bn-current-user-online-portlet

Online : 3168
Total visited : 151078103

Dịch sốt xuất huyết có chiều hướng giảm

03/10/2017 09:24 View Count: 126

Thưa quý vị và các bạn, không còn liên tục ghi nhận các ca bệnh sốt xuất huyết như thời gian đỉnh điểm vào tháng 8 vừa qua, hiện nay các ca bệnh chỉ còn xuất hiện rải rác tại các địa phương, chứng tỏ dịch bệnh đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, người dân cũng không nên vì thế mà chủ quan, lơ là các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay.

Theo báo cáo của TTYT dự phòng tỉnh, tính đến ngày 29/9, toàn tỉnh đã ghi nhận lũy tích 949 ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết, 47 ổ dịch trong đó 8 ổ đang hoạt động, các ổ dịch khác đều đã chấm dứt. Năm nay, nếu như dịch được ghi nhận vào mùa với 154 ca ở tháng 7 thì đỉnh điểm lên đến 490 ca vào tháng 8, và đến tháng 9 có xu hướng giảm hơn với 275 ca được ghi nhận tính đến ngày 27/9. Dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện ở cả 8/8 huyện, thị xã, thành phố của cả tỉnh. Thuận Thành là địa bàn ghi nhận có số lượng bệnh nhân đông nhất với 236 ca. Tiên Du, Gia Bình và TP Bắc Ninh là 3 địa phương có hơn 100 ca bệnh.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế có chiều hướng giảm

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cho biết, trong số hơn 900 ca mắc/nghi mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trên địa bàn tỉnh thì chỉ có hơn 60 ca là nội tỉnh, còn lại tất cả các ca bệnh đều là ngoại lai, tức là có các yếu tố liên quan đến vùng dịch, người dân đi học tập, làm việc tại vùng dịch mà chủ yếu là tại Hà Nội mắc bệnh và về địa phương điều trị. Vì vậy, khi mà những vùng dịch như Hà Nội, các cấp chính quyền và cơ quan có liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch, giúp tình hình dịch bệnh giảm xuống thì tại tỉnh ta cũng giảm số ca bệnh xâm nhập và tình hình bệnh cũng giảm. Mặt khác, ngay khi phát hiện và xác định ca bệnh, kể cả nội tỉnh và ngoại lai, ngành y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai đồng loạt các biện pháp điều trị và giám sát, phát hiện ổ dịch và tiến hành khống chế, bao vây, không để dịch lan rộng. Nhờ đó, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn đã tạm thời được khống chế và có chiều hướng giảm dần số ca mắc.

Các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết như phun hóa chất diệt muỗi, lật úp các dụng cụ chứa nước để muỗi không còn nơi đẻ trứng

Mặc dù dịch sốt xuất huyết đã giảm cả về số ca mắc cũng như số bệnh nhân nặng, tuy nhiên với điều kiện thời tiết mưa nhiều như hiện nay – là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, nảy nở và truyền bệnh thì người dân hoàn toàn không được chủ quan. Bác sĩ Từ cũng cho biết thêm, theo ghi nhận của các cơ quan dự phòng thì dịch sốt xuất huyết thường xảy ra từ tháng 6 đến tháng 10, và đỉnh dịch là tháng 9 và tháng 10 – thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường. Khi địa phương có ghi nhận mầm bệnh thì dịch có thể dễ dàng lây lan và phát tán tại cộng đồng. Chính vì vậy, các cơ quan y tế cũng như người dân vẫn cần theo dõi sát diễn biến của bệnh, chủ động triển khai các biện pháp khống chế và phòng dịch khi phát hiện. Người dân ngay khi có các biểu hiện như sốt cao liên tục không dứt, đau mỏi toàn thân, nhức mỏi hốc mắt, ăn uống kém, nôn nhiều, trên da xuất hiện phát ban…cần đến ngay cơ sở y tế để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Sốt xuất huyết là bệnh cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh chưa có vacxin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây qua muỗi vằn, muỗi đốt người mang mầm bệnh sau đó quay sang đốt người lành và truyền bệnh cho người lành. Vì thế, việc triển khai các biện pháp phòng bệnh như dọn dẹp vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, phòng muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài tay, diệt muỗi bằng phun hóa chất, diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách thau rửa dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết để muỗi không có nơi đẻ trứng và sinh sôi này nở là những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.

Minh Cường
Source: Trung tâm TT-GDSK tỉnh