Thống kê truy cập

Online : 4191
Đã truy cập : 150807073

Chuyện kể của những người đi “săn” muỗi

15/09/2023 08:08 Số lượt xem: 141

Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh năm nay đến sớm dù chưa được xác định vào đỉnh. Trong số 7 ổ dịch đang hoạt động, riêng ổ dịch khu khố Dương Lôi, phường Tân Hồng (thành phố Từ Sơn) đã hoạt động hơn 60 ngày và chưa có dấu hiệu dừng với gần 300 ca mắc. Săn tìm muỗi/loăng quăng/bọ gậy từ ổ dịch, nhà có người mắc sốt xuất huyết và định loại để dự báo nguy cơ lây lan là một trong những công việc của cán bộ, nhân viên y tế chống dịch…

Sốt xuất huyết không phải dịch bệnh mới nổi và có tính chất quy luật chu kì. Bệnh rải rác quanh năm, song số ca thường tăng dần từ tháng 4 và lên đến đỉnh dịch vào khoảng tháng 10, 11. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, dịch sốt xuất huyết trong phạm vi cả nước đang có dấu hiệu “đảo chiều”, không theo quy luật chu kì 4-5 năm như trước. El Nino làm cho nền nhiệt độ cao, miền Bắc nắng nóng, mưa nhiều là một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến diễn biến dịch. Đó là lí do vì sao chỉ cần có nguồn bệnh thì rất dễ bùng phát dịch.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chiêu, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kí sinh trùng, côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Cho đến nay, năm 2017 là năm dịch sốt xuất huyết phức tạp nhất với khoảng 1.500 ca mắc/ nghi mắc, nhưng Dương Lôi mới là ổ dịch có nhiều ca mắc nhất. Hơn 1.500 ca mắc năm 2017 được ghi nhận rải rác ở các địa phương với khoảng 50 ổ dịch, nhưng năm nay, tính đến ngày 13-9, trong số gần 670 ca mắc ở 9 ổ dịch, trong đó 7 ổ dịch đang hoạt động, riêng ổ dịch khu phố Dương Lôi đã chiếm đến gần một nửa. Tuần 37 (từ ngày 7-9 đến 13-9) ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất kể từ đầu năm đến nay với 131 ca.

Tìm bọ gậy ở những nơi ít ai nghĩ đến.

Theo ông Chiêu, kinh nghiệm chống dịch nhiều năm cho thấy, dịch có dập được hay không, kết quả có bền vững hay không phụ thuộc vào ý thức của người dân. Tuy nhiên, ở khu phố Dương Lôi, tình trạng ổ dịch hoạt động kéo dài đến hơn 2 tháng và vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới dù địa phương rất tích cực do một bộ phận người dân chưa thực sự nâng cao ý thức. “Đến điều tra, giám sát trực tiếp tại ổ dịch, thi thoảng chúng tôi phải đón nhận ánh mắt cảnh giác và cảm giác khó chịu của người dân, đặc biệt là người già khi có người lạ vào lùng sục trong buồng nhà mình. Mặc dù có cán bộ địa phương dẫn đường, giới thiệu đầy đủ, song việc người lạ cứ vào nhà mình, tìm những góc kín nhất, khuất nhất vẫn khiến họ không thoải mái” - ông Chiêu kể.

Thông thường, để xác định loại véc-tơ truyền bệnh, cán bộ, nhân viên y tế phải điều tra, soi tìm muỗi/ loăng quăng/ bọ gậy để định loại, xác định nguy cơ lây truyền và thường thì ngay từ hiện trường đã có thể xác định được chủng loại véc-tơ truyền bệnh rồi. Trưởng khoa Nguyễn Văn Chiêu nhấn mạnh: “Cũng có một số ổ dịch không tìm được nguồn lây. Song việc tìm ra nguồn lây chỉ là ưu tiên số 2, điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề khoanh vùng để dập dịch. Để dập được dịch, ý thức của người dân có ý nghĩa quyết định”.

Chị Nguyễn Thị Hoàn, cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Từ Sơn thường xuyên đến giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết chia sẻ thêm, khu phố Dương Lôi có khoảng gần 900 hộ dân, trong gần 2 tháng vừa qua, các biện pháp chống dịch được triển khai liên tục, song hiệu quả chưa cao do ý thức của một số hộ gia đình, người dân chưa tốt. Chị Hoàn kể: “Đến mỗi gia đình, chúng tôi vừa truyền thông, trực tiếp dọn vệ sinh, hướng dẫn họ cách làm nhưng lần sau quay trở lại thì ở một số gia đình vẫn gần như không thay đổi”; “thường thì những gia đình nhiều đồ, bừa bộn sẽ nhiều muỗi, loăng quăng, bọ gậy, song một số gia đình gọn gàng cũng vẫn có muỗi và tìm được ổ bọ gậy. Không hẳn cứ phải chum to, vại lớn mới có bọ gậy mà đôi khi ở những ngóc ngách rất nhỏ, ít ai nghĩ đến vẫn có thể tìm được muỗi, bọ gậy như: Vỏ hộp sữa chua đã ăn hết kẹt trong khe nhỏ có nước mưa đọng lại, những túi ni lông treo trên cành cây, dù đọng ít nước cũng có thể là một ổ chứa bọ gậy”; “Tìm được loại muỗi truyền bệnh trong nhà, được đề nghị dọn vệ sinh và diệt muỗi, nhưng có người bày tỏ quan điểm “không giết muỗi” với suy nghĩ muỗi cũng là sinh linh”…

Việc phun hóa chất diệt được muỗi trưởng thành, nhưng để diệt loăng quăng, bọ gậy cần hủy bỏ môi trường thuận lợi cho muỗi đẻ trứng bằng cách vệ sinh thường xuyên. Hai việc này cần phải được làm đồng thời và liên tục thì mới thúc đẩy nhanh chóng việc chấm dứt hoạt động của ổ dịch.

Nguồn: BBN