bn-current-user-online-portlet

Online : 2937
Total visited : 151101489

Chủng ngừa cho trẻ càng sớm, phản ứng càng êm

06/07/2018 07:59 View Count: 87

Các chuyên gia khẳng định, chủng ngừa là biện pháp bảo vệ sự sống nhiều hơn bất cứ biện pháp can thiệp sức khỏe nào khác và góp phần làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tật ở cả trẻ em lẫn người lớn.

Nhiều bậc phụ huynh e ngại trẻ nhỏ quá, chích ngừa không tốt cho hệ miễn dịch, dễ sốc… Tuy nhiên trong buổi nói chuyện chuyên đề “Chủng ngừa ở trẻ em những điều cần biết” ngày 23/6/2018, BS.CKI. Nguyễn Đông Bảo Châu, Phòng Chỉ đạo tuyến (BV. Nhi Đồng 1), cho biết, đầu tiên, vắc xin rất an toàn để sử dụng vì phải trải qua những giai đoạn giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt từ khi sản xuất đến khi sử dụng. Thứ hai, trẻ chích ngừa càng sớm càng êm, chích ngừa càng muộn, trẻ càng dễ sinh ra những phản ứng phụ hơn là nếu được chích ngừa sớm.

Giải thích thêm về điều đó, BS. Bảo Châu cho biết: “Khi các trẻ sơ sinh vừa sinh ra, hệ miễn dịch chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh; đồng thời có thêm miễn dịch từ mẹ nên khi vắcxin vào cơ thể, hầu hết đáp ứng miễn dịch của trẻ diễn ra từ từ, miễn dịch từ mẹ giúp trẻ trung hòa dược lực của vắcxin”.

Con trẻ bị phơi nhiễm với hàng ngàn mầm bệnh hàng ngày từ môi trường sống. Điều này xảy ra thông qua thực phẩm trẻ ăn, không khí mà trẻ đang hít thở và tất cả những gì trẻ có thể cho vào miệng. Trẻ được sinh ra với hệ miễn dịch và sự hỗ trợ từ miễn dịch của người mẹ trong giai đoạn bào thai nên có thể chống lại phần lớn các mầm bệnh, tuy nhiên vẫn có những bệnh lý chết người mà bản thân trẻ không thể chống lại được. Đây là lý do vì sao trẻ cần vắc xin để tăng cường hệ miễn dịch.

Theo BS. Đông Châu, vắcxin sử dụng số lượng rất nhỏ kháng nguyên để giúp cho hệ miễn dịch của trẻ nhận biết và học cách chống lại những căn bệnh nguy hiểm. Kháng nguyên là những phần của mầm bệnh mà có thể kích hệ miễn dịch của trẻ hoạt động”.

Chủng ngừa cho trẻ càng sớm, phản ứng càng êm

Nhờ có những tiến bộ khoa học, những vắcxin hiện nay sử dụng số lượng kháng nguyên ít hơn vẫn có thể bảo vệ được trẻ. Vắcxin chứa mảnh nhỏ của các kháng nguyên mà trẻ tiếp xúc trong môi trường hàng ngày. Các chuyên gia khẳng định, chủng ngừa là biện pháp bảo vệ sự sống nhiều hơn bất cứ biện pháp can thiệp sức khỏe nào khác và góp phần làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tật ở cả trẻ em lẫn người lớn.

Chủng ngừa có tốt hơn miễn dịch từ nhiễm bệnh tự nhiên?

BS. Đông Châu: chủng ngừa chắc chắn sẽ tốt hơn. Bởi vì, hệ miễn dịch tự nhiên của trẻ sẽ không gặp trở ngại gì khi tiếp nhận những vi trùng/virút giảm độc lực hoặc chết. Một vài phản ứng phụ xảy ra thường nhẹ (ví dụ: sốt, sưng đau tại chỗ) và kéo dài vài ngày cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của trẻ.

Ngược lại, nếu trẻ mắc bệnh tự nhiên (ví dụ: bạch cầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm não Nhật Bản), hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, thậm chí tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời. Điều này bởi vì các tác nhân gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể trẻ sẽ nhân lên rất nhanh và hệ miễn dịch của trẻ không được chuẩn bị để chống lại chúng.

Tình hình dịch cúm trong thời gian qua tại TP.HCM vô cùng phức tạp, bác sĩ có lời khuyên nào dành cho các bậc cha mẹ?

BS. Đông Châu: do cách nói của người Việt Nam nên dễ bị lầm giữa “cảm cúm” và “ bệnh cúm”, do đó nhiều người có quan niệm sai lầm rằng bệnh cúm chỉ đơn giảm là bệnh “cảm lạnh thông thường” và không có khả năng nhập viện hoặc gây tử vong. Nhiều người còn cho rằng chỉ cần chích ngừa cúm cho trẻ 1 đến 2 lần hoặc khi còn nhỏ là đủ hoặc đợi đến khi trẻ lớn mới chích ngừa. Theo BS. Đông Châu, chủng ngừa còn mang tính nhân văn vì không chỉ bảo vệ cho người được tiêm chủng mà còn bảo vệ những người xung quanh, đặc biệt là nhóm trẻ sơ sinh còn quá nhỏ để được chủng ngừa đầy đủ, cũng như những người/trẻ không thể chủng ngừa được vì những lý do y khoa riêng biệt.

Vắcxin cúm được cấy trên trứng gà, nên không tiêm cho trẻ bị dị ứng với trứng gà. Vắcxin này phù hợp với các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới cho mùa cúm của từng năm và bao gồm 2 chủng cúm A ổn định (A/H1N1 và A/H3N2 có khả năng gây đại dịch) và 1 chủng cúm B - cúm mùa thông thường theo dự báo của WHO và thay đổi qua từng năm. Lứa tuổi có thể tiêm vắcxin cúm từ 6 tháng tuổi trở lên, và chích nhắc lại mỗi năm một lần.

Một số người còn cho rằng chích ngừa cúm cũng không có hiệu quả vì trẻ vẫn bị viêm đường hô hấp nhiều lần trong năm. Điều đó là một quan niệm sai lầm. Chủng ngừa cúm giúp chúng ta ngừa virus cúm. Virút cúm thường gây ra đại dịch cúm, khiến cho bệnh nhân diễn tiến nhanh với những bệnh cảnh rất nặng như viêm phổi, suy hô hấp thậm chí tử vong. Còn viêm đường hô hấp ở trẻ do nhiều loại virút, vi trùng khác không chỉ riêng virút cúm, hiếm khi gây ra các di chứng nặng nề.

Bên cạnh đó, để phòng ngừa viêm phổi và viêm màng não thường dễ diễn tiến nặng ở trẻ dưới 5 tuổi, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm ngừa vắcxin phế cầu 10 chủng cho trẻ nhỏ từ 6 tuần đến 5 tuổi. Vắcxin này giúp phòng ngừa các bệnh do phế cầu Streptococus pneumoniae tuýp huyết thanh 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F thường gây ra các bệnh cảnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và viêm tai giữa. Mỗi năm, ước tính, trên thế giới có nửa triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do các bệnh liên quan đến phế cầu. Đối tượng nguy cơ cao là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn tuổi. 40 - 70% trẻ khỏe mạnh dưới 5 tuổi mang vi khuẩn phế cầu vùng hầu họng, dễ gây lây lan qua đường hô hấp. Đặc biệt, hiện nay, phế cầu kháng thuốc kháng sinh rất nhiều.

 

Nguyễn Oanh (st)
Source: SKĐS