Thống kê truy cập

Online : 2982
Đã truy cập : 151101774

Chăm lo dinh dưỡng những năm đầu đời

17/10/2022 15:21 Số lượt xem: 199

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Nhiều năm qua, công tác chăm lo dinh dưỡng những năm đầu đời cho trẻ để mang đến sự phát triển tốt hơn và tốt nhất cho thế hệ tương lai không chỉ là mục tiêu hướng đến mà còn được thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Theo số liệu cân đo tại cộng đồng trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân trên địa bàn tỉnh ở mức 6,9%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dao động từ 12,4% đến 15,1%, thấp hơn số liệu điều tra 30 cụm của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Giai đoạn này, tỷ lệ trẻ em từ 6-36 tháng được uống bổ sung Vitamin A liều cao 2 lần/ năm duy trì đạt mức trên 99%; số bà mẹ sau sinh 1 tháng được uống bổ sung Vitamin A liều cao đạt tỷ lệ 85%.
Năm 2021, do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, các hoạt động tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A và cân đo trên địa bàn tỉnh phải hoãn lại, công tác điều tra, giám sát tình trạng dinh dưỡng bà mẹ và trẻ dưới 5 tuổi (Điều tra 30 cụm) không tiến hành được nên không có số liệu đánh giá.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi giảm còn 5,7%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi giảm còn 11,6%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể gầy còm còn 3,5%. Năm nay, ngành Y tế triển khai 2 đợt bổ sung Vitamin A liều cao, 1 chiến dịch cân đo, theo dõi tăng trưởng cho trẻ dưới 5 tuổi, hằng tháng hướng dẫn các trạm y tế tổ chức cân đo trẻ bị suy dinh dưỡng, bổ sung Vitamin A cho phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng được lồng ghép với hoạt động tiêm chủng mở rộng. Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức khám, tư vấn dinh dưỡng miễn phí cho 556 lượt khách hàng đến Phòng khám, tư vấn dinh dưỡng của đơn vị; lồng ghép hoạt động khám, tư vấn dinh dưỡng với hoạt động khám, tư vấn tiêm chủng và khám chữa bệnh tại đây.

Để đạt được những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều giải pháp được triển khai thực hiện, trong đó phải nhắc đến giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức quản lý, như: Triển khai các hoạt động nhằm thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng trẻ em, Kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, Kế hoạch hành động Quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Bắc Ninh giai đoạn đến năm 2025, Chương trình sức khỏe Việt Nam tỉnh Bắc Ninh; tăng cường công tác kiểm tra giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện việc sản xuất kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú; đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi là một chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương…

Song song với đó là các giải pháp về chính sách như: Tham mưu ban hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, quy định về dinh dưỡng và thực phẩm; quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; tăng cường vi chất vào thực phẩm; chính sách nghỉ thai sản hợp lý, khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ dinh dưỡng học đường trước hết là lứa tuổi mầm non, tuổi tiền dậy thì và dậy thì, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và cung ứng các sản phẩm dinh dưỡng đặc thù hỗ trợ đặc biệt là phụ nữ có thai, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ em dưới 5 tuổi…

Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” năm 2022 có chủ đề “Thực hiện dinh dưỡng hợp lý vì một Việt Nam khỏe mạnh, phát triển toàn diện” với các thông điệp:
- Sử dụng đa dạng, phối hợp các loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn các loại thực phẩm theo mùa sẵn có tại địa phương.
- Tăng cường tiêu thụ các loại rau, củ, trái cây; các thực phẩm giàu chất xơ, giàu vi chất dinh dưỡng.
- Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều đường ngọt, muối, chất béo; tăng cường hoạt động thể lực phù hợp với lứa tuổi để góp phần phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
- Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ tối ưu trong 1.000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển toàn diện cả tầm vóc và trí tuệ.
- Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; đọc kỹ nhãn mác và các thông tin dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm trước khi mua và sử dụng.

Về hoạt động chuyên môn, ngành Y tế nỗ lực triển khai toàn diện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng cho 1.000 ngày đầu đời bao gồm: Thực hiện chăm sóc sức khỏe và bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; định kỳ theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ. Xây dựng, hướng dẫn dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng và địa bàn; xác định nhóm đối tượng ưu tiên và khu vực cần được can thiệp dựa theo các tiêu chí về suy dinh dưỡng thấp còi, tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngành cũng có hướng dẫn tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em ăn bán trú trong các nhà trẻ; có các quy định để hạn chế tiếp cận với các sản phẩm thực phẩm không có lợi cho sức khỏe học sinh; hướng dẫn thực hành chăm sóc dinh dưỡng tại cộng đồng, các cơ sở y tế và các cơ sở giáo dục mầm non; lồng ghép các hoạt động dinh dưỡng với các hoạt động, chương trình khác như: Chương trình sức khỏe Việt Nam, phòng, chống bệnh mạn tính, tiêm chủng mở rộng, phòng chống giun sán, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông giáo dục sức khỏe, y tế học đường...

Theo bác sĩ Dương Viết Hải, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 1.000 ngày đầu tiên kể từ khi người mẹ mang thai cho đến sinh nhật lần thứ 2 của trẻ được coi là cơ hội đặc biệt để ngăn ngừa tình trạng cũng như hậu quả của suy dinh dưỡng, đầu tư dinh dưỡng trong giai đoạn này là sự đầu tư tốt nhất cho sự phát triển cả cuộc đời của trẻ . Việc cải thiện dinh dưỡng cộng đồng cần được bắt đầu từ việc thay đổi từ những thói quen đơn giản. Hiện nay, các gia đình, phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú có thể tham khảo thực đơn cân bằng dinh dưỡng được Bộ Y tế ban hành trên website: https://dinhduongmevabe.com.vn. Có thể nói, đây là công cụ hữu ích cho cả cán bộ y tế và người dân trong thực hành dinh dưỡng đối với bà mẹ mang thai, cho con bú và trẻ em đến 60 tháng tuổi toàn diện.

Nguyễn Oanh