnh viện quân đội nói chung và Bệnh viện quân y 110 nói riêng, trên cơ sở nhiệm vụ chính trị trung tâm là chăm sóc sức khỏe cho bộ đội trên tuyến, chuẩn bị mọi mặt trong thời bình, sẵn sàng chuyển sang bảo đảm quân y cho thời chiến thắng lợi. Trong những năm qua, Bệnh viện quân y 110 đã hòa nhập tích cực cùng với ngành y tế Bắc Ninh và y tế cả nước tập trung chăm lo sức khỏe cho các đối tượng chính sách và nhân dân trên địa bàn, một mặt để rèn luyện tay nghề, mặt quan trọng khác là giảm gánh nặng quá tải cho các bệnh viện trong khu vực và tuyến trung ương. Trước yêu cầu đó, bệnh viện đã triển khai, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đã thu được những kết quả tích cực, cải thiện đáng kể chất lượng khám chữa bệnh, làm tăng sự hài lòng của người bệnh đối với chất lượng phục vụ của đội ngũ những người thầy thuốc Bệnh viện.
Xuất phát từ yêu cầu trên, định hướng phát triển Bệnh viện thông minh của Bệnh viện Quân y 110 đã tập trung theo một số nội dung sau:
Thứ nhất, Xác định đối tượng sẽ thụ hưởng tại Bệnh viện thông minh
Các quân nhân và người dân dễ dàng tiếp cận, trao đổi với các cơ sở khám chữa bệnh từ xa; dễ dàng chọn lựa chuyên khoa cần thiết, chọn bệnh viện, chọn giờ khám thuận lợi mà không phải đến bệnh viện ngồi chờ để đến lượt khám; không phải làm lại những xét nghiệm vừa mới được bệnh viện trước đó đã làm,… giám sát và phản ánh trực tiếp cơ sở y tế, có thể truy cập dễ dàng thông tin về tình hình sức khoẻ của mình, có thể trao đổi trực tiếp và được tư vấn từ xa với bác sĩ điều trị.
 Nhân viên quân y được cập nhật thông tin khoa học, dễ dàng tra cứu hồ sơ bệnh án trước đây của cùng một bệnh nhân trong hoạt động điều trị và nghiên cứu khoa học, dễ dàng trao đổi thông tin lâm sàng, cận lâm sàng trong cùng một bệnh viện và giữa các bệnh viện với nhau, hội chẩn từ xa thay vì phải chuyển viện, dễ dàng tham gia các khoá  đào tạo liên tục cập nhật kiến thức từ xa.
Lãnh đạo, quản lý bệnh viện dễ dàng giám sát được thời gian thực hiện việc tuân thủ các qui trình kỹ thuật, tuân thủ phác đồ, tuân thủ quy chế kê đơn,…; triển khai “quản lý tinh gọn” nhằm chống lãng phí trong sử dụng thuốc, vật tư y tế tiêu hao; số hoá kho hồ sơ bệnh án; rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chánh cho cả nhân viên y tế và người bệnh; triển khai hệ thống nhắc người bệnh đến tái khám, đến tiêm chủng,… xây dựng hệ thống khó mắc lỗi, xây dựng hệ thống cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất tai biến y khoa.
Lãnh đạo, chỉ huy chuyên ngành cơ quan quản lý của BQP và Quân khu, Cục Hậu cần dễ dàng tiếp cận được dữ liệu chính xác và kịp thời của Quân y các tuyến, các cơ sở đề ra những dự báo có cơ sở thực tiễn và chủ động có can thiệp hiệu quả như dự báo dịch bệnh và chủ động can thiệp, hệ thống điều phối hoạt động cấp cứu ngoại viện, điều phối tình trạng quá tải tại các bệnh viện, kiểm tra giám sát hành nghề của các cơ sở Quân y…
Thứ hai, Xác định nguyên tắc cần đảm bảo khi xây dựng Bệnh viện thông minh
Phải thống nhất về “ngôn ngữ số” khi xây dựng phần mềm ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế với nhau. Thống nhất “ngôn ngữ số” là yêu cầu mang tính quyết định cho mục tiêu cuối cùng là hồ sơ sức khoẻ điện tử, nếu không bệnh án điện tử chỉ là bệnh án điện tử của riêng một bệnh viện quân y mà không thể liên thông dữ liệu được với các cơ sở y tế khác.
Phải có sự phối hợp 3 yếu tố: chuyên gia công nghệ thông tin + nhà quản lý + người sử dụng. để phần mềm ứng dụng phát huy hiệu quả mong muốn, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xây dựng phần mềm ứng dụng cho các cơ sở Quân y. 
Tham gia xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành Quân y.
Thứ ba, Xác định điều kiện không thể thiếu khi xây dựng Bệnh viện thông minh
Đầu tư hạ tầng phần cứng tương thích:  Hạ tầng phần cứng đầu tư hay thuê, phải tính toán đảm bảo hiệu năng xử lý, đảm bảo an toàn trong vận hành không bị sự cố khi gặp lỗi đơn, đảm bảo tính thiết kế kết nối song song và dự phòng (n+1).
Hạ tầng phần cứng đủ mạnh để ứng dụng các ứng dụng quản lý bệnh viện trên nền tảng IP (Internet protocol) như: tổng đài IP, hệ thống gọi điều dưỡng, nhận diện người bệnh, quản lý âm thanh, ánh sáng… Hạ tầng kết nối các thiết bị di động, giúp nhân viên y tế, thiết bị y tế tương tác chủ động với người bệnh.
Củng cố nhân lực chuyên trách CNTT:  Nhân lực CNTT ngoài kiến thức CNTT phải có kiến thức và am hiểu về các quy trình, nghiệp vụ y tế, kiến thức về BHYT.
Thứ tư, xác định nhóm ứng dụng khi xây dựng Bệnh viện thông minh
Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); Triển khai hệ thống quản lý xét nghiệm (LIS);  Triển khai hệ thống lưu trữ và luân chuyển hình ảnh (PACs) và quản lý thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); Tích hợp hệ thống HIS, LIS, PACs/RIS; Xây dựng bệnh án điện tử; Ứng dụng các công nghệ nhận dạng mới; Ứng dụng các thuật toán về máy học (Machine Learning); Nghiên cứu và ứng dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động chẩn đoán và điều trị; Xây dựng ứng dụng tương tác với người bệnh trên thiết bị di động, web và Đảm bảo an toàn thông tin.
Triển khai mô hình bệnh viện thông minh, người bệnh (có thẻ thông minh do bệnh viện phát hành) khi đến khám, chữa bệnh sẽ thực hiện mọi thủ tục đăng ký khám bằng cách quẹt thẻ để lấy số thứ tự khám bệnh, bảo đảm sự nhanh chóng, chính xác và quan trọng là giảm rất nhiều thời gian chờ đợi mệt mỏi. Theo mô hình mới áp dụng, toàn bộ quá trình này người bệnh chỉ mất khoảng năm giây, trong khi đó quy trình này đối với người không có thẻ sẽ mất khoảng 10 - 20 phút cho việc xếp hàng ở khu vực tiếp đón. Hiện tại, Bệnh viện cũng đã triển khai việc quẹt thẻ để in hóa đơn đỏ các chi phí khám, chữa bệnh nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch các dịch vụ và chi phí khám chữa bệnh phải trả. Tại tất cả các phòng khám cũng đã được trang bị màn hình LCD và loa gọi giúp người bệnh khi đến khám nhìn thấy công khai thứ tự của mình và chờ đến lượt vào khám một cách văn minh, loại bỏ tâm lý chiếm chỗ, chen lấn trước khi chưa áp dụng mô hình.
Cùng với những thuận lợi trên, ngoài hồ sơ bệnh án được lưu trữ trên giấy, bệnh viện còn triển khai bệnh án điện tử cho tất cả người bệnh. Theo đó, khi có bệnh án điện tử, sẽ giúp quá trình tìm kiếm thông tin của người bệnh thuận lợi, chính xác và quan trọng là không mất nhiều thời gian truy lục. Nhờ toàn bộ thông tin được truyền tải trong bệnh viện qua mạng, do đó quy trình khám chữa bệnh sẽ được rút gọn và cải thiện rất nhiều, quan trọng nữa là người bệnh không mất quá nhiều thời gian chờ đợi, gây mệt mỏi, tốn kém… Thời gian tới, Bệnh viện cũng sẽ triển khai thêm modun quản lý bãi trông giữ xe thông minh góp phần tích cực trong việc ứng dụng cộng nghệ thông tin vào các hoạt động chung của đơn vị.
Có thể thấy, giải pháp bệnh viện thông minh cung cấp hệ thống thống kê, báo cáo, hệ thống giám sát cho nội bộ bệnh viện và giúp các cơ quan quản lý cấp trên có thể nhanh chóng nắm bắt tình hình khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, các thống kê, báo cáo tổng hợp được tự động bằng phần mềm, được lưu giữ, truyền tải có tính bảo mật cao, bảo đảm liên thông dữ liệu giữa các đầu mối. Mô hình này còn giúp minh bạch hóa thông tin, dữ liệu thông qua giám sát các hoạt động thu, chi và kiểm soát việc cấp phát thuốc, vật tư tiêu hao… từ đó, góp phần tích cực hạn chế thất thoát và lãng phí trong công tác khám chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và uy tín của Bệnh viện Quân y 110 trong mắt người bệnh, khẳng định chỗ đứng của Bệnh viện Quân y 110 trong hệ thống bệnh viện quân y toàn quân và với ngành y tế cả nước.

Đại tá, PGS, TS Diêm Đăng Thanh