bn-current-user-online-portlet

Online : 3756
Total visited : 151066290

Dịch tay chân miệng bùng phát mạnh

09/10/2017 08:31 View Count: 126

Theo thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết xu hướng tiếp tục giảm trong tuần qua, nhưng số ca mắc bệnh tay chân miệng lại có xu hướng gia tăng trong 2 tuần gần đây, nhất là tại các nhà trẻ mẫu giáo.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy cả nước hiện có hơn 63.000 ca mắc, gần 30.000 ca phải nhập viện do tay chân miệng, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2016, điều này dấy lên lo ngại về sự bùng phát của dịch nếu không thực hiện tốt việc phòng chống dịch.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng

Riêng tại Hà Nội, từ ngày 4 -10/9, đã có 31 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng mới, đến ngày 24/9, toàn thành phố ghi nhận thêm 11 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tích lũy từ đầu năm 2017 là 327 trường hợp mắc bệnh.

Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, bệnh tay chân miệng đang có sự gia tăng rõ rệt trên địa bàn thành phố, tuy không có trường hợp tử vong. Do vậy, Trung tâm đã yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát lại hóa chất, máy móc để tập trung tiêu độc, khử trùng tại các trường mầm non, mẫu giáo vì chủ yếu người mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. Việc làm này, được thực hiện song song với các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.

Ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, cho cả mẹ và bé, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh hoặc vệ sinh cho trẻ, trước và sau khi ăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần với người bị tay chân miệng. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da, do nhiễm vi rút thường gặp ở trẻ em, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng. Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước hay phân của người nhiễm virus. Vì vậy, bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học...

Thu Hoài
Source: Tổng hợp