bn-current-user-online-portlet

Online : 3144
Total visited : 151038639

Kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống

29/11/2021 09:22 View Count: 304

Chợ truyền thống cung cấp khoảng 80% lượng nông sản, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Bắc Ninh ở thời điểm hiện tại với hơn 100 chợ lớn, nhỏ. Đa phần các chợ truyền thống cơ sở hạ tầng không bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các mặt hàng sống và chín bày bán không khoa học, người bán hàng không dùng găng tay khi chế biến gây nguy cơ mất ATTP.

Theo số liệu của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, chỉ có khoảng 20,6% cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh thực hiện kí cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó có đến 77% tiểu thương chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm. Tỉ lệ hiểu và thực hành đúng về an toàn thực phẩm chỉ chiếm 12,03%.

Các mặt hàng kinh doanh tại các chợ chủ yếu là thịt gia súc, gia cầm (37,66%); thủy, hải sản (9,84%); rau, củ, quả (28,9%); thực phẩm khác (23,6%)... Tình trạng thực phẩm tươi sống được bày bán nhưng không có tủ bảo quản khá phổ biến; nhiều sản phẩm thịt lợn, thịt bò... không có dấu kiểm dịch động vật của cơ quan chức năng; khu vực phân bố, bày bán sản phẩm cũng kém khoa học. Các quán, hàng ăn vặt xen lẫn với các gian hàng bày bán các loại hàng khác như quần áo hay đồ gia dụng. Gia cầm tươi sống được bày bán bên cạnh các gian hàng bán đồ ăn chín, đồ chế biến sẵn vẫn tồn tại. Thêm vào đó, hầu hết người bán hàng đều không dùng găng tay nilon khi chế biến thực phẩm; nhiều quầy hàng thực phẩm chín không bảo đảm yêu cầu có tủ kính, có nắp che. Việc xử lý rác thải và nước bẩn cũng chưa triệt để dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan và sức khỏe cộng đồng.

Về nguồn gốc thực phẩm tại các chợ, nguồn hàng cung ứng cho các tiểu thương kinh doanh phần lớn do nông dân trong tỉnh sản xuất trực tiếp mang đến chợ bán. Số lượng này hầu hết không có chứng từ, sổ ghi chép chứng minh nguồn gốc, nhất là mặt hàng thịt gia súc, gia cầm; hàng thuỷ, hải sản; rau, củ, quả… Qua khảo sát có tới 62,7% tiểu thương không thực hiện lưu hợp đồng, hoá đơn, phiếu giao hàng hoặc lưu trữ không đầy đủ; một số ít tiểu thương thực hiện ghi chép chủ yếu với mục đích theo dõi và quản lý thu chi, do vậy việc xác định nguồn gốc thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Đối với 3 mô hình chợ thí điểm gồm chợ Thứa (Lương Tài), chợ thị trấn Gia Bình (Gia Bình), chợ thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ), việc kiểm soát an toàn thực phẩm cũng chỉ dừng lại ở công tác quy hoạch, sắp xếp khu vực bán hàng thực phẩm và tuyên truyền, tập huấn cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ mà chưa có các biện pháp kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Tình trạng sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các chợ chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thiếu kiến thức về an toàn thực phẩm, chạy theo lợi nhuận đã đưa ra thị trường những sản phẩm thực phẩm không bảo đảm…

Giai đoạn 2015-2020, các đơn vị chức năng đã kiểm nghiệm 8.284 mẫu thực phẩm các loại, trong đó số mẫu tại các chợ gấp gần 2 lần so với số mẫu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác. Qua kiểm tra, số mẫu không đạt tại các chợ cao gấp hơn 5 lần, cho thấy nguy cơ mất ATTP tại các chợ cao gấp 2,64 lần tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác.

Hiện nay, công tác thanh, kiểm tra, giám sát ATTP tại các chợ chưa được thực hiện thường xuyên. Phần lớn do các đoàn thanh tra liên ngành thực hiện vào các đợt cao điểm, các lỗi vi phạm chủ yếu là: Thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã quá hạn sử dụng; môi trường nơi kinh doanh bị ô nhiễm; người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được khám sức khỏe định kỳ, chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm... Việc xử lý vi phạm cũng rất khó khăn do nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có khả năng nộp phạt, hoặc không nộp phạt; chưa có chế tài xử lý hành vi này.  

Để nâng cao năng lực quản lý về ATTP tại các chợ, thời gian tới, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng hoàn thiện Đề án kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Từng bước xây dựng phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại chợ; xây dựng sổ tay hướng dẫn theo dõi nguồn gốc thực phẩm cho các tiểu thương và đơn vị quản lý chợ; thiết kế biển hiệu có gắn mã QR và thẻ tên khai báo nguồn gốc phục vụ truy xuất thông tin; hình thành điểm kiểm soát an toàn thực phẩm (ký cam kết, khai báo nguồn gốc và test nhanh an toàn thực phẩm) tại các chợ…

Bên cạnh đó, cần cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, nước phục vụ các hộ kinh doanh; tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và các hộ kinh doanh. Xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; ban hành chế tài xử lý, giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, không bảo đảm ATTP.

Anh Khôi