bn-current-user-online-portlet

Online : 3557
Total visited : 150750587

Thực trạng tuân thủ điều trị Methadone và một số yếu tố liên quan của người bệnh tại cơ sở điều trị Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh bắc ninh năm 2022

09/12/2022 08:56 View Count: 1017

Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về tỉ lệ tuân thủ điều trị tại CSĐT Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh là 53,5%. Tỉ lệ người bệnh TTĐT thấp hơn so với tỉ lệ trong nghiên cứu của Nguyễn Thị Anh Vân, Hà Văn Như, Nguyễn Thị Trang và cộng sự tại Đắc Lắc năm 2018 (63,5%); nghiên cứu của Đặng Thu Huyền tại Đống Đa, Hà Nội năm 2017 (76,2%); nghiên cứu của Phạm Thị Bích tại Kinh Môn, Hải Dương năm 2015 (78,7%).

Về nguyên nhân không tuân thủ điều trị:Nguyên nhân được đưa ra nhiều nhất là bận công việc (94,2%), tỷ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của Đặng Thu Huyền tại Đống Đa, Hà Nội năm 2017 (70,8%); nghiên cứu của Nguyễn Thị Anh Vân, Hà Văn Như, Nguyễn Thị Trang và cộng sự tại Đắc Lắc năm 2018 (64,4%) Người bệnh phải đến CSĐT uống thuốc hàng ngày nên những nguyên nhân này hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên để khắc phục triệt để các nguyên nhân này lại gặp nhiều khó khăn do liên quan đến công việc của người bệnh. Phần lớn người bệnh điều trị MMT có công việc không cố định về thời gian (buôn bán, làm tự do – 58,8%), giờ làm việc có thể bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn so với giờ làm việc của CSĐT hoặc không chủ động về công việc.

Về tình trạng sử dụng ma túy trong tháng qua, tỷ lệ người bệnh vẫn sử dụng ma túy trong 1 tháng qua của nghiên cứu là 44,6%, tỷ lệ này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Đặng Thu Huyền tại Đống Đa, Hà Nội năm 2017 (27%); nghiên cứu của Phạm Thị Bích tại Kinh Môn, Hải Dương năm 2015 (28%)]; Theo kết quả nghiên cứu,  64,7% người bệnh có sử dụng ma túy trong tháng qua có khả năng không tuân thủ điều trị cao hơn so với nhóm người bệnh không sử dụng ma túy trong tháng qua (31,9%). Tỷ lệ này thấp hơn so với nghiên cứu của Phạm Thị Bích tại Kinh Môn, Hải Dương năm 2015 (71,9%) nhưng lại cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Đặng Thu Huyền tại Đống Đa, Hà Nội năm 2017 (35,1%) .

Những người bệnh có sử dụng ma túy trong 1 tháng qua có tỉ lệ không TTĐT cao gấp 3,89 lần so với những người bệnh không sử dụng ma túy. Kết quả này cao hơn so với kết quả nghiên cứu của Đặng Thu Huyền tại Đống Đa, Hà Nội năm 2017 [5]. Tại Đống Đa, Hà Nội, người bệnh sử dụng ma túy không tuân thủ điều trị cao gấp 2,3 lần. Việc sử dụng ma túy có liên quan đến TTĐT được lý giải do cơ chế dung nạp Methadone và các chất gây nghiện khác, tức là khi người bệnh bỏ thuốc có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc xuất hiện hội chứng cai dẫn đến người bệnh tìm đến ma túy hoặc ngượi lại khi người bệnh sử dụng ma túy thì cơ thế đã đủ độ dung nạp vì thế họ không cần phải uống Methadone nữa. Do đó, với nhóm người bệnh vẫn còn sử dụng ma túy, CSĐT cần có các biện pháp tư vấn, hỗ trợ điều trị tốt hơn nữa để tăng cường TTĐT.

Điều trị Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

Yếu tố điều trị Methadone: Liều điều trị duy trì trung bình của các ĐTNC là 61 mg/ngày, thấp hơn so với nghiên cứu Phạm Thị Bích tại Kinh Môn, Hải Dương năm 2015 (73mg/ngày); nghiên cứu của Đặng Thu Huyền tại Đống Đa, Hà Nội năm 2017 (95,8mg/ngày). Mặc dù, liều thực tế của người bệnh trong nghiên cứu nằm trong quy định của hướng dẫn điều trị nghiện CDTP bằng Methadone do Bộ Y tế  nhưng quan trọng nhất thì liều duy trì phải là liều thích hợp hoặc liều tối thiểu có hiệu quả cho người bệnh, giúp họ ngăn chặn sự thèm muốn và sử dụng lại ma túy và hạn chế kéo dài thời gian điều trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa liều điều trị methadone và tình trạng tuân thủ điều trị của người bệnh, nhóm người bệnh có liều điều trị duy trì dưới 60mg/ngày có khả năng không tuân thủ điều trị cao hơn 1,72 lần so với nhóm người bệnh có liều điều trị từ 60mg/ngày trở lên.

Tình trạng mắc bệnh đồng nhiễm: Đặc thù đối tượng SDMT đặc biệt là TCMT thường mắc bệnh lây truyền qua đường máu và có thể đồng nhiễm nhiều bệnh lây truyền khác nhau. Trước khi tham gia điều trị và trong quá trình điều trị Methadone, đối tượng được khám, đánh giá ban đầu, khám và làm các xét nghiệm định kỳ như xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan C... từ đó chúng ta có thể đánh giá được tỷ lệ lây nhiễm của các bệnh truyền nhiễm. Trong 260 người bệnh tham gia nghiên cứu, tỷ lệ nhiễm HIV là 6,9 %. Tình trạng đối tượng nghiên cứu nhiễm HIV trong nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu của Phạm Thị Bích tại Kinh Môn, Hải Dương năm 2015 (16%), nghiên cứu của Trần Quang Đạo (11,8%). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có mối liên quan giữa tình trạng nhiễm HIV với tình trạng tuân thủ điều trị của người bệnh. Nhóm người bệnh nhiễm HIV có khả năng không tuân thủ điều trị thấp hơn 0,12 lần so với nhóm người bệnh không nhiễm HIV. Tại cơ sở điều trị của chúng tôi các bệnh nhân phát hiện nhiễm HIV đều đang được điều trị ARV. Đối với trường hợp người bệnh uống Methadone và điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, thuốc ARV tương tác có thể gây tăng chuyển hóa Methadone do vậy làm giảm nồng độ Methadone trong máu, hậu quả là xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cai. Do đó những bệnh nhân này cũng có xu hướng sẽ bỏ thuốc ít hơn.

Sự hỗ trợ của gia đình: Một trong các tiêu chí xét duyện người bệnh được điều trị Methadone là có người hỗ trợ trong quá trình điều trị. Người bệnh điều trị Methadone là điều trị ngoại trú, họ sinh hoạt tại gia đình, cộng đồng do vậy sự hỗ trợ của gia đình có vai trò rất quan trọng, việc hỗ trợ người bệnh hiệu quả nhất khi người bệnh gặp vấn đề khó khăn trong quá trình điều trị. Sự hỗ trợ của gia đình là rất cần thiết để theo dõi và giám sát người bệnh trong quá trình tham gia điều trị. Bất kì bệnh nhân nào khi đăng kí vào chương trình MMT đều được CSĐT yêu cầu có sự tham gia của gia đình trong những tuần đầu tiên và tham gia các buổi tư vấn nhóm để biết thông tin điều trị và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình tham gia điều trị. Trong nghiên cứu của chúng tôi có 84,2% người bệnh có sự hỗ trợ của gia đình. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có mối liên quan giữa sự hỗ trợ của gia đình với tình trạng tuân thủ điều trị của người bệnh. Nhóm người bệnh không nhận được sự hỗ trợ của gia đình có khả năng không tuân thủ điều trị cao hơn 2 lần so với nhóm người bệnh có nhận được sự hỗ trợ của gia đình.

Từ những kết quả trên, nghiên cứu có những khuyến nghị sau: Đối với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân sắp xếp thời gian và kế hoạch của bản thân và phối hợp cùng với CSĐT để hạn chế việc bỏ thuốc và tuân thủ điều trị tốt hơn.

Đối với cơ sở điều trị: Tăng cường tư vấn, tập trung tư vấn các vấn đề về các biện pháp đối phó với cơn thèm nhớ ma túy, kỹ năng từ chối; kỹ năng sống lành mạnh.Tìm hiểu lý do và biện pháp khắc phục với những bệnh nhân không tuân thủ điều trị, đặc biệt với nhóm bệnh nhân vẫn đang sử dụng ma túy.

Lê Hồng