Thống kê truy cập

Online : 3100
Đã truy cập : 150766346

Đảm bảo người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe

03/01/2024 07:58 Số lượt xem: 183

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình Dân số và phát triển mà ngành y tế đã và đang triển khai. Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 356/KH-UBND ngày 04/6/2021 về thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030. Đồng thời, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Hội người cao tuổi các cấp để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Trong năm 2023, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo toàn ngành Y tế tổ chức chiến dịch khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, lồng ghép với khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.Tính đến hết tháng 11/2023,  triển khai khám sức khỏe cho người cao tuổi đạt tỷ lệ 81,3% vượt mức chỉ tiêu kế hoạch giao (80%). Số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm tăng 27.587 người so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 01 khoa Lão khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện khám, chữa bệnh cho người cao tuổi và có 84 giường bệnh điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; toàn tỉnh có 29 nhân viên y tế được đào tạo chuyên khoa về điều trị, chăm sóc và tư vấn sức khoẻ về Lão khoa.

Đảm bảo người cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 1 lần 1 năm

Tỷ lệ người cao tuổi có bệnh mạn tính, không lây nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ người cao tuổi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế có chiều hướng gia tăng. Trong năm, toàn tỉnh có 163.488 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ do trạm y tế cấp xã tổ chức; 198.069 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Trong năm, 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền “Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam – 06/06”“Ngày Quốc tế người cao tuổi – 10/10”. Truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về quyền và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trực tiếp phụ trách công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi, phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện đăng tải các nội dung liên quan đến các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phổ biến kiến thức phòng chống bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mắt, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi;....trên hệ thống loa phát thanh, đài truyền hình, Báo Bắc Ninh, Cổng Thông tin điện tử Sở Y tế, Website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các đơn vị khác trong ngành. Đặc biệt, Sở Y tế cũng chú trọng thực hiện các hình thức tuyên truyền mới trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok…để tăng tính tương tác và khả năng truy cập. Bên cạnh đó, ngành cũng tổ chức truyền thông trực tiếp ở các tuyến huyện, tuyến xã. Cụ thể, đã tổ chức được 126 buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông tư vấn, hướng dẫn tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, rèn luyện thân thể, phòng bệnh.

Khám, tư vấn và truyền thông giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi

Song song với triển khai các hoạt động chuyên môn, Sở Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lồng ghép các bệnh không lây nhiễm, kiểm tra cập nhật phần mềm sức khỏe toàn dân về kết quả khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại 126 xã, phường, thị trấn.

Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, nhưng hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Các Trung tâm Y tế tuyến huyện triển khai khám cho người cao tuổi lồng ghép phát hiện sớm một số bệnh không lây nhiễm còn thiếu nhân lực là các bác sỹ chuyên khoa, thiếu trang thiết bị chẩn đoán sớm một số bệnh như Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, bệnh máu..do đó đều phải huy động từ các đơn vị tuyến tỉnh. Cùng với đó, việc vận động người cao tuổi tham gia khám sàng lọc tại cộng đồng ở một số địa phương, đặc biệt trên địa bàn thành phố, thị xã, vùng kinh tế phát triển còn gặp khó khăn do người cao tuổi ít tham gia.

Hoạt động lồng ghép khám sàng lọc bệnh không lây nhiễm được thực hiện ở người cao tuổi và nhóm tuổi 40-59. Do độ tuổi không đồng nhất, độ tuổi 40 – 59 lại đang trong độ tuổi lao động, sản xuất nên việc sàng lọc, thu thập mẫu phiếu và mời khám sàng lọc còn một số khó khăn, hạn chế; nhận thức về bệnh không lây nhiễm, nguy cơ mắc bệnh và cách phòng tránh ở một bộ phận người dân và người cao tuổi còn một số hạn chế. Công tác khám sàng lọc tại cộng đồng, tổ chức tại nhà văn hóa các thôn nên điều kiện cơ sở hạ tầng, các thiết bị hỗ trợ còn thiếu, mới thực hiện khám và phát hiện được một số bệnh thông thường; để phát hiện các bệnh thường gặp ở lão khoa, xương khớp, sức khỏe tâm thần…chủ yếu phải gửi lên tuyến bệnh viện chuyên khoa để khám và chẩn đoán. Tâm lý của một số người cao tuổi còn muốn khám bệnh hoặc điều trị ở tuyến ở tuyến trên; khám, quản lý, điều trị chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở chưa thực sự quan tâm tin tưởng.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lồng ghép với phòng chống các bệnh không lây nhiễm bằng nhiều hình thức; tuyên truyền, phổ biến các nội dung rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, nhất là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi để phòng tránh một số bệnh không lây nhiễm, mạn tính phổ biến tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã, phường, đặc biệt là truyền hình; tăng cường tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, zalo, Facebook, Youtube… truyền thông đa phương tiện. Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam, Ngày Quốc tế người cao tuổi, Tháng hành động người cao tuổi trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng các hình thức như băng zôn, khẩu hiệu, phát thanh trên loa xã, phường, thị trấn...

Tổ chức nói chuyện chuyên đề về chăm sóc người cao tuổi với Hội người cao tuổi, người nhà của người cao tuổi tại các xã, phường thị trấn nhằm nâng cao nhận thức, hành vi của người dân về quyền và nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, xóa bỏ định kiến về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các cơ sở tập trung. Ngành sẽ hướng dẫn người cao tuổi và người nhà cách tự chăm sóc sức khỏe tại nhà và cách phòng tránh, phát hiện sớm tai biến một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh viện đa khoa tỉnh duy trì khoa Lão khoa thần kinh và khu giường điều trị cho người cao tuổi; hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến huyện, xã. Lập danh sách đối tượng để quản lý mặt bệnh và phân tuyến tư vấn điều trị; phản hồi thông tin và danh sách điều trị về các Trung tâm Y tế và Trạm y tế để quản lý, theo dõi, tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định. Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi từ tỉnh đến xã theo số liệu khám, chữa bệnh tại các tuyến. Giám sát, hỗ trợ hoạt động khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người cao tuổi tại tuyến y tế cơ sở.

Nguyễn Oanh