Thống kê truy cập

Online : 3576
Đã truy cập : 150758949

Dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ điều trị hiệu quả ung thư dạ dày

19/06/2024 09:15 Số lượt xem: 24

Dạ dày là một trong những cơ quan quan trọng trong việc dự trữ, nghiền và tiêu hóa thức ăn. Mắc ung thư dạ dày, người bệnh sẽ phải cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn dạ dày chứa khối u. Do đó, thể tích dạ dày bị nhỏ hơn, phần môn vị cũng bị cắt đi và người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng liên quan đến vấn đề ăn uống. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng có vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ giúp nâng cao thể trạng mà còn tác động lớn đến hiệu quả điều trị bệnh.

Bệnh nhân Nguyễn Văn T. (ở phường Nghĩa Đạo, thị xã Thuận Thành) mới hơn 40 tuổi nhưng đã phát hiện ung thư dạ dày và phải phẫu thuật cắt bỏ ¾ thể tích dạ dày. Hiện anh bắt đầu bước vào đợt truyền hóa chất đầu tiên. Tuy nhiên, ngay từ khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh, việc ăn uống của anh đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Đến nay, với thể trạng không tốt, ăn uống cũng hạn chế nên việc truyền hóa chất khiến anh rất mệt mỏi. Anh T. chia sẻ: “Cảm giác chán ăn, nuốt không trôi, mệt mỏi, sút cân, thỉnh thoảng ăn lại bị đầy bụng rất khó chịu. Vì vậy tôi mới đi khám, không ngờ đã bị u ác, khối u lại to, phức tạp nên phải mời cả chuyên gia của Bệnh viện K Trung ương về phẫu thuật. Sau mổ, với thể trạng vốn đã kém, tâm lí lo lắng, hoang mang vì bị bệnh hiểm nghèo nên ăn uống vẫn không ngon. Truyền hóa chất mũi đầu tiên, thể trạng kém nên người rất mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, khó thở…”

Do thể trạng không tốt, việc ăn uống kém nên ngay trong đợt truyền hóa chất đầu tiên điều trị ung thư dạ dày, anh

T. rất mệt mỏi.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thành – Phó trưởng khoa Hóa trị liệu, Trung tâm Ung bướu, BVĐK tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện phẫu thuật và hóa trị là 2 phương pháp chính trong điều trị ung thư dạ dày. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật sẽ bị giảm thể tích dạ dày dẫn đến việc giảm hấp thu khiến bệnh nhân trong tình trạng dinh dưỡng kém, từ đó sẽ làm giảm hiệu quả điều trị sau này và tăng các tác dụng phụ của các phương pháp điều trị bổ trợ như truyền hóa chất. Với những bệnh nhân bị cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày sẽ làm giảm lượng thức ăn được đưa vào cơ thể, khiến bệnh nhân gặp phải một số hiện tượng như đầy hơi, chướng bụng và cảm giác ăn uống không được tiêu. Với những điều trị hóa chất trong ung thư dạ dày cũng sẽ có những tác dụng phụ đến việc ăn uống như buồn nôn, nôn, khô miệng và làm giảm hấp thu lượng thức ăn được đưa vào.

Nhờ tuân thủ tốt các chỉ định, tư vấn của bác sĩ về việc dùng thuốc và ăn uống nên đến nay, sức khỏe của ông L. đã cải thiện rất tốt

Không giống như anh T., bệnh nhân Nguyễn Văn L. 65 tuổi (ở phường Đồng Nguyên, TP Từ Sơn) phát hiện ung thư dạ dày cách đây 1 năm. Ông đã phẫu thuật cắt bỏ 2/3 dạ dày, việc ăn uống cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, điển hình là ăn nhanh no, khó tiêu. Nhưng nhờ thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ, đến nay ông đã chuẩn bị kết thúc đợt truyền hóa chất thứ 8 và việc bổ sung dinh dưỡng khá thuận lợi, sức khỏe cải thiện rõ rệt. Ông L. chia sẻ: “Mặc dù phát hiện mắc bệnh nhưng được gia đình và bác sĩ động viên, giải thích tận tình, chu đáo nên về cơ bản tinh thần tôi vẫn khá ổn định. Bản thân tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ, ngày ăn thành 6 – 7 bữa, ăn các đồ mềm, dễ tiêu hóa. Với các chất xơ hay đồ cứng đều phải chú ý nhai kĩ, ăn những đồ có nhiều dinh dưỡng như sữa, thịt, cá… Đến nay, ngoài việc lưu ý trong ăn uống thì mọi sinh hoạt, vận động của tôi đã cơ bản như người bình thường. Mỗi đợt truyền hóa chất cũng tự chủ động đi viện mà không phải phiền đến gia đình”.

Bệnh nhân ung thư dạ dày được cán bộ dinh dưỡng đến tại phòng bệnh tư vấn dinh dưỡng về chế độ ăn phù hợp để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

Bác sĩ Thành cũng cho biết thêm, thực tế trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân ung thư dạ dày tại Trung tâm ung bướu, những bệnh nhân ăn uống tốt, tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ cả về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống thì bệnh nhân sẽ tăng cân, thể trạng tốt hơn và quá trình điều trị cũng được diễn ra một cách tuần tự, không bị nhỡ đợt truyền hóa chất dẫn đến hiệu quả điều trị tăng lên, sức khỏe cải thiện và sớm khỏe mạnh. Còn với những bệnh nhân ăn uống kém, giá trị dinh dưỡng mà bệnh nhân đưa vào cơ thể không được đầy đủ thì khi chuẩn bị vào đợt truyền hóa chất, kiểm tra các chỉ số xét nghiệm không đạt yêu cầu thì bệnh nhân sẽ không đủ điều kiện để truyền hóa chất, bị nhỡ các đợt điều trị. Và việc bị nhỡ đợt điều trị chắc chắn cũng sẽ làm hiệu quả điều trị bệnh giảm đi, gia tăng các nguy cơ khiến tình trạng bệnh nặng lên.

Chế độ dinh dưỡng tốt hỗ trợ người bệnh ung thư dạ dày chữa lành vết thương và tái tạo lại các mô bị tổn thương sau phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc điều trị khác; quản lí các tác dụng phụ của điều trị; cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể và khả năng chống nhiễm trùng, tăng tốc độ phục hồi sau điều trị.  Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp tăng cường thể lực, sức đề kháng, bổ sung năng lượng cho người bệnh để tăng khả năng chống chọi với bệnh tật, theo đuổi được các phác đồ, liệu pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày.

Chia sẻ về lời khuyên trong việc bổ sung dinh dưỡng với bệnh nhân ung thư dạ dày, bác sĩ CKI Nguyễn Thị Ngọc Chí – Trưởng khoa Dinh dưỡng, BVĐK tỉnh Bắc Ninh cho biết, lưu ý quan trọng nhất với bệnh nhân ung thư dạ dày là phải ăn chia nhỏ nhiều bữa để tránh dạ dày bị căng tức. Khi ăn phải trong tư thế ngồi, ăn xong không được nằm luôn sẽ khiến bệnh nhân có nguy cơ bị trào ngược dạ dày. Thức ăn cho bệnh nhân ung thư dạ dày cũng phải lựa chọn loại có giá trị dinh dưỡng cao vì khi cắt dạ dày thì lượng thức ăn sẽ bị giảm đi, không thể ăn nhiều như người bình thường được. Vì vậy, kể cả sữa cũng nên chọn sữa cao năng lượng, ăn đa dạng các thực phẩm như thịt, cá, trứng…để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể. Dạ dày khi đã bị cắt thì chức năng co bóp cũng bị giảm bớt, nên khi ăn bệnh nhân phải nhai chậm, nhai kĩ để đảm bảo thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn.

Thực tế đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày phải cắt bỏ 2/3, thậm chí 4/5 dạ dày nhưng vẫn sống khỏe mạnh 10 – 15 năm với chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia là bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, bệnh nhân ung thư dạ dày cũng cần chuẩn bị tâm lí vững vàng để bổ sung dinh dưỡng, cải thiện thể trạng giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

Nguyễn Lương