bn-current-user-online-portlet

Online : 2606
Total visited : 151038301

Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ

18/08/2018 13:50 View Count: 128
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, bệnh lây qua đường tiêu hóa và có thể bùng phát thành dịch, thường gặp ở trẻ nhỏ và có biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Tay chân miệng thường xuất hiện vào 2 đỉnh dịch (tháng 3 – tháng 5 và tháng 9 – tháng 10). Thời gian gần đây, đã ghi nhận khá nhiều trường hợp trẻ mắc tay chân miệng tại các địa phương trong toàn tỉnh. Vì vậy, chủ động phòng chống là biện pháp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

3 tầng của khu nhà truyền nhiễm nhi, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đều có trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị. Chị Nguyễn Ngọc Nga là mẹ của bé Nguyễn Tùng Anh ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho biết, sau khi bé có biểu hiện sốt, chán ăn, mệt mỏi và xuất hiện bọng nước ở mông thì gia đình đã đưa bé đến viện để kiểm tra. Xác định tay chân miệng nhưng ở thể nhẹ nên bé đã được cho về nhà điều trị. Nhưng ở nhà được 2 ngày, các nốt xuất hiện nhiều hơn ở cả lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, cẳng chân, trong miệng, bé lại sốt cao và ho nhiều nên gia đình lại phải đưa bé nhập viện, chẩn đoán biến chứng viêm phổi nên phải điều trị nội trú.

Trẻ bị tay chân miệng điều trị tại bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh

Chị Trần Thị Liên ở phường Vân Dương, TP Bắc Ninh cũng có con bị tay chân miệng. Ngoài việc thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ về thuốc thang cho con, chị còn chủ động phối hợp và được lời khuyên của các bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bé. Ngoài việc cách li con với các trẻ lành khác do bệnh có thể lây truyền dễ dàng, chị còn chủ động giữ gìn vệ sinh cho bé, đặc biệt là ở các nốt bọng nước, tránh làm vỡ để hạn chế lây lan ra các bộ phận khác trên cơ thể. Riêng về chế độ ăn uống, bởi bé bị mọc các nốt trong miệng gây đau và khó chịu nên chị không ép bé ăn quá nhiều, cho ăn ít một, ăn đồ loãng, không quá nóng và tăng cường cho trẻ uống sữa, uống các loại nước hoa quả như nước cam, nước dừa để tăng sức đề kháng… Chính vì vậy mà bé đã khỏi bệnh sau 5 ngày điều trị, không gặp phải biến chứng gì nguy hiểm.

Bệnh viện thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân quy trình sát khuẩn tay nhanh

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường tiêu hóa gây nên. Hiện nay, bệnh này chưa có vacxin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dễ lây từ trẻ bệnh sang trẻ lành qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch mũi họng, bọng nước bị vỡ hoặc tiếp xúc qua các vật dụng có nhiễm mầm bệnh mà trẻ sử dụng.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Hương – Phó trưởng khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản Nhi cho biết, để đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo cho các bé trong khu vực nhà truyền nhiễm cũng như các trẻ khác trong bệnh viện, riêng tại đơn nguyên với đặc thù là điều trị cho các bé bị bệnh đường tiêu hóa và bệnh truyền nhiễm, nên đơn nguyên có sự bố trí phân khu, buồng bệnh theo từng mặt bệnh; tiếp nữa là có biện pháp cách li đối với những trẻ bị mắc các nhóm bệnh truyền nhiễm khác nhau. Ngoài ra thì công tác vệ sinh khử khuẩn cũng được thực hiện hàng ngày, khử khuẩn vệ sinh sau mỗi bệnh nhân ra viện tại đơn nguyên. Tại khu vực điều trị cho bệnh nhân truyền nhiễm, dung dịch sát khuẩn tay nhanh được trang bị cho mỗi buồng bệnh để không chỉ nhân viên y tế mà ngay cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng được sử dụng để đảm bảo vệ sinh bàn tay sạch bằng cách tổ chức các buổi truyền thông giáo dục sức khỏe, hoặc trực tiếp hướng dẫn ngay tại bệnh phòng về quy trình sát khuẩn tay nhanh trước và sau khi chăm sóc trẻ…

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 227 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, tăng nhiều so với cùng kì năm ngoái. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà nếu được phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách, đồng thời có biện pháp cách li trẻ để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Khắc Từ - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng, cần đưa đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán mức độ, từ đó đưa ra quyết định điều trị tại nhà hay tại viện. Bệnh đa phần biểu hiện nhẹ nên có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của cán bộ y tế, được cách li ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi phát bệnh. Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi trẻ, nếu có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như giật mình, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao 39.5o thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ Từ cũng khuyến cáo thêm, các bậc phụ huynh cũng nên chủ động tìm hiểu kiến thức về các bệnh truyền nhiễm qua các kênh thông tin đại chúng, qua các trang website chính thống của ngành y tế để biết về bệnh, cơ chế lây truyền cũng như cách xử trí khi trẻ mắc bệnh.

Tất cả những trường hợp ghi nhận tay chân miệng đều được các cơ quan y tế dự phòng điều tra, giám sát và khoanh vùng, xử lí kịp thời, không để lây lan thành dịch. Tuy nhiên, tới đây trẻ chuẩn bị bước vào năm học mới, cũng là thời gian đỉnh dịch tay chân miệng như mọi năm. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc về thể chất cho trẻ để đảm bảo sức đề kháng, các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh thực hiện “3 sạch” (ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch) bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống sôi, thường xuyên lau sạch các bề mặt, đồ chơi, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ, nên để trẻ sống trong môi trường thoáng mát, vệ sinh để chủ động phòng bệnh cho con.

Nguyễn Oanh – Thanh Xuân
Source: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh