bn-current-user-online-portlet

Online : 2563
Total visited : 151101310

Siết quảng cáo rượu bia ở VN nhiều "lỗ hổng", các nước trên thế giới kiểm soát thế nào?

01/06/2019 08:26 View Count: 1146

Hiện nay ở nước ta chưa có quy định về hạn chế quảng cáo bia. Cùng một lượng cồn nguyên chất thì bia, rượu vang và rượu mạnh đều gây ra tác hại tương đương nhau nhưng pháp luật hiện hành chỉ cấm quảng cáo rượu vang và rượu mạnh với độ cồn từ 15% trở lên. Ngoài ra cũng chưa có quy định về tài trợ hoặc trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp bia.

Đây chính là những khoảng trống pháp lý trong các quy định quảng cáo, khuyến mại và tài trợ rượu bia tại Việt Nam.

Bộ Y tế với vai trò cơ quan quản lý nhà nước đã được Chính phủ giao xây dựng Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với nhiều điểm mạnh kỳ vọng sẽ giúp làm giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia; quản lý chặt chẽ việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để phòng chống tác hại của rượu bia, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ và nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh không lây nhiễm cho người dân.

Tuy nhiên, sau nhiều lần lấy ý kiến từ các Bộ, ngành thì theo đánh giá của các chuyên gia, các điều khoản trong dự Luật đã "yếu" đi rất nhiều, một số điều khoản mạnh đã bị đưa ra khỏi dự thảo hoặc điều chỉnh làm yếu đi. Trong khi đó, các chính sách có hiệu quả nhất trong kiểm soát tiêu dùng rượu bia mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là: thuế và giá; kiểm soát quảng cáo và tiếp thị; Kiểm soát tính sẵn có.

Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo Quốc hội đề nghị giữ lại những nội dung về kiểm soát quảng cáo và thời gian bán rượu bia trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia để khi được thông qua Luật sẽ đủ mạnh, và thực sự là một Bộ Luật vì sức khỏe nhân dân.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, rượu bia được quảng cáo/tiếp thị với kỹ thuật quảng cáo và quảng bá ngày càng tinh vi như gắn nhãn hiệu rượu bia với các hoạt động văn hóa thể thao, tài trợ, trưng bày sản phẩm, với các hình thức tiếp thị mới qua phương tiện truyền thông xã hội (như thư điện tử, tin nhắn và podcasting) và các phương tiện truyền thông khác.

Việc truyền tải thông điệp tiếp thị rượu bia xuyên biên giới quốc gia và hệ thống tư pháp trên các kênh như truyền hình vệ tinh, Internet và việc ngành công nghiệp tài trợ cho các sự kiện văn hóa, thể thao đang trở thành mối quan ngại sâu sắc tại một số quốc gia.

siet-quang-cao-ruou-bia-o-vn-nhieu-lo-hong-cac-nuoc-tren-the-gioi-kiem-soat-the-nao-1Cần có chính sách kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia để giảm tác hại do loại đồ uống này gây ra. Ảnh minh họa.

Nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy tăng cường hạn chế quảng cáo tiếp thị rượu bia, đặc biệt là bia, làm giảm được tổng lượng uống và lượng uống trung bình thường xuyên. Có thể giảm 3% lượng uống khi tăng thêm mức chặt chẽ trong quy định hạn chế quảng cáo tiếp thị rượu bia trên 4 kênh truyền thông (truyền hình quốc gia, đài phát thanh quốc gia, báo in và bảng quảng cáo). Nghiên cứu ở 17 quốc gia với thời gian theo dõi trong 13 năm cho thấy, so với các quốc gia không áp dụng cấm quảng cáo rượu bia trên đài phát thanh và truyền hình, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở quốc gia cấm các hình thức quảng cáo này thấp hơn 11% và tỷ lệ tai nạn giao thông cũng thấp hơn 23 %.

Việc thiếu quy định cấm quảng cáo bia có nhiều tác động đối với giới trẻ trong giai đoạn họ bắt đầu trở thành người uống rượu bia. Với những quốc gia mà bia đang là đồ uống phổ biến và nhà sản xuất quảng cáo tiếp thị bia rộng rãi thì bia trở thành đồ uống phổ biến cho giới trẻ bắt đầu uống đồ uống có cồn vì độ cồn trong bia thấp, phù hợp với người bắt đầu uống hơn là rượu và các đồ uống có độ cồn cao khác

Hạn chế quảng cáo giúp giảm tiêu thụ rượu bia

WHO khuyến cáo, kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia là 1 trong 3 biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống tác hại của rượu bia. Bên cạnh đó cần thực hiện đồng thời các giải pháp chính sách về giá đối với rượu bia và đồ uống có cồn khác; Hạn chế sự sẵn có của rượu bia bằng cách hạn chế thời gian được bán rượu bia, quy định độ tuổi được phép mua hoặc sử dụng rượu bia.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, trong 166 quốc gia báo cáo thì có 10% (17 quốc gia) cấm trên toàn bộ phương tiện truyền thông; 50,04% (83 quốc gia) cấm một phần. Các quốc gia cấm nghiêm có Pháp, Thuỵ Điển, Na uy, Iceland, Đức, Anh, Ecuador, Phần Lan, Nga,Thái Lan.

Các quy định pháp luật kèm theo thực thi nghiêm có hiệu quả tác động lớn đến giảm tỷ lệ sử dụng và giảm tác hại của rượu, bia. Riêng về quảng cáo, đã có trên 15 công trình nghiên cứu chứng minh quảng cáo, tiếp thị làm gia tăng uống rượu, bia và các quy định hạn chế/cấm quảng cáo giúp giảm sử dụng rượu, bia, trong đó có các nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 20 quốc gia trong vòng 25 năm - bà Trang thông tin.

siet-quang-cao-ruou-bia-o-vn-nhieu-lo-hong-cac-nuoc-tren-the-gioi-kiem-soat-the-nao-2Giới trẻ Việt Nam đang tiếp cận quá dễ dàng với rượu bia. Ảnh minh họa.

Chính sách kiểm soát quảng cáo rượu bia ở một số quốc gia

Tại Ấn Độ, cấm tất cả các hình thức quảng cáo rượu bia.

Chính phủ Pháp cấm tất cả các quảng cáo trên các kênh truyền hình và trong rạp chiếu phim. Cấm quảng cáo trên đài phát thanh từ 17:00 đến 24:00. Cấm quảng cáo trên các ấn phẩm, website nhắm mục tiêu đến trẻ em; cấm quảng cáo trên các trang website thể thao. Cấm tài trợ cho các sự kiện văn hóa và thể thao.

Nội dung quảng cáo chỉ liên quan đến chất lượng sản phẩm, chẳng hạn như nồng độ cồn, nguồn gốc, thành phần, phương thức sản xuất, tên và địa chỉ của nhà sản xuất. Cảnh báo sức khỏe: áp dụng cho tất cả.

Tại Thụy Điển: Cấm tất cả các quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh. Cấm quảng cáo trên các ấn phẩm cho các sản phẩm có nồng độ cồn> 15%. Từ tháng 1 năm 2018: Chính phủ đang thảo luận về các quy định cấm quảng cáo trên Internet.

Rất nhiều quốc gia khác có chính sách kiểm soát quảng cáo rượu bia rất chặt chẽ. Mời bạn đọc xem bảng dưới đây:

siet-quang-cao-ruou-bia-o-vn-nhieu-lo-hong-cac-nuoc-tren-the-gioi-kiem-soat-the-nao-3siet-quang-cao-ruou-bia-o-vn-nhieu-lo-hong-cac-nuoc-tren-the-gioi-kiem-soat-the-nao-4

 

Cần thiết có Quỹ Nâng cao sức khỏe được quy định trong Luật

Yêu cầu trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp bia, TS. Trần Tuấn - Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam nhấn mạnh, thiết lập quỹ Nâng cao sức khỏe từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thực thi khoản thu bắt buộc từ các sản phẩm công nghiệp mâu thuẫn với lợi ích sức khỏe công cộng, là một giải pháp tài chính hiệu quả hàng đầu cho các nước đang phát triển phòng chống các bệnh không lây nhiễm. 

Kinh nghiệm của Quỹ ThaiHealth của Thái Lan, chỉ với mức đóng 2% của thuế tiêu thụ đặc biệt với 2 mặt hàng thuốc lá và rượu bia, Quỹ này có được 120 triệu đô la Mỹ (gần 2.760 tỉ đồng) để thúc đẩy các hoạt động thực thi phòng chống bệnh tật. WHO cũng đưa ra khuyến cáo khuyến khích các nước đang phát triển mô hình Quỹ ThaiHealth.
Thanh Xuân
Source: Tổng hợp