Thống kê truy cập

Online : 3941
Đã truy cập : 150744098

Cẩn trọng trước nguy cơ bùng phát bệnh sởi, ho gà và các bệnh truyền nhiễm khác

04/04/2024 08:41 Số lượt xem: 175

Hiện nay, miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết giao mùa xuân - hè, mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bên cạnh đó, thời gian qua, việc cung ứng các vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bị gián đoạn, ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin trên toàn quốc; nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin.

Năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 35 ca sốt phát ban nghi sởi/rubella. Trong đó 02/35 ca được chẩn đoán xác định dương tính với Sởi (1 ca trẻ 2 tuổi đã tiêm phòng 2 mũi vắc xin Sởi và 1 ca trẻ 10 tháng tuổi chưa được tiêm phòng vắc xin Sởi); 7/35 ca được chẩn đoán xác định dương tính với Rubella (4 ca đã tiêm phòng đủ 1 mũi vắc xin sởi và 1 mũi vắc xin Sởi – Rubella, 1 ca chưa tiêm phòng vắc xin, 2 ca chưa rõ tiền sử tiêm chủng). Năm 2023, toàn tỉnh không ghi nhận ca mắc ho gà nào. Tuy nhiên, đầu năm 2024, Bắc Ninh cũng ghi nhận 01 trường hợp mắc ho gà (tại thôn Lũng Giang - thị trấn Lim – huyện Tiên Du) và 1 ca sốt phát ban nghi Sởi/Rubella (tại khu phố Ngọc Trì – phường Trạm Lộ - TX Thuận Thành). Riêng với trường hợp mắc ho gà, ca bệnh chỉ mới sinh được 1 tháng và chưa được tiêm mũi vắc xin phòng bệnh ho gà nào.

Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Từ – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, dịch bệnh truyền nhiễm thường tăng cao và bùng phát theo chu kì, giai đoạn chuyển mùa là lúc thời tiết có những thay đổi bất thường khiến các virus, vi khuẩn và các vật trung gian truyền bệnh (chủ yếu là muỗi) phát triển. Vì vậy, giai đoạn này sẽ ghi nhận số ca mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn bình thường. Từ khoảng giữa năm 2023, việc cung ứng vắc xin trong chương trình TCMR từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho các tỉnh, thành phố bị gián đoạn. Bắc Ninh cũng không ngoại lệ. Kết quả tiêm chủng các loại vắc xin trong TCMR năm 2023, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi chỉ đạt 92.6% (chỉ tiêu kế hoạch là trên 98%); tỉ lệ tiêm vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) mũi 4 nhắc lại cho trẻ 18 tháng cũng chỉ đạt 75.5% (trong khi chỉ tiêu kế hoạch giao là trên 95%).

Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất được khuyến cáo hiện nay. (Ảnh: Trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 (phòng bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib) tại Trạm Y tế xã Yên Phụ, huyện Yên Phong)

Thực tế, do nhận thức về việc phòng bệnh ngày càng cao, nên trong khoảng thời gian gián đoạn vắc xin TCMR, phần lớn người dân đã tự bỏ tiền đưa con em đi tiêm vắc xin dịch vụ để trẻ được đảm bảo miễn dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận gia đình do điều kiện kinh tế hoặc không có đầy đủ kiến thức nên trẻ vẫn bị nhỡ mũi tiêm. Trước thực trạng tình hình vi khuẩn, vi rút ngày càng phức tạp; bộ phận trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin cũng chính là yếu tố nguy cơ khiến các bệnh dịch gia tăng.

Trước đó các chuyên gia y tế đã cảnh báo, năm 2024 có thể bùng phát một số dịch bệnh như sởi, ho gà, thủy đậu...do tỉ lệ tiêm chủng giảm. 2024 cũng là năm nằm trong chu kì 4 – 5 năm bùng phát của dịch sởi. Bên cạnh bệnh sởi, thời gian qua tại miền Bắc cũng ghi nhận rải rác các ca bệnh mắc ho gà, thủy đậu. Trong đó, dịch thủy đậu đang lây lan ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái... khiến hàng trăm ca mắc, đã có 1 trường hợp tử vong. Cả nước cũng ghi nhận hơn 70 ca mắc ho gà, các địa phương có số mắc cao như Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Ngay tại Hà Nội cũng phát hiện gần 20 ca mắc ho gà, cao gấp nhiều lần so với năm 2023, các ca bệnh chủ yếu ở đối tượng chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đầy đủ số mũi vắc xin phòng bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch sởi, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc xin tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời, tăng cường rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vắc xin, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vắc xin phòng bệnh. Truyền thông, khuyến cáo để người thuộc đối tượng tiêm chủng thực hiện tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả. Cùng với vận động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, ngành y tế cũng khuyến khích việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai để đảm bảo miễn dịch truyền từ mẹ sang con.

Ngành Y tế cũng phối hợp với ngành giáo dục, hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

Theo khuyến cáo, việc tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn là một trong các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Đồng thời, người dân cần chủ động tìm hiểu, theo dõi và tham khảo ý kiến của cơ quan y tế để đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Với những bệnh chưa có vắc xin, người dân cần thực hiện nếp sống vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, che mũi, miệng khi hắt hơi... Khi thấy trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt, ho nhiều, nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh, khó thở...cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, cách ly và điều trị kịp thời.

Văn Cường