Thống kê truy cập

Online : 2690
Đã truy cập : 151101305

Chăm sóc sức khỏe toàn dân: Cần sự chung tay của toàn xã hội

20/02/2019 14:39 Số lượt xem: 88
Năm 2018, ngành y tế bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như giảm tải cho bệnh viện, song đây được xác định là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi toàn ngành y tế phải nỗ lực thực hiện song cũng cần có sự chung tay của toàn xã hội.

“Chúng tôi nhàn hơn”

Chỉ vào những chiếc máy tính được đặt ngay ngắn trên bàn làm việc có kết nối mạng internet, Trưởng trạm y tế xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh Dương Thị Kim Soa hồ hởi: “Chưa bao giờ chúng tôi thấy công việc được thuận lợi như bây giờ”. Thuận lợi là bởi, việc tiếp cận, trang bị kiến thức đối với cán bộ, nhân viên y tế ở xã bán sơn địa này giờ đây dễ dàng hơn thông qua những chiếc máy tính. Song, còn có một ích lợi khác từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với BHYT đã được Trạm y tế xã triển khai từ tháng 3 vừa qua.

Thăm khám cho bệnh nhân tại trạm y tế. Ảnh: TM

Thăm khám cho bệnh nhân tại trạm y tế. Ảnh: TM

Chị Soa cho hay, hiện Trạm y tế Cẩm Minh đã khởi tạo được 85% hồ sơ sức khỏe và khám sàng lọc ban đầu cho khoảng 75% trong tổng số 4.612 nhân khẩu trong toàn xã. Tất cả những thông số về chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim, tiền sử bệnh tật của bản thân họ và gia đình, số lần đi khám chữa bệnh... đều được cập nhật lên hệ thống điện tử. Do vậy, khi có người đến khám, cán bộ y tế xã chỉ cần nhập họ tên người đó là sẽ ra tất cả những thông số sức khỏe, từ đó có hướng tư vấn, điều trị phù hợp thay vì phải mất thời gian hỏi han người bệnh như trước. Việc cắt đi một khâu thủ tục hỏi han tiền sử bệnh tật của người dân và gia đình họ “khiến chúng tôi cảm thấy nhàn hơn trước, việc tư vấn cho người dân cũng thuận lợi hơn do đã có thông tin sức khỏe cụ thể”, chị Soa bày tỏ.

Không chỉ riêng ở Cẩm Minh mà toàn tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tiến hành tạo lập hồ sơ sức khỏe cho người dân với khoảng 800.000 người, chiếm trên 60% tổng dân số. Mục tiêu trong năm nay, con số này sẽ nâng lên 85%. Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu nhìn nhận, có 3 lợi ích căn bản từ việc làm này. Thứ nhất, về phía Sở Y tế nắm được tình hình sức khỏe của các nhóm đối tượng dân số, từ đó có kế hoạch cụ thể trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn. Thứ hai, hệ thống y tế cơ sở nắm được các yếu tố nguy cơ của cộng đồng, trên cơ sở đó có hoạt động chăm sóc, tư vấn nâng cao sức khỏe tốt hơn. Thứ ba, về phía người dân được thiết lập hệ thống theo dõi sức khỏe của mình. “Ngoài phần mềm thiết lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, Sở Y tế cũng đã triển khai phần mềm chữa bệnh, phần mềm tiêm chủng và kết nối với nhau. Điều này góp phần giúp ngành y tế thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân tốt hơn”, Giám đốc Lê Ngọc Châu nói.

 

Điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

Sẽ dành 30% tổng chi y tế cho chăm sóc sức khỏe ban đầu

Trên thực tế, mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân được thế giới đánh giá là nhân tố quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh, thực hiện dự phòng bệnh dịch, nâng cao sức khỏe và bảo đảm điều trị tại cơ sở, song ở Việt Nam hiện nay, công tác này đang gặp nhiều khó khăn. Bằng chứng là hiện cả nước có khoảng 11.400 trạm y tế cấp xã - vốn là những “cánh tay nối dài” của ngành y tế nhưng chưa được tận dụng triệt để nhằm góp phần chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu cho nhân dân, do những khó khăn về tài chính, cung ứng dịch vụ…

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe toàn dân, thời gian qua, bên cạnh việc thiết lập hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo bộ tiêu chí chuẩn quốc tế, xây dựng môi trường bệnh viện xanh sạch đẹp thân thiện, cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh, ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến ngang tầm quốc tế để dự phòng, chẩn đoán và điều trị... Trong đó, giải pháp then chốt là toàn ngành đã tập trung đổi mới cơ chế tài chính, đưa giá dịch vụ về giá trị thực gắn với lộ trình BHYT toàn dân vận hành theo đúng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy vậy, “việc thực hiện chính sách và kết quả thu được chủ yếu dành cho những người dân đã bị mắc bệnh, còn đại bộ phận người dân chưa mắc bệnh cần phải có những chính sách và giải pháp hiệu quả hơn để bảo đảm nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”. Theo đó, mọi người dân từ miền núi, vùng sâu, vùng xa đều được bảo vệ, chăm sóc, quản lý, theo dõi và khám sức khỏe định kỳ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Nhằm hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, ngành y tế sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ cụ thể. Thứ nhất, tăng số trạm y tế xã thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm lên 75% cuối năm 2019, 95% năm 2025, 100% năm 2030 (hiện tại tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp được quản lý tại cơ sở y tế chỉ có 13,6%, tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế là 28,9%). Thứ hai, mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế từ 86,4% năm 2017 lên 88,5% vào cuối năm 2018, tăng nguồn tài chính công cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thứ ba, huy động nguồn lực từ thuế đối với hàng hóa có hại đối với sức khỏe: thuốc lá và rượu; tăng ngân sách công, đặc biệt là quỹ BHYT để phân bổ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới mục tiêu chiếm 30% trong tổng chi tiêu cho y tế.

Rõ ràng, để bảo đảm chăm sóc sức khỏe toàn dân vốn được chính lãnh đạo ngành y tế thừa nhận “rất nặng nề”, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa thực hiện các giải pháp đề ra. Song, nói theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2018) với chủ đề Tăng cường y tế cơ sở - Hướng tới bao phủ sức khỏe toàn dân, “việc phát triển y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là nhiệm vụ hết sức nặng nề và quan trọng, đòi hỏi sự quyết tâm cao nhất của ngành y tế cũng như sự hỗ trợ vào cuộc của cả hệ thống chính trị”. Nói cách khác, hơn lúc nào, ngành y tế cần được “tiếp lửa” từ cả cộng đồng. Chỉ khi đó, mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trong chăm sóc y tế, hướng tới phát triển bền vững mới trở thành hiện thực.

Theo Bộ Y tế, hiện nước ta mới đáp ứng được 73% nhu cầu y tế của người dân liên quan đến các dịch vụ y tế thiết yếu. Tuy nhiên, khoảng 19% hộ gia đình báo cáo chi tiêu nhiều hơn 10% thu nhập của họ cho các dịch vụ y tế - mức mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là khó khăn tài chính không hợp lý.
Lê Hồng