bn-current-user-online-portlet

Online : 2111
Total visited : 151037969

Bài thi viết :Gương sáng ngành y": CHÚNG TÔI LÀM TRUYỀN THÔNG

19/01/2015 07:57 View Count: 207
Ảnh: Cán bộ Trung tâm TT-GDSK tác nghiệp tại BVĐK tỉnh
Thời gian công tác chưa lâu nhưng 7 năm gắn bó với Trung tâm TT-GDSK tỉnh là là chặng đường cho tôi học hỏi nhiều điểu để trưởng thành và tự tin hơn trong cuộc sống. Đi đến nhiều cơ sở, gặp gỡ nhiều cán bộ y tế cùng như các bệnh nhân trong từng hoàn cảnh khác nhau khiến tôi có những xúc cảm đặc biệt về công việc này. Viết về chuyên môn y tế, tuyên truyền giáo dục sức khỏe không những đảm bảo  đặc thù báo chí là cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu kiến thức về chuyên môn còn phục vụ cho người dân khi đọc cũng hiểu được, tiếp thu được và làm được. Việc viết báo cũng đòi hỏi những phóng viên phải theo dõi sát tình hình thời sự y học, dịch bệnh để có bài viết kịp thời, có ích.
Những năm gần đây với diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch bệnh, các đợt dịch liên tiếp trong các năm: 2010- dịch tiêu chảy cấp, 2011- dịch sốt phát ban, năm 2012 ghi nhận sự tăng đột biến của bệnh tay-chân-miệng, năm 2014 đánh dấu sự bùng phát dữ dội của dịch sởi … đó là chưa kể đến sự xuất hiện của nhiều bệnh dịch mới như SARS, Eebola cũng như cuộc chiến với những “ kẻ giết người thầm lặng” ung thư, tiểu đường, mỡ máu...yêu cầu về thông tin y tế ngày một thời sự, chính xác và cấp bách hơn. Cùng với sự vào cuộc của những cán bộ y tế trong lĩnh vực phòng chữa bệnh thì đội ngũ phóng viên chúng tôi cũng có những ngày lăn xả trong từng ổ dịch để vừa tuyên truyền trong cộng đồng cũng như có những tin, bài phản ánh kịp thời cho nhân dân. Công việc thì không đợi thời tiết, ngày nắng rồi có những ngày mưa khi ấy phương châm đề ra là người có thể ướt nhưng máy thì không. Đi về mỗi cơ sở y tế biết thêm những nỗ lực của từng cán bộ, từng khoa, phòng, từng đơn vị chúng tôi hiểu rằng những cán bộ trong ngành mỗi người một công việc khác nhau nhưng đều chung một mục đích, mong góp một phần nhỏ bé của mình để phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
       Mỗi chuyến đi là một cuộc hành trình, sau mỗi bài viết có thể là một niềm vui những cũng có nhiều trăn trở. Ngành y tế vốn mang trong mình một sứ mệnh đặc biệt là chữa bệnh, cứu người nên trong cuộc đời mỗi con người đều không thể thiếu hình ảnh của người thầy áo trắng này. Có thể còn đâu đó còn những “ con sâu làm rầu nồi canh” nhưng phần lớn, phần nhiều những cán bộ y tế đều trách nhiệm, đều xuất phát từ sự thông cảm với nỗi đau của bệnh nhân thì họ mới làm được nghề này. Nhiều người còn nhìn nhận ngành y từ một chiều mà ít ai biết rằng những khó khăn, vất vả của họ khi đối mặt với từng ca bệnh. Mỗi khi đến các cơ sở y tế hơn ai hết những cán bộ này hiểu rằng: người dân đang phó thác tính mệnh, sức khỏe cho mình và mình phải có trách nhiệm với họ. Nhiệm vụ ấy vẻ vang nhưng cũng thật nặng nề…
     Trong những lần đi tác nghiệp chúng tôi luôn thấy vui mỗi khi ghi lại  những khuôn hình, viết những bài báo về những thành công mới trong ngành. Ấy là khi, có anh bác sỹ thông báo: “ Em ơi, bên anh mới triển khai thành công một kỹ thuật mới”  hay “ Báo cho em tin mừng, khoa anh vừa phẫu thuật thành công một ca bệnh nặng”, “ Năm nay địa bàn chị phụ trách không có dịch”, “ nhiều năm rồi xã chị không có ai sinh con thứ ba”…cũng như có đi về cơ sở thấy được sự thay da đổi thịt của những trạm y tế xã từ những ngày lụp xụp, thiếu thốn sau bao nỗ lực nay đã khang trang, hiện đại lên nhiều…Niềm vui ấy, đáng ghi nhận lắm chứ!
Và còn nhiều những khoảnh khắc đáng nhớ từ những y bác sỹ. Đó là những ngày lăn xả cùng cán bộ y tế dự phòng tới từng ổ dịch, là hành trình “ đi từng ngõ, gõ từng nhà” của những cán bộ y tế cơ sở đang miệt mài với công việc mà nhiều người vẫn bảo “ ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Đó là những đêm trắng để chăm sóc bệnh nhân, đó là nụ cười hiền khi chào đón một sinh linh mới ra đời, đó là những cái thở phào sau cuộc đua với tử thần giành giật lại sự sống cho một bệnh nhân tai nạn giao thông.Cả những câu chuyện tâm sự rất thật của người chồng có vợ là cán bộ y tế “ Vợ người ta đang vai kề má ấp/Vợ của mình giờ đi trực đêm đông/Con người ta được mẹ nâng ru ngủ/Mẹ của con mình giờ lại thức thâu đêm”… Có phải ai cũng thấu hiểu những nỗi niềm ấy của “ nghề đặc biệt” này???
Ngành y của chúng tôi còn có nhiều bệnh nhân đặc biệt. Đến bệnh viện Phong-Da liễu hôm nay tôi vẫn rớt nước mắt trước cảnh những cụ già hơn 90 tuổi với hình hài không nguyên vẹn bởi chứng tích của bệnh tật, có những cụ đã sống cô đơn như vậy hơn 50 năm không một lời hỏi han của người thân. Rồi có những cô gái xinh đẹp, những chàng trai vốn rất tài năng nay lại sống trong bệnh viện Tâm thần. Khâm phục hơn ý chí của những bệnh nhân chạy thận nhân tạo  vừa lo kiếm tiền sinh sống vừa để duy trì sự sống, và đôi lúc thấy mình bất lực khi chứng kiến nỗi đau của các bệnh nhân ung thư . Một lần khi  tham gia buổi một sinh hoạt của những người bị nhiễm HIV/AIDS mãi mãi về sau này không khi nào tôi quên được đôi mắt trong veo của một em bé không may bị nhiễm HIV từ cha mẹ ngước lên ngơ ngác hỏi: Cô ơi, con còn sống được đến bao giờ? Tại sao các bạn không cho con vào lớp?.. Với những mảnh đời như thế, cán bộ cán bộ y tế chính là người bạn, là ân nhân là điểm tựa trong cuộc sống của họ.
Là người cầm bút tôi mong khi có mỗi bài báo-bài tuyên truyền được đưa đến tay bạn đọc sẽ góp một phần nhỏ bé của mình nói lên tiếng nói của ngành để người dân hiểu hơn, tin hơn vào ngành y tế và ngược lại mỗi cán bộ y tế thấy thêm yêu ngành, yêu nghề phục vụ tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cảm ơn công việc cho tôi những trải nghiệm, từ những trải nghiệm như thế, tôi thấy mình lớn lên!!!
Lê Hồng

Trung tâm TT-GDSK

Sở Y Tế
Source: BBN