bn-current-user-online-portlet

Online : 3420
Total visited : 151102104

Ứng dụng điện quang can thiệp mở ra hướng đi mới cho chẩn đoán hình ảnh tại BVĐK tỉnh

22/02/2018 09:41 View Count: 307

Điện quang can thiệp là kĩ thuật điều trị can thiệp tối thiểu trong nhiều bệnh lí khác nhau liên quan đến mạch máu và các bệnh lí ngoài mạch máu dưới sự hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và đặc biệt là hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Đây là hướng đi mới trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh tại BVĐK tỉnh, đem lại những giá trị lớn cho cận lâm sàng và góp phần nâng cao vị thế của bệnh viện tỉnh nhà. 

Ứng dụng điện quang can thiệp tại BVĐK tỉnh đầu tiên để điều trị cho các bệnh nhân ung thư gan và ung thư cổ tử cung bằng phương pháp nút mạch nuôi dưỡng khối u.

Kĩ thuật điện quang can thiệp được BVĐK tỉnh triển khai từ tháng 9/2016 trên cơ sở đưa vào sử dụng hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Đây là thiết bị với công nghệ tiên tiến để thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lí số sử dụng thuật toán để xóa nền trên 2 ảnh thu nhận được trước và sau khi tiêm chất cản quang vào cơ thể người bệnh, nhằm mục đích thấy rõ hơn các tổn thương, bệnh lí mạch máu trong cơ thể. Đặc biệt, ngay khi phát hiện tổn thương, hệ thống còn có thể thực hiện can thiệp điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, hệ thống DSA có rất nhiều ứng dụng cả trong tim mạch can thiệp và điện quang can thiệp.

Bệnh nhân được đặt máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn chuẩn bị can thiệp

Riêng trong điện quang can thiệp, đây là một lĩnh vực mới, bao gồm các kĩ thuật can thiệp sử dụng theo đường mạch máu (nút mạch, nong mạch, tái thông mạch…) hoặc ngoài mạch máu (chọc trực tiếp vào tổn thương). Theo thạc sĩ, bác sĩ Đào Mạnh Sơn – Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BVĐK tỉnh – cũng là người đi học điện quang can thiệp tại tuyến trung ương và trực tiếp triển khai điện quang can thiệp tại bệnh viện tỉnh, kĩ thuật này sử dụng thuốc cản quang làm rõ hệ thống mạch cũng như hướng đi của các nhánh động mạch cần can thiệp, từ đó giúp bác sĩ định hướng cho vật liệu can thiệp đến nhánh mục tiêu cần can thiệp. Sau khi chụp mạch chẩn đoán, các bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định can thiệp. Tùy theo diễn biến bệnh lí mà bác sĩ có thể đưa ra quyết định can thiệp hợp lí với từng bệnh nhân cụ thể. Có những trường hợp có thể lên kế hoạch can thiệp trước khi làm; nhưng cũng có những trường hợp phải chụp mạch trước rồi mới lên kế hoạch can thiệp sau đó được.

Dưới sự hỗ trợ của các thiết bị y tế, đặc biệt là hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA, các bác sĩ có thể phát hiện các bất thường về mạch máu để từ đó có hướng điều trị thích hợp với từng bệnh nhân

Điện quang can thiệp là kĩ thuật xâm lấn tối thiểu nhằm hạn chế can thiệp vào bệnh nhân ít nhất để tránh các tác dụng không mong muốn của can thiệp y khoa vào người bệnh. Bệnh nhân không phải gây mê mà chỉ cần gây tê hoặc tiền mê, vì vậy bệnh nhân không những tỉnh táo, trò chuyện với bác sĩ mà còn hạn chế được rất nhiều biến chứng của gây mê trong phẫu thuật. Là kĩ thuật xâm lấn ít nên tình trạng hậu phẫu của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, hầu như người bệnh không phải nằm tại giường sau khi can thiệp mà có thể đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường. Do đó, rút ngắn được rất nhiều thời gian nằm viện so với phẫu thuật thông thường.

Trước những ứng dụng rộng rãi mà điện quang can thiệp mang lại và thực tế tình hình bệnh nhân trên địa bàn tỉnh, mới đây BVĐK tỉnh đã đầu tư thêm một phòng can thiệp riêng tại khoa chẩn đoán hình ảnh để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu điều trị của bệnh nhân

Là kĩ thuật cao, chuyên sâu với nhiều ưu điểm vượt trội, tuy nhiên để có thể triển khai điện quang can thiệp, cần sự chuẩn bị rất bài bản từ hệ thống trang thiết bị đắt tiền, hiện đại; đến đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp với tay nghề chuyên môn cao. Các y, bác sĩ của BVĐK tỉnh đã làm chủ kĩ thuật rất tốt và triển khai được hơn 130 ca can thiệp cho bệnh nhân ở các loại bệnh lí mạch ngoại biên, mạch chi với kết quả đáp ứng điều trị khá tốt.

Điện quang can thiệp có ứng dụng rất lớn từ những trường hợp cấp cứu đến điều trị các bệnh lí mạn tính. BVĐK tỉnh đã sử dụng kĩ thuật này trong cầm máu chấn thương các tạng do tai nạn như chấn thương gan, thận, lách có chảy máu tiến triển. Điện quang can thiệp giúp các bác sĩ lâm sàng cầm máu các tổn thương trực tiếp sau khi can thiệp và từ đó nâng cao hiệu quả điều trị  bảo tồn tạng cho bệnh nhân. Hoặc những trường hợp bệnh nhân có bệnh lí ác tính như ung thư gan, ung thư cổ tử cung có khối u quá lớn không còn chỉ định phẫu thuật, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp can thiệp để nút mạch nuôi dưỡng khối u và hóa chất tiêu diệt khối u tại chỗ. Đây cũng là một trong những hướng mới để điều trị cho các bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, điện quang can thiệp còn giúp giảm triệu chứng tắc mật (dẫn lưu đường mật hoặc đặt stent đường mật).

Với những ưu điểm vượt trội mà hệ thống DSA mang lại, điện quang can thiệp đã trở thành xu hướng của y học hiện đại ngày này. Mới đây, BVĐK tỉnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng thêm một hệ thống DSA riêng tại khoa chẩn đoán hình ảnh để thực hiện kĩ thuật này. Tới đây, bệnh viện có kế hoạch tiếp tục triển khai can thiệp thần kinh để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người bệnh và phát triển kĩ thuật điện quang can thiệp chuyên sâu hơn.

Với những ưu điểm vượt trội trong cả chẩn đoán và điều trị mà hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA mang lại trong không chỉ điện quang can thiệp mà cả lĩnh vực tim mạch can thiệp; đồng thời căn cứ trên thực tế nhu cầu của bệnh nhân sử dụng phương pháp này ngày càng lớn, mới đây BVĐK tỉnh đã đầu tư và đưa vào sử dụng thêm một hệ thống DSA riêng phục vụ kĩ thuật điện quang can thiệp tại khoa chẩn đoán hình ảnh.

Không chỉ dừng lại ở chẩn đoán hình ảnh, ứng dụng kĩ thuật điện quang để điều trị đã trở thành xu hướng của y học hiện đại ngày nay. Lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh của BVĐK tỉnh cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tới đây, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai can thiệp thần kinh – một trong những lĩnh vực đòi hỏi sự đào tạo bài bản và trình độ chuyên môn sâu của đội ngũ bác sĩ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.

Minh Long