bn-current-user-online-portlet

Online : 4141
Total visited : 150779325

Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh

11/05/2023 09:21 View Count: 205

Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản luôn được Bắc Ninh chú trọng triển khai với nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần từng bước nâng cao giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thuỷ sản đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Toàn tỉnh hiện có 2.923 cơ sở thuộc lĩnh vực Nông nghiệp; trong đó 419 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, 498 cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện ATTP và tương đương. Để nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, Bắc Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung vào những cơ sở sản xuất ban đầu, nông lâm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm an toàn; hỗ trợ an toàn thực phẩm trong sản xuất ban đầu; năm 2022, đã hướng dẫn, giám sát, xác nhận 18 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đặc biệt, tăng cường công tác giám sát chất lượng; chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang thanh tra, kiểm tra đột xuất tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như: buôn bán vật tư nông nghiệp, sản xuất ban đầu, giết mổ gia súc, gia cầm, sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ… Tăng cường thực hiện công tác hậu kiểm, giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản tự công bố chất lượng; sản phẩm có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện các nông sản thực phẩm không an toàn, cảnh báo cho cộng đồng. Tổ chức ký cam kết và giám sát việc tuân thủ các nội dung cam kết

Kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố Bắc Ninh

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản trên thị trường, năm 2023, Bắc Ninh đề ra mục tiêu phấn đấu: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi trồng thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự tăng 10%/năm so với năm 2022; xây dựng 1-2 điểm vùng thí điểm thực hiện liên kết tổ chức thủy sản theo chuỗi; công nhận được ít nhất 50 sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh; xây dựng thí điểm 03 mô hình OCOP du lịch cộng đồng; 98,5% cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP; tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn đạt 92%; phấn đấu hết năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh xác nhận mới 20 sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…

Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương cần tập trung nêu cao trách nhiệm, bố trí nguồn lực, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện công tác quản lý ATTP nông lâm thủy sản. Tiếp tục đổi mới công tác thông tin, truyền thông; chú trọng quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; tổ chức thẩm định, thẩm định định kỳ 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định và tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; xây dựng và mở rộng vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực tỉnh; xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc sản, truyền thống; xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm an toàn với các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Tiếp tục triển khai Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh; Đề án "Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh”;  Kế hoạch “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, giai đoạn 2021-2025”. Tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo ATTP trong sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP và vật tư nông nghiệp. Tăng cường thực hiện công tác hậu kiểm, kiểm soát các chỉ tiêu ATTP đối với các sản phẩm nông lâm thủy sản tự công bố chất lượng; sản phẩm có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện các nông sản thực phẩm không an toàn, cảnh báo cho cộng đồng. Xây dựng kế hoạch quản lý các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ tham gia quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản các cấp về nghiệp vụ, kỹ năng trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm qui định đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông lâm thủy sản; ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, khoa học quản lý, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ, xây dựng, mở rộng vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị đảm bảo chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc.. Ngoài ra, duy trì 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ; duy trì 100% chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng năm được tập huấn về an toàn thực phẩm. 100% các địa phương kiện toàn hệ thống quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phù hợp với phân công, phân cấp; 100% cán bộ quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ; 100% chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm hàng năm được tập huấn về an toàn thực phẩm.

Với các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm ở các cấp, các ngành; tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm. Nâng cao giá trị, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thuỷ sản đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiêu dùng trong nước, quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội./.

Đăng Thăng