Thống kê truy cập

Online : 3117
Đã truy cập : 151038628

Gắp thành công còi đồ chơi trong khí quản bé 2 tuổi

31/03/2023 14:18 Số lượt xem: 549

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh vừa gắp thành công dị vật là còi đồ chơi trong phế quản một bệnh nhi 29 tháng tuổi. Đáng chú ý, dị vật bằng nhựa, di động trong khí phế quản gây khó khăn khi chẩn đoán. Tuy nhiên, qua khai thác từ gia đình và thăm khám trực tiếp, nghe rõ có tiếng “bíp, bíp” mỗi khi bé ho hoặc thở nên bé được chỉ định nội soi phế quản giúp chẩn đoán và gắp dị vật. Quá trình gắp khá khó khăn do đường thở của bé rất nhỏ. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa kíp gây mê và nội soi, sau 1 giờ, dị vật đã được lấy ra thành công.

Anh Nguyễn Anh D. là bố của bệnh nhi Nguyễn Ngọc K.A (29 tháng tuổi) ở xã Minh Châu, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, gia đình có mua cho bé chiếc búa đồ chơi, khi đập búa phát ra tiếng kêu “bíp bíp”. Không may lúc chơi búa bị vỡ nên 2 chị em đã lấy được chiếc còi bíp của búa ra và thổi. Đang chơi thấy bé khóc rất to, ho sặc sụa, có tím tái, nhưng sau đó bé hô hấp lại được bình thường. Lo sợ bé nuốt phải chiếc còi nên gia đình ngay lập tức đưa bé đến viện vào 22 giờ ngày 28/3.

Mặc dù toàn trạng ổn định nhưng bé K.A vẫn được chỉ định vào khoa hồi sức tích cực theo dõi sát sao chờ nội soi phế quản chẩn đoán xác định vị trí và gắp dị vật

Qua thăm khám, trẻ thở đều, không có biểu hiện khó thở, phổi thông khí đều hai bên, bệnh nhi được chỉ định chụp X-quang lồng ngực và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực nhưng không xác định được vị trí dị vật. Do bé nhập viện ban đêm, toàn trạng ổn định, lại chưa xác định được chính xác vị trí của dị vật nên bé được chuyển vào khoa hồi sức tích cực theo dõi chờ nội soi vào ngày hôm sau.

Để gắp được dị vật, kíp nội soi phải xem xét và lựa chọn giữa nhiều phương án do đường thở của trẻ nhỏ hẹp hơn rất nhiều người lớn

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Chí Kiên – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi cho biết, trong trường hợp này, nếu bác sĩ chỉ căn cứ trên kết quả cận lâm sàng, đánh giá toàn trạng bệnh nhi ổn định mà bỏ qua, cho trẻ xuất viện về nhà hoặc cho nhập mà theo dõi không sát sẽ rất nguy hiểm. Các loại dị vật đường thở có khả năng di chuyển theo nhịp thở, đặc biệt khi trẻ có những cơn ho mạnh, dị vật bị bật mạnh lên mắc kẹt ở dây thanh âm sẽ khiến bé tắc đường thở bất cứ lúc nào. Nếu không được cấp cứu kịp thời bé có thể tử vong do ngừng thở hoặc để lại những di chứng nặng nề do thiếu oxy não. Chính vì vậy, bé K.A được chỉ định nhập viện vào khoa Hồi sức tích cực để có thể theo dõi sát tình trạng của bé và cấp cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Dị vật là chiếc còi bíp màu trắng hình trụ, kích thước 0.5 x 1.5cm bít kín lòng phế quản gốc phải

Sáng 29/3, bệnh nhi được thực hiện nội soi phế quản bằng ống mềm có gây mê để gắp dị vật. Là người trực tiếp nội soi cho bé, bác sĩ Nghiêm Đình Quân – khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Sản Nhi cho biết, nội soi hô hấp phục vụ chẩn đoán có thể thực hiện tương đối dễ dàng ở mọi lứa tuổi, nhưng việc nội soi can thiệp gắp dị vật với đối tượng trẻ nhỏ là điều không dễ dàng. Bởi đường thở của trẻ nhỏ hẹp hơn rất nhiều người lớn, để gắp được dị vật, kíp nội soi phải xem xét và lựa chọn giữa nhiều phương án. Sau 1 giờ đồng hồ, dị vật là chiếc còi bíp màu trắng hình trụ kích thước 0.5x1.5 cm bít kín lòng phế quản gốc phải đã được các bác sĩ dùng kìm gắp ra. Sau nội soi, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, không còn tiếng thở rít. Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi và điều trị giảm phù nề, chuẩn bị được xuất viện.

Bác sĩ Quân cũng khuyến cáo thêm, tình trạng mắc dị vật đường hô hấp thường xảy ra với trẻ nhỏ do trong quá trình chơi, bé hay có thói quen cho đồ chơi vào miệng. Nếu cười đùa, hò hét hay không chú ý, bé có thể nuốt dị vật vào đường thở hay đường tiêu hóa bất cứ khi nào. Vì vậy, các gia đình có trẻ nhỏ cần chú ý trong việc lựa chọn đồ chơi cho bé, tránh những đồ chơi quá nhỏ khiến bé có thể nuốt. Bên cạnh đó, cần chú ý quan tâm, để ý và nhắc nhở trẻ tránh đùa nghịch, hò hét khi ăn uống và chơi đồ chơi. Nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như ho sặc sụa, buồn nôn, khó thở, tím tái khi ăn uống hoặc chơi đùa, gia đình cần có biện pháp sơ cứu tại chỗ và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Nguyễn Hạnh