Thống kê truy cập

Online : 3533
Đã truy cập : 151108270

Bài viết "Gương sáng ngành y": Góc khuất tâm hồn

06/01/2015 08:42 Số lượt xem: 164
Trong không gian tĩnh mịch của bệnh viện, thỉnh thoảng vang lên câu hát: “ …nay có thương nên em phải đi tìm, mai có nhớ người lại sang chơi…”. Lời hát cất lên sao cứ u uẩn, nặng nề. Những người bệnh tâm thần nhiều khi họ hát trong vô thức, như muốn xua tan sự chán chường của những người bệnh mãn tính, nằm viện dài ngày. Người bệnh tâm thần không hẳn đáng sợ như nhiều người lầm tưởng, tùy theo thể bệnh mà mức độ bệnh nặng, nhẹ khác nhau. Không phải người bệnh nào cũng trong tình trạng kích động, đập phá, kêu khóc. Có nhiều người bệnh rất hiền lành, tình cảm và biết nghe lời.  Tuy nhiên, Người bệnh tâm thần nói chung thường không ý thức được bản thân trong hành vi, thái độ và lời nói của mình. Điều quan trọng tùy từng người bệnh mà người điều dưỡng bệnh viện tâm thần có cách tiếp cận, chăm sóc khác nhau cho phù hợp.
 Chăm sóc người bệnh tâm thần là một công việc không mấy dễ dàng, đòi hỏi sự mềm mỏng, kiên nhẫn và cả sự linh hoạt, kinh nghiệm ứng phó trong từng trường hợp cụ thể để có thể đạt được kết quả tốt nhất cho công tác chăm sóc và phục vụ người bệnh. Không có bệnh viện nào khi chăm sóc người bệnh người điều dưỡng phải dỗ dành, chiều chuộng hết mức để có thể đạt được kết quả chăm sóc tốt nhất cho người bệnh khi họ chống đối không hợp tác điều trị, chống đối không chịu uống thuốc, chống đối không chịu ăn…Bên cạnh đó,  những người bệnh ngấm thuốc do tác dụng phụ của thuốc thường khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày, không tự phục vụ được bản thân. Vì vậy người điều dưỡng thường kết hợp với gia đình để đảm nhận tất cả công việc chăm sóc, phục vụ người bệnh hàng ngày từ việc ăn, mặc, uống thuốc cho đến vệ sinh cá nhân.  Nhiều anh chị y tá, điều dưỡng của bệnh viện đã khẳng định : một điều rất khó khăn cho người điều dưỡng trong quá trình chăm sóc khi có rất nhiều gia đình người bệnh (đặc biệt những gia đình có người bệnh tâm thần phân liệt mãn tính hay tái phát bệnh phải nằm viện) đã bỏ mặc người bệnh, không ở lại chăm sóc. Điều này không những khó khăn cho người điều dưỡng trong quá trình chăm sóc mà còn dẫn đến trạng thái tâm lý không tốt cho chính những người bệnh nằm điều trị tại bệnh viện. Người bệnh cho rằng họ bị bỏ rơi, hắt hủi nên rơi vào tình trạng tiêu cực, chán chường, bất cần. Vì vậy một số người bệnh không hợp tác chăm sóc và điều trị đã trốn viện và tự tìm về nhà. Những trường hợp như vậy người điều dưỡng thường phải liên lạc với gia đình, rồi đi tìm người bệnh, nhiều khi lặn lội trong đêm và chỉ thực sự yên tâm khi đã đưa được người bệnh trở lại viện điều trị tiếp. Thậm chí, người điều dưỡng còn phải nghe những lời lăng mạ của những người bệnh trong trạng thái kích động, hưng phấn thậm chí nhiều khi còn bị người bệnh tấn công. Có những người bệnh tâm thần tư duy thường lai rai, nói nhiều, lặp đi lặp lại một sự việc không đầu không cuối, trong trường hợp như vậy người điều dưỡng thường cũng phải đứng lại để nghe rồi lựa một cách ứng xử thích hợp nhất để tránh cho người bệnh mặc cảm không có ai nghe họ nói. Hoặc có những trường hợp lại chỉ có kích động, không chỉ có kêu khóc của người bệnh…cần sự kiên nhẫn, vất vả của người điều dưỡng. Tuy nhiên, những người điều dưỡng cũng quen và thích nghi với công việc chăm sóc, phục vụ người bệnh của chuyên khoa mang tính chất đặc thù, riêng biệt này.
Là người đã và đang thực hiện công việc này, chúng tôi hiểu rằng, đằng sau những điều đó là tình cảm, sự gắn bó giữa thầy thuốc và người bệnh. Là cuộc sống đầy ân tình, trầm mặc giữa thầy thuốc với người bệnh, giữa người bệnh với nhau. Người bệnh tâm thần không hoàn toàn vô cảm, họ cũng có những niềm vui, nỗi buồn, họ cũng có cả những trăn trở và ước mơ…mà chỉ có người thầy thuốc bệnh viện tâm thần mới biết và hiểu được. Những người bệnh tâm thần đại đa số có hoàn cảnh rất giống nhau: túng thiếu. Dường như số phận luôn không ưu đãi với những con người khốn khổ. Trong cái vòng luẩn quẩn của nhu cầu mưu sinh, người bệnh đã biết dựa vào nhau, chia sẻ với nhau những vui buồn, nhọc nhằn trong cuộc sống bình dị hàng ngày. Người điều dưỡng giúp đỡ họ không chỉ trong chăm sóc hàng ngày mà còn truyền cho họ niềm vui sống, niềm tin vào chính mình, giúp họ nhanh ổn định bệnh và trở về với cuộc sống thường ngày. Đó là CÁI TÌNH, là liệu pháp tâm lý mà không phải ai cũng làm được. Bởi lẽ trong những bộn bề, lo toan của cuộc sống còn biết bao thiếu thốn đầy thực dụng, không hẳn ai cũng để tâm và có sự chia sẻ, đồng cảm với những tâm tư của người bệnh, nhất là người bệnh tâm thần. Tính chất công việc đã rèn cho người điều dưỡng bản tính hiền hòa, mềm mỏng, biết chia sẻ và biết chấp nhận những sự xúc phạm đáng được cảm thông của người bệnh.
Nhưng đôi khi người điều dưỡng đã âm thầm giấu đi, để rồi họ lại bắt đầu một ngày mới trong vui vẻ, cần mẫn, lặng lẽ với công việc bình dị hàng ngày vì sự nghiệp chăm sóc và phục vụ người bệnh./.
Nguyễn Yên Hà
Bệnh viện tâm thần Bắc Ninh.
Sở Y Tế
Nguồn: BBN