bn-current-user-online-portlet

Online : 3296
Total visited : 151038723

Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng tại các địa bàn khó khăn

20/08/2018 15:49 View Count: 133

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em và phụ nữ đã đạt và duy trì hơn 95% trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 5-10% số huyện chỉ đạt tỷ lệ dưới 90%, tập trung tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để nâng cao được tỷ lệ và chất lượng tiêm chủng tại các vùng này, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã rất nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ưu tiên, trong đó đặc biệt tổ chức tiêm chủng thường xuyên thay thế cho tiêm chủng định kỳ.

Trước đây, tại các địa bàn khó khăn về giao thông thuộc các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo không thể tổ chức tiêm chủng thường xuyên hàng tháng mà chỉ tổ chức định kỳ vào một số tháng nhất định trong năm. Việc tiêm chủng định kỳ tuy có thể giúp duy trì được việc tiếp cận đối tượng tiêm chủng, tuy nhiên, điều này cũng đặt ra khó khăn trong việc bảo đảm tiêm đủ mũi và đúng lịch.

Cùng với sự phát triển của hạ tầng giao thông, với sự cố gắng trong những năm gần đây về tăng cường mạng lưới và trang thiết bị tiêm chủng, hình thức này dần được thay thế bằng hình thức tiêm chủng thường xuyên để nâng cao chất lượng của dịch vụ TCMR.

“Năm 2006 số xã tiêm chủng định kỳ chiếm tới 10% thì đến năm 2017 chỉ còn 63 xã tiêm chủng định kỳ/11.000 xã trong toàn quốc (0,5%). Đây là một nỗ lực của ngành y tế và chính quyền địa phương các cấp để bảo đảm dịch vụ tiêm chủng đến được với mọi đối tượng, mọi vùng miền”, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.

Bên cạnh đó, Dự án TCMR luôn dành sự ưu tiên cho các tỉnh miền núi, khó khăn từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm để bổ sung dây chuyền lạnh, hỗ trợ công tiêm, hỗ trợ kinh phí vận chuyển và bảo quản vaccine...

Trong năm 2015, sự ra đời của Thông tư liên tịch 117/TTLT-BTC-BYT đã đánh dấu một bước trong việc ưu tiên đầu tư cho địa phương, thu hút nguồn lực đầu tư từ chính quyền các cấp. Theo đó, với mỗi trẻ tiêm chủng đầy đủ tại các địa phương miền núi, vùng sâu, cán bộ y tế được hưởng 24 nghìn đồng, mức chi tăng gấp đôi so với trước đó.

Để tăng khả năng tiếp cận cho các đối tượng trẻ em và phụ nữ với dịch vụ tiêm chủng, Dự án TCMR cũng đã vận động các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO, GAVI có những hỗ trợ tăng cường tỷ lệ tiêm chủng vùng khó khăn tại các tỉnh miền núi như Gia Lai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa,... để tổ chức tiêm chủng ngoài trạm, nhằm bảo đảm sự công bằng trong tiêm chủng, đồng thời triển khai các hoạt động truyền thông trực tiếp nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc về tiêm chủng.

Để có thể tăng tỷ lệ tiếp cận và bao phủ tại 5-10% số huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp dưới 90%, các địa phương này cần có sự hỗ trợ và đầu tư về kỹ thuật, kinh phí cho các hoạt động bao gồm tập huấn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch chi tiết, nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế thôn bản, truyền thông huy động cộng đồng... Do đó, hiện nay Dự án TCMR đang đề xuất các tổ chức quốc tế hỗ trợ các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để triển khai đồng bộ các hoạt động tăng cường tỷ lệ tiêm chủng trong giai đoạn từ 2017-2019.

Song song với đó, hàng năm các địa phương cũng cần rà soát lại để phát hiện các địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp, kịp thời hỗ trợ nhằm duy trì tỷ lệ tiêm chủng trên quy mô huyện. Đây là một trong những thách thức lớn, đòi hỏi sự đầu tư lớn, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và sự nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ y tế các tuyến.

Minh Hùng
Source: Theo báo nhân dân