bn-current-user-online-portlet

Online : 3532
Total visited : 151102109

Bắc Ninh tích cực triển khai thí điểm công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân

17/03/2017 08:39 View Count: 47

Để tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, việc quản lý sức khỏe của người dân ban đầu toàn diện, liên tục giúp phát hiện sớm hầu hết các bệnh thông thường và giải quyết sớm ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh nặng, giúp giảm quá tải bệnh viện, giảm áp lực với ngành y tế... 

Hiện tại, có 3 địa phương tham gia lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân thí điểm là Hà Nội, Bắc Ninh và Phú Thọ.

Ảnh: Triển khai công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại xã Tri Phương – huyện Tiên Du

Bắc Ninh là cửa ngõ phía bắc của Thủ đô Hà Nội, với diện tích 823,1 km2, dân số khoảng 1.200.000 người, bao gồm 8 huyện, thị xã, thành phố với 126 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Để tăng cường đẩy mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, năm 2016, ngành Y tế Bắc Ninh đã phối hợp với các ban ngành trong tỉnh thí điểm triển khai công tác lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tại 02 xã Chi Lăng và Phù Lương (huyện Quế Võ), khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho 13.947 người. Dự kiến trong 5-6 tháng tới sẽ triển khai trong toàn tỉnh.

Việc lập hồ sơ điện tử theo dõi, quản lý sức khỏe mang đến nhiều lợi ích. Hiện nay có số lượng rất ít các trường hợp người dân chủ động đi khám sức khỏe khi chưa có bệnh. Thực tế cho thấy, có nhiều người dân khi đến khám bệnh lần đầu thì bệnh đã quá nặng, điều trị khó khăn hoặc không có khả năng điều trị. Việc khám định kỳ, có hồ sơ quản lý sức khỏe, được tư vấn sức khỏe, định hướng chuyển tuyến khi có bệnh giúp bản thân người bệnh và gia đình hiểu biết được tình trạng sức khỏe của họ và người thân. Bản thân người dân sẽ được chẩn đoán sớm, phát hiện sớm khi mới mắc bệnh, từ đó sẽ được tư vấn và điều trị sớm, giúp giảm chi phí điều trị, kết quả trị bệnh tốt hơn, hạn chế biến chứng, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ tăng hơn. Mặt khác, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân giúp đồng bộ hóa việc chăm sóc sức khỏe ở nhiều tuyến với nhau. Người dân có thể đến khám bệnh ở xã phường hoặc các bệnh quận, huyện, tỉnh trung ương. Hồ sơ này khi được thông tuyến sẽ cho phép người bệnh có được hồ sơ điện tử thống nhất từ tuyến dưới đến tuyến cao nhất. Bên cạnh đó, hồ sơ sức khỏe cá nhân còn giúp đồng bộ hóa cơ sở thông tin giữa các cơ sở khám chữa bệnh cũng như bên thanh toán cho việc khám chữa bệnh, đó là bảo hiểm. Đây là việc quan trọng vì sẽ giúp tăng hiệu quả trong quá trình kiểm soát, chi bảo hiểm cũng như giảm thiểu rủi ro nếu có. Ngoài ra, thông tin khám chữa bệnh của người dân khi được tích hợp lại sẽ trở thành nguồn cơ sở dữ liệu quý báu cho Bộ Y tế và các cơ sở y tế, giúp theo dõi sức khỏe người dân và phục vụ cho việc nghiên cứu.

Vì vậy, lập được sổ quản lý sức khỏe, khám định kỳ cho người dân không chỉ đúng về mặt khoa học y tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, lợi ích cho ngành y tế, ngành bảo hiểm, nghiên cứu khoa học…giúp tăng cường công tác chăm sóc được sức khỏe ban đầu, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân. Với người dân quan trọng nhất là được khám, tư vấn sức khỏe, phát hiện bệnh sớm, được giới thiệu chuyển tuyến, bác sĩ phù hợp… Làm được như vậy, trạm y tế xã, phường sẽ thực hiện đầy đủ chức năng của y học gia đình. Đó là lấy dự phòng là quan trọng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đi từ cơ sở là giải pháp lâu dài để giảm tải bệnh viện, giảm chi phí y tế. Về lâu dài, việc cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tích hợp với thẻ an sinh xã hội sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết nhất là trong những trường hợp cấp cứu.

Để chăm sóc sức khỏe của bản thân và cộng đồng tốt nhất, mọi người dân hãy tích cực tham gia chương trình khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân./.

Đặng Quyên
Source: Trung tâm truyền thông GDSK