Thống kê truy cập

Online : 3044
Đã truy cập : 150766282

Chú trọng trong việc quản lý, điều trị bệnh nhân tiểu đường tại trạm Y tế

13/11/2023 13:55 Số lượt xem: 381

Bà Hoàng Thị Mai, 75 tuổi ở khu 2, phường Vệ An (thành phố Bắc Ninh) bị cao huyết áp đã gần 10 năm, cách đây 3 năm, bà lại phát hiện mắc tiểu đường (đái tháo đường), ban đầu điều trị, quản lý ngoại trú tại Trung tâm Y tế thành phố. Từ khi Trạm Y tế phường Vệ An điều trị bệnh nhân đái tháo đường, bà Mai được giới thiệu về đây thăm khám, lấy thuốc định kỳ.

Trung tâm Y tế thành phố hiện quản lý gần 4,7 nghìn bệnh nhân đái tháo đường, trong đó hơn 95% số bệnh nhân được điều trị thường xuyên (cấp thuốc hằng tháng), gần 86% bệnh nhân điều trị đường huyết đạt mục tiêu. Riêng trong tháng 10-2023, hơn 13,1 nghìn người được khám sàng lọc, 20 bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện mới và quản lý ngoại trú tại trạm y tế, nâng tổng số bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại tuyến xã lên gần 490 bệnh nhân. Hiện tại, 100% trạm y tế thực hiện điều trị đái tháo đường và đều đánh giá đường huyết đạt mục tiêu.

Bà Mai cho biết: Việc khám, điều trị và quản lý bệnh tại trạm giúp bà thuận lợi hơn trong việc di chuyển, không phải chờ đợi và được bác sĩ tư vấn kỹ càng về chế độ sinh hoạt, ăn uống. Đó cũng là những lợi ích mà 17 bệnh nhân đái tháo đường đang được quản lý, điều trị tại Trạm Y tế phường Vệ An được thụ hưởng. Bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Vệ An cho biết: Từ giữa năm 2022, trạm bắt đầu điều trị bệnh nhân đái tháo đường với chưa đến 10 bệnh nhân có sức khoẻ ổn định được chuyển về từ Trung tâm Y tế thành phố, hiện số bệnh nhân tăng lên gấp đôi. Hầu hết các bệnh nhân đều có kèm theo các bệnh kết hợp như: Tăng huyết áp, tim mạch, xương khớp… Đến khám tại trạm, các bệnh nhân đều được xét nghiệm đường huyết mao mạch, đo huyết áp, khám hỏi bệnh, những trường hợp có chỉ số đường huyết tăng cao mới chuyển tuyến trên theo dõi, điều trị.

Bệnh nhân đái tháo đường được test đường huyết mao mạch tại Trạm Y tế phường Vệ An.

Năm 2022, công tác khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng được Trung tâm Y tế thành phố triển khai lồng ghép. Năm nay, chương trình này được chia làm 2 nhóm đối tượng theo độ tuổi: Trên 60 tuổi và từ 40 đến 59 tuổi. Số liệu tổng hợp đến hết tháng 10-2023, các địa phương của thành phố Bắc Ninh đã tổ chức khám sàng lọc cho gần 21 nghìn người từ 60 tuổi trở lên, đạt gần 77% mục tiêu đề ra. Kết quả khám sàng lọc tại cộng đồng cũng cho thấy, tăng huyết áp và tim mạch, đái tháo đường là các bệnh không lây nhiễm phổ biến có nguy cơ mắc cao hơn các mặt bệnh khác với hơn 807 người có nguy cơ mắc tăng huyết áp và tim mạch, 470 người có nguy cơ mắc đái tháo đường.

Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khoẻ tâm thần trên địa bàn thành phố Bắc Ninh năm 2023 được triển khai rộng rãi nhằm tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị và hạn chế tỷ lệ người tiền mắc bệnh, mắc bệnh tại cộng đồng làm giảm tỷ lệ tàn tật và tử vong do mắc các bệnh không lây nhiễm, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Một trong những mục tiêu cụ thể của kế hoạch này là tăng tỉ lệ phát hiện, quản lý điều trị, chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm. Nằm trong kế hoạch, chương trình sàng lọc, phát hiện, quản lý điều trị đái tháo đường, tiền đái tháo đường cho người dân từ 40-59 tuổi đang được triển khai thực hiện phấn đấu ít nhất 50% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường; ít nhất 85% người mắc đái tháo đường được phát hiện và 70% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn; 50% người tiền đái tháo đường được phát hiện và 50% số phát hiện được can thiệp dự phòng, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Ninh đã và đang triển khai sàng lọc chủ động để phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm phổ biến tại cộng đồng đến hộ gia đình.

Hiện nay, độ tuổi mắc các bệnh không lây nhiễm nói chung, đái tháo đường nói riêng có xu hướng trẻ hoá, việc chủ động khai thác thông tin, sàng lọc cho người dân ở độ tuổi từ 40 đến 59 có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường tiếp cận và quản lý các bệnh không lây nhiễm từ cơ sở; với người dân, điều này sẽ giúp họ được sớm tiếp cận với các thông tin, kiến thức y tế. Tuy nhiên, hiệu quả của chương trình phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan tâm của chính quyền các phường cũng như ý thức, nhận thức của người dân vì kinh nghiệm triển khai các hoạt động y tế cộng đồng đã chứng minh điều này.

Một trong những khó khăn khi khai thác thông tin nguy cơ bệnh không lây nhiễm đến hộ gia đình là có tình trạng một bộ phận người dân điền chưa chính xác. Điều này sẽ dễ dàng dẫn đến việc bỏ sót đối tượng nguy cơ cao trong cộng đồng. Vì vậy, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về các bệnh không lây nhiễm, trong đó có đái tháo đường cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Thanh Thương