bn-current-user-online-portlet

Online : 4008
Total visited : 151065505

Tập huấn hướng dẫn xây dựng Kế hoạch quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS năm 2025

11/10/2024 16:57 View Count: 40

Từ ngày 10-11/10/2024 tại Ninh Bình, Ban quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng kế hoạch Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS năm 2025 cho gần 40 học viên thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 13 tỉnh/thành phố phía Bắc.

PGS.TS Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu khai mạc

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được các giảng viên của Ban Quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hướng dẫn cập nhật kết quả thực hiện các chương trình năm 2024, chỉ tiêu thực hiện hoạt động năm 2025, hướng dẫn kỹ năng lập kế  hoạch thực hiện các hoạt động can thiệp giảm tác hại, hoạt động Giám sát và xét nghiệm, hoạt động chăm sóc và điều trị HIV và hướng dẫn các quy định trong quản lý thuốc, sinh phẩm, vật phẩm và thanh quyết toán các hoạt động… Bên cạnh đó, học viên còn được các giảng viên hướng dẫn thực hành xây dựng kế hoạch kinh phí năm 2025 của địa phương, thảo luận và giải đáp thắc mắc theo từng nội dung của buổi tập huấn.

ThS Dương Thu Hằng - Điều phối viên của Dự án hướng dẫn các nội dung tập huấn

Theo báo cáo của Cục phòng, chống HIV/AIDS, dịch HIV/AIDS có xu hướng giảm chững lại, số người nhiễm HIV phát hiện mới từ nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và vợ, chồng của nhóm này có xu hướng giảm, tuy nhiên nhóm người nhiễm HIV phát hiện trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30 đang gia tăng nhanh, đặc biệt nhóm MSM trẻ. Nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ là những nhóm đối tượng nhiễm HIV chủ yếu ở Việt Nam hiện nay, toàn quốc tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chiếm tới xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện, có những địa phương báo cáo có tới hơn 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm qua là thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Dịch đang lây lan nhanh ở các tỉnh khu vực phía nam và các thành phố lớn nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và các trung tâm giáo dục. Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do các yếu tố liên quan di biến động giữa các tỉnh, thành phố và hành vi quan hệ tình dục không an toàn, chưa có biện pháp can thiệp hiệu quả, phụ thuộc nhiều về yếu tố khách quan. Trong khi đó, độ bao phủ của các dịch vụ cũng chưa đáp ứng được các mục tiêu mà chúng ta kỳ vọng. Những thách thức này đang đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm, cùng hành động để vượt qua.

Hướng dẫn hoạt động can thiệp giảm tác hại

Từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng PrEP (như là một phần của chiến lược dự phòng HIV toàn diện bao gồm cả việc sử dụng bao cao su) ở những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Phương pháp này tuy không thay thế được vaccine HIV hay những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV khác nhưng nó là cách đơn giản làm giảm 2/3 nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) qua các thử nghiệm lâm sàng và các can thiệp thực tế trên thế giới. Các nghiên cứu của WHO đã chứng minh sử dụng PrEP đúng cách làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến 97% qua đường tình dục và 75% đối với nhóm tiêm chích ma túy. Cùng với điều trị ARV hiệu quả để tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng phát hiện (K=K), PrEP là can thiệp hữu hiệu góp phần kết thúc bệnh dịch AIDS vào năm 2030. 

Hướng dẫn hoạt động giám sát xét nghiệm

Sau các báo cáo hướng dẫn triển khai, báo cáo viên và đại biểu các tỉnh cùng thảo luận những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương; đại diện các tỉnh đã đề xuất với Ban quản lý Dự án hỗ trợ tăng cường năng lực, kỹ năng tiếp cận, tư vấn, chuyển gửi khách hàng tham gia điều trị PrEP, cho nhóm NVTCCĐ MSM tại các tỉnh nhằm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong nhóm này, góp phần hoàn thành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Bùi Thị Ngoan
Source: CDC Bắc Ninh