bn-current-user-online-portlet

Online : 3647
Total visited : 151066314

Cảnh giác phòng chống bệnh dịch do Virut Ebola

20/08/2014 08:14 View Count: 35
Theo nhận định, mặc dù bệnh do virut Ebola khó có thể lây lan sang Việt Nam. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp  của bệnh ở một số nước trên Thế giới, nhất là tại các nước Tây Phi, Sở y tế Bắc Ninh  đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Ths.Bs Nguyễn Khắc Từ - Phó giám đốc TTYT dự phòng tỉnh Bắc Ninh về đặc điểm, đường lây, cũng như cách phòng chống căn bệnh này.
  * PV: Xin BS cho biết tình hình dịch bệnh do virut Ebola  hiện nay như thế nào, khả năng lây truyền như thế nào tại Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng?
  Ths.Bs Nguyễn Khắc Từ: Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện nay đã ghi nhận 2.127 trường hợp mắc Ebola, trong đó có 1.145 trường hợp tử vong tại 4 nước Tây Phi là Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leona. Vi rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với vết xước trên da hay niêm mạc, với máu hay các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh; bệnh không lây qua đường hô hấp. Vì vậy, theo nhận định, nguy cơ lây lan của bệnh vào Việt Nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng là không cao.
  * PV: Bệnh do virut Ebola thường biểu hiện như thế nào, thưa bác sĩ?
  Ths.Bs Nguyễn Khắc Từ: Bệnh do virut Ebola cũng có những biểu hiện lâm sàng ban đầu khá giống cúm thông thường, như sốt, đau đầu, đau rát họng. Tuy nhiên bệnh do Ebola có biểu hiện bởi sự xuất hiện đột ngột của sốt, yếu người nhiều, đau đầu, đau cơ và đau rát họng. Những triệu chứng tiếp theo là nôn, tiêu chảy, nổi ban ở da, và suy thận, suy gan, trong một vài trường hợp xuất hiện xuất huyết nội và ngoại đột ngột. Ngoài ra, qua xét nghiệm cho thấy công thức máu bạch cầu giảm thấp, tiểu cầu giảm, tăng men gan... Thời gian ủ bệnh và xuất hiện những triệu chứng đầu tiên là từ 2 – 21 ngày.
  * PV: Trước sự nguy hiểm của dịch bệnh Ebola, với vai trò là đơn vị đầu mối, TTYT dự phòng tỉnh đã có phương án đối phó như thế nào?
  Ths.Bs Nguyễn Khắc Từ: TTYT dự phòng tỉnh đã lập các phương án cụ thể trên cơ sở tình hình thực tế từng giai đoạn như: Khi chưa ghi nhận ca mắc nào tại địa bàn; khi xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Bắc Ninh và khi dịch lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh đó, đơn vị đã củng cố 2 đội cơ động phòng chống dịch, trực tiếp ứng phó tại cộng đồng nếu phát hiện dịch và chuẩn bị cơ số vật tư, hóa chất, trang thiết bị để đối phó với dịch bệnh Ebola. Đồng thời, sẽ tổ chức tập huấn từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, dự kiến có 60 đại biểu cấp tỉnh, 504 cán bộ y tế cấp huyện, xã được trang bị kiến thức dự phòng, chẩn đoán và xử trí ban đầu bệnh do virut Ebola gây ra. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin, kiến thức phòng bệnh liên quan đến bệnh do virut Ebola cho cộng đồng.
  * PV: Xin bác sĩ cho biết một số khuyến cáo phòng chống dịch bệnh do virut Ebola tại cộng đồng?
  Ths.Bs Nguyễn Khắc Từ: Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, người dân nên chủ động phòng chống Ebola bằng cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đảm bảo vệ sinh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, chất sát khuẩn. Khi có các biểu hiện sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau bụng, nôn, tiêu chảy, phát ban… cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
  * PV:  Xin cảm ơn Bác sĩ đã tham gia cuộc trao đổi của chúng tôi!
Nguyễn Oanh

Trung tâm TT – GDSK

Sở Y Tế
Source: BBN