bn-current-user-online-portlet

Online : 3939
Total visited : 150806897

Ghi nhận mô hình Chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm phường Nam Sơn

06/08/2022 08:38 View Count: 171

Hơn 100 chợ truyền thống trên toàn tỉnh hiện nay là nơi tập trung các mặt hàng thực phẩm phục vụ phần lớn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại chợ truyền thống luôn khó khăn với công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP). Đề án “Chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn thành phố Bắc Ninh” được triển khai với mô hình điểm tại chợ Nam Sơn cho thấy hiệu quả bước đầu.

Chợ Nam Sơn hoạt động từ giữa tháng 12-2020, tháng 5-2022, được UBND thành phố và Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh thống nhất lựa chọn tham gia Đề án Chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Đây là chợ mới được đầu tư xây dựng, bảo đảm các điều kiện chung về cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường. Việc thiết kế, bố trí các khu vực kinh doanh bảo đảm ngăn ngừa ô nhiễm chéo, trang thiết bị dụng cụ phục vụ kinh doanh được trang bị đầy đủ, đồng bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước bảo đảm, có khu vực khu gom chất thải và được vận chuyển hằng ngày.

Các khu vực bán hàng được phân chia rõ ràng, tách biệt để tránh ô nhiễm chéo.

Chuyển từ ngoài đường vào trong chợ kinh doanh thịt gà vịt từ hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Thoa, tiểu thương chợ Nam Sơn chia sẻ: “Trước đây tôi buôn bán ở ngoài đường, bụi bặm, nắng mưa nên thực phẩm có nguy cơ mất ATTP, nước thải từ thịt gà, vịt phải đổ xuống ao. Từ ngày vào trong chợ, có mái che nắng, che mưa, mát mẻ, lại có hệ thống cống rãnh, xử lý nước thải, khu vực bán hàng vệ sinh, sạch sẽ hẳn. Lượng khách hàng vì thế cũng tăng hơn trước nhiều, nếu như trước đây bày bán ngoài đường chỉ được vài chục cân gà, vịt mỗi ngày thì nay tăng lên tạ rưỡi, hai tạ”.

Cách khu vực hải sản, giết mổ khá xa là khu vực bán thực phẩm chín. Quầy hàng bán hàng ăn sẵn của chị Nguyễn Thị Hà thường bán khoảng hơn chục món đã được chế biến. Chị Hà cho biết, hằng ngày, chị thức dậy từ 4 giờ sáng để chế biến món, nguyên liệu mua vào là tươi sống và lấy của những người bán hàng quanh đây. “Đồ bán trong ngày nên tôi luôn chú ý khâu bảo quản, không để hàng hỏng, ôi thiu, có đồ bán không hết cất tủ bảo quản được, nhưng có món không bán hết là phải bỏ, vì vậy tôi phải tính toán lượng hàng chế biến sát với lượng bán được” - chị Hà nói.

Mỗi ngày đi chợ 2 lần nên anh Nguyễn Văn Huyền ở khu phố Thái Bảo, phường Nam Sơn thấy yên tâm khi chợ được xây mới khang trang, sạch sẽ: “Chợ cũ ngay ngoài đường, người đi lại đông đúc, chật hẹp, có lúc không có chỗ chen chân, trong khi chợ mới phân chia các khu vực hàng hoá gọn gàng, khoa học, có mái che cao, thoáng nên rau củ quả luôn tươi ngon, không bị ôi, héo”.

Chợ Nam Sơn là chợ hạng II, công trình cấp III xây dựng trên diện tích gần 4.300m2, mỗi sàn 1.750m2 quy mô 3 tầng và 3 nhà cầu chợ. Trong nhà cầu chợ có khoảng 150 điểm kinh doanh, bao gồm các ki-ốt, quầy hàng. Theo chị Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng Ban Quản lý chợ Nam Sơn thì chợ Nam Sơn là chợ dân sinh nhưng đối tượng mua hàng phần lớn là công nhân trong KCN nên hoạt động theo giờ. Buổi sáng từ khoảng 8 giờ đến 8 rưỡi, buổi chiều từ 4 đến 5 giờ là thời điểm chợ rất đông, có thể lên đến hàng nghìn người. Chợ hoạt động thông suốt từ 3 giờ sáng đến 11 giờ đêm mới kết thúc. Thực phẩm tại chợ cơ bản có nguồn gốc rõ ràng, chợ không có những hộ tự sản xuất rồi mang bán.

Cũng theo chị Hiệp, để duy trì bảo đảm ATTP tại chợ Nam Sơn, tới đây Ban Quản lý chợ duy trì test mẫu thường xuyên, phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kiến thức ATTP cho các tiểu thương và các thành viên Ban Quản lý chợ. Ban Quản lý chợ cũng sẽ cung cấp mỗi quầy kinh doanh một biển hiệu gian hàng kiểm soát nguồn gốc, một sổ để ghi chép đơn hàng nhập vào hằng ngày để trong trường hơp xảy ra vấn đề về ATTP sẽ nắm bắt được nguồn gốc hàng hoá.

Thành phố Bắc Ninh hiện có 17 chợ, bên cạnh một số chợ được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp thì vẫn còn tình trạng một số chợ hoạt động lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp, chưa bảo đảm về điều kiện ATTP. Trước thực trạng đó, xây dựng và nhân rộng mô hình chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm là việc làm rất đáng khuyến khích. Đánh giá về mô hình này, ông Dương Quang Cường, Đội trưởng Đội Thanh tra Quản lý ATTP thành phố Bắc Ninh khẳng định mô hình kiểu mẫu này khi nhân rộng sẽ mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội, cũng như đối với công tác quản lý.

Mô hình chợ mới, người tiêu dùng sẽ mua được những hàng hóa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, góp phần hạn chế phát sinh, lây lan dịch bệnh qua thực phẩm, thực hiện nếp sống văn minh và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Qua đây cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm của đơn vị quản lý chợ và các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ; thúc đẩy việc áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi để tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm chất lượng cung ứng cho các chợ.

Đối với công tác quản lý, xây dựng mô hình chợ ATTP chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP, tăng cường kiểm soát ATTP sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền trong công tác quản lý ATTP trên địa bàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc bảo đảm nâng cao chất lượng thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm” - ông Cường nhấn mạnh.

Có thể khẳng định, chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm vừa là xu hướng, vừa là giải pháp khả thi trong tình hình hiện nay, khi các chợ truyền thống còn tồn tại nhiều bất cập, trong đó có vấn đề ATTP. Với việc triển khai mô hình này, sức khoẻ và quyền lợi của người tiêu dùng sẽ được bảo đảm tốt hơn, thói quen tiêu dùng văn minh cũng dần được hình thành.