bn-current-user-online-portlet

Online : 2495
Total visited : 151101175

Cuối năm 2019, triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân trên toàn quốc

01/06/2019 07:53 View Count: 76

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời . Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình

Tại Bộ Y tế, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp về nội dung đẩy mạnh triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân.

Đã triển khai thí điểm phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại 8 tỉnh, thành phố

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi và được thống nhất lưu trữ trong hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia. Việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp quản lý và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn, giúp ích cho cả người bệnh và cán bộ y tế.

cuoi-nam-2019-trien-khai-ho-so-quan-ly-suc-khoe-dien-tu-ca-nhan-tren-toan-quoc-1

PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thực hiện Đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế xã thuộc 8 tỉnh bao gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An tham gia vào Đề án Y tế cơ sở (YTCS), thực hiện mô hình điểm trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 – 2020

Một trong những nhiệm vụ trong Đề án YTCS là xây dựng Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân (EHR) bước đầu đáp ứng các nội dung theo Quyết định số 831/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 11/03/2017 về việc ban hành mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tính đến thời điểm này, phần mềm Hồ sơ sức khỏe được kết nối liên thông  tại 90% trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc 8 địa phương nói trên.

Hồ sơ sức khoẻ điện tử: Mang lợi ích cho cả người bệnh, thầy thuốc và cả công tác quản lý

 

Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân tử giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua hồ sơ sức khỏe, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.

Khi người dân đến cơ sở y tế, bác sĩ ở bất kỳ đâu chỉ cần bấm máy tính là sẽ hiện ra đầy đủ thông tin về hiện trạng sức khỏe của người đó. Giúp ích rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị.

Đối với người thầy thuốc, Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.

Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.

Đối với công tác quản lý, việc triển khai Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Đối với bảo hiểm y tế, khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh thông suốt, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.


cuoi-nam-2019-trien-khai-ho-so-quan-ly-suc-khoe-dien-tu-ca-nhan-tren-toan-quoc-2

Việc lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cá nhân mang lại nhiều lợi ích

Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân là cơ sở dữ liệu về sức khỏe rất lớn, giúp Ngành Y tế có các chỉ đạo kịp thời về phòng chống dịch bệnh, dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn vì có những bằng chứng thực tiễn, có cơ sở khoa học hơn.

Phần mềm Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân y tế sử dụng nguồn dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để tạo lập mã số định danh (ID) và hồ sơ sức khỏe điện tử cho từng cá nhân. Điều này, không gây phiền hà cho người dân và thông tin dữ liệu của người dân được bảo mật tuyệt đối.

Được biết, lộ trình thực hiện Hồ sơ sức khỏe điện tử như sau: Từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019 triển khai và hoàn thiện phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử cho 8 tỉnh, thành phố trong mô hình điểm. Từ tháng 07/2019, tổ chức triển khai nhân rộng trên toàn quốc. Đến nửa cuối năm 2019, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giao Cục Công nghệ thông tin tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục, đơn vị liên quan hoàn thiện các ý kiến của các đơn vị tham gia thí điểm sử dụng Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân cũng như các ý kiên của đơn vị liên quan sớm trình Bộ trưởng để đến cuối năm 2019 Bộ Y tế sẽ triển khai Hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cá nhân trên toàn quốc

Nguyễn Oanh
Source: Tổng hợp