Thống kê truy cập

Online : 3225
Đã truy cập : 151113801

Bộ Y tế sẵn sàng chuyển giao nếu BHXH Việt Nam đảm đương việc đấu thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế

22/09/2022 08:49 Số lượt xem: 465

"Nên chăng BHXH Việt Nam cùng tham gia đấu thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế thì quá tốt. Điều này sẽ giảm được gánh nặng cho Bộ Y tế. Bộ Y tế cho rằng nếu BHXH Việt Nam đảm đương được việc này, Bộ Y tế rất sẵn sàng chuyển giao", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị thêm.

Tiếp thu 900 kiến nghị, đề xuất của Bộ Y tế

Tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 9/2022 của UBTVQH để cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc của ngành y tế trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế cũng như tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Luật Đấu thầu hiện tại có nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Luật có quy định việc mua sắm, đấu thầu trong trường hợp đặc biệt, cấp bách nhưng chưa quy định cụ thể.

Bên cạnh đó, Luật chưa có quy định việc mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế với thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế; Trong lĩnh vực y tế, các gói thầu có quy mô nhỏ như xử lý nước thải y tế, nguy hại, mua thuốc vật chất, vật tư y tế… không thể xác định trước được số lượng do hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình thực tế, số bệnh nhân đến khám. Chính vì vậy không thể áp dụng hợp đồng trọn gói.

'Bộ Y tế sẵn sàng chuyển giao nếu BHXH Việt Nam đảm đương việc đấu thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế' - Ảnh 2.

Toàn cảnh Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh, hệ thống văn bản hướng dẫn về mua sắm thường xuyên chưa được ban hành đầy đủ. Các khái niệm theo Luật Ngân sách, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công và Luật Đấu thầu chưa thống nhất như dự toán chi, dự toán mua sắm, thẩm quyền... Điều này dẫn tới việc áp dụng, vận dụng gặp nhiều khó khăn…

Bên cạnh đó, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP về mặt lâu dài đấu thầu, đàm phán giá để lựa chọn đơn vị trúng thầu nên chỉ có 1 hoặc 1 số ít đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc, vật tư trong thời gian từ 1-3 năm cho các cơ sở y tế. Từ nguyên nhân đó dẫn đến tình trạng chỉ có một số đơn vị trúng thầu cung ứng, các đơn vị không trúng thầu sẽ không nhập hoặc sản xuất nên có thể dẫn đến tính độc quyền, mất đi tính cạnh tranh…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, sửa đổi Luật lần này quy định cân đối nguồn thu dịch vụ, nguồn thu từ hiệu thuốc, vaccine dịch vụ không do nhà nước chi trả, BHYT thanh toán… lý do liên quan đến tự chủ của các đơn vị.

'Bộ Y tế sẵn sàng chuyển giao nếu BHXH Việt Nam đảm đương việc đấu thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế' - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

"Một điểm nữa là mua sắm trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt phục vụ phòng, chống dịch bệnh vượt quá nội dung về mua sắm, phòng chống dịch đang được nêu trong Nghị quyết số 79-NQ-CP; Đề nghị bổ sung hình thức mua sắm qua các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế; Sửa đổi quy định mua sắm tập trung theo hướng cho phép các hình thức khác…", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thông tin thêm: "Đến nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan soạn thảo dự án Luật đã cơ bản tiếp thu, bổ sung khoảng 900 các kiến nghị, đề xuất của Bộ Y tế. Trong đó có một số nội dung lớn, đang vướng mắc, không dám thực hiện mua sắm; Dự thảo Luật đã làm rõ hơn trường hợp mua thuốc cấp cứu, mua thuốc, sinh phẩm…".

Nguyên nhân nào dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế?

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã lý giải về nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế mà các ý kiến các thành viên UBTVQH nêu. Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, có tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả khách quan và chủ quan.

Sau dịch COVID-19, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng vọt (nhiều đơn vị thống kê so với cùng kỳ tăng từ 40-60%) khiến dự trù về thuốc, vật tư y tế không sát, vượt nhu cầu so với thực tế. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn ra trên toàn cầu đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. 

Bên cạnh đó, một nguyên nhân được Thứ trưởng nêu ra đó là: "Đâu đó có tâm lý e dè của một số đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị".

'Bộ Y tế sẵn sàng chuyển giao nếu BHXH Việt Nam đảm đương việc đấu thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế' - Ảnh 4.

Đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Nguyên nhân cuối cùng được Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nêu ra đó là do một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua quá tập trung vào công tác phòng chống dịch, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia ít người mà việc thì nhiều.

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế, cụ thể là Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã giải quyết được được 86/106 loại thuốc thầu tập trung. Với thuốc biệt dược đã đàm phán được 19/65 loại, còn lại những thuốc khác trong thời gian tới sẽ hoàn thiện.

Bộ Y tế cũng dự kiến chỉnh sửa Thông tư 15, theo đó phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho cấp dưới. Các danh mục thuộc dự kiến cũng được thu nhỏ lại, thay vì 106 loại thuốc sẽ chỉ tập trung vài chục loại sẽ khả thi hơn.

"Nên chăng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng tham gia đấu thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế thì quá tốt. Điều này sẽ giảm được gánh nặng cho Bộ Y tế. Bộ Y tế cho rằng nếu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đảm đương được việc này, Bộ Y tế rất sẵn sàng chuyển giao", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị thêm.

Nguồn: SKĐS