Thống kê truy cập

Online : 2873
Đã truy cập : 150726805

Gây mê nội khí quản khó thành công cho bệnh nhân có khối u vùng cổ chèn ép đường thở

31/05/2023 13:47 Số lượt xem: 241

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh phẫu thuật cắt bỏ khối u vùng cổ kích thước hơn 8cm cho một nam bệnh nhân bằng kỹ thuật gây mê nội khí quản khó. Kích thước khối u to và lâu năm gây biến dạng đường thở và gù vẹo cột sống khiến công tác gây mê cho phẫu thuật gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ gây mê đã phải phối hợp với bác sĩ chuyên khoa hô hấp, sử dụng hệ thống soi phế quản để hỗ trợ quá trình gây mê cho bệnh nhân đảm bảo an toàn trong suốt cuộc mổ.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Th (65 tuổi) ở Thụy Hòa, Yên Phong nhập viện ngày 29/5 với tình trạng khó thở kèm theo nuốt vướng và nghẹn. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân bị tăng huyết áp nhiều năm và có khối u ở cổ khoảng 10 năm nay, ban đầu kiểm tra khối u lành tính nên không điều trị. Khoảng 1 năm trở lại đây, khối u có xu hướng to lên nhanh hơn khiến bệnh nhân nuốt vướng. Bệnh kèm theo là gù vẹo cột sống ngực, bệnh nhân không ngửa cổ ra sau được gây khó khăn trong sinh hoạt và thẩm mĩ. Bệnh nhân được chỉ định siêu âm và chụp cắt lớp vi tính vùng ngực cổ. Kết quả cho thấy khối u thùy phải to, kích thước > 8cm, khối u không di động, chèn ép vào đường thở và di lệch các tổ chức vùng hầu họng. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u vùng cổ.

Ngày 1/6, ông T. được chuyển mổ phiên. Tuy nhiên phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến giáp ở bệnh nhân gù vẹo cột sống và bệnh lí tăng huyết áp kèm theo, nếu không được gây mê phù hợp sẽ có nguy cơ không đảm bảo thông khí oxy phổi, ảnh hưởng tới cuộc mổ và sự an toàn của người bệnh. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp gây mê an toàn được các bác sĩ xem xét kĩ càng. Bác sĩ Nguyễn Văn Toại – Trưởng khoa Phẫu thuật, gây mê, hồi sức, BVĐK tỉnh cho biết:

“Sau khi hội chẩn, xác định kích thước khối u lớn, thời gian phẫu thuật sẽ dài và có nguy cơ chảy máu, tổn thương các tổ chức xung quanh nên chúng tôi quyết định lựa chọn phương pháp gây mê nội khí quản (gây mê toàn thân). Ở phương pháp này, các bác sĩ sẽ đặt một ống thở vào đường khí quản của bệnh nhân để đảm bảo thông khí, giúp kiểm soát đường thở một cách chắc chắn và an toàn trong suốt cuộc mổ. Với những bệnh nhân bình thường, việc gây mê nội khí quản thường ít gặp khó khăn. Tuy nhiên, ở bệnh nhân này, khối u vùng cổ to gây biến dạng đường thở và gù vẹo cột sống, đánh giá theo chuyên ngành gây mê ở mức độ 3 (trong thang 4 mức độ) – chỉ định đặt nội khí quản khó. Đặc biệt, bệnh nhân này còn tiên lượng nguy cơ không đặt được ống, hoặc nếu đặt được cũng khá khó khăn bởi khối u quá to chèn vào đường thở, khả năng gây phù nề thanh quản, khiến bệnh nhân gặp phải sang chấn và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”.

Trước tình hình đó, kíp gây mê đã mời các bác sĩ khoa Nội hô hấp hội chẩn, phối hợp sử dụng hệ thống soi phế quản để đánh giá đường thở và đặt nội khí quản. Nhờ nội soi qua đường mũi dưới hướng dẫn của hệ thống soi phế quản, các bác sĩ đã nhìn rõ và đánh giá được đường đi dễ dàng hơn, qua đó đưa các dây dẫn đường vào đường thở và đặt được ống nội khí quản qua dây dẫn đường, bệnh nhân được gây mê an toàn và đặt ống thở thuận lợi. “Đây là một trong những ca bệnh đầu tiên được các bác sĩ của BVĐK tỉnh đặt nội khí quản khó dưới hướng dẫn của hệ thống nội soi phế quản. Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa, quá trình gây mê nội khí quản khó được thuận lợi hơn, ít sang chấn đường thở hơn và không gây tổn thương đường thở cho người bệnh. Đèn nội soi phế quản sẽ giúp hỗ trợ gây mê nội khí quản cho những trường hợp khó như bệnh nhân bị dị dạng đường thở, chấn thương hàm mặt hoặc bệnh nhân bị khối u vùng đầu mặt cổ gây biến dạng đường thở” - Bác sĩ Nguyễn Khánh Dư – khoa Phẫu thuật - gây mê - hồi sức, BVĐK tỉnh cho biết thêm.

Trong suốt cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ, các bác sĩ gây mê đã theo dõi sát tình trạng bệnh nhân, phổi được thông khí đều, mạch, huyết áp ổn định. Kíp phẫu thuật đã cắt bỏ hoàn toàn khối u và các tổ chức hạch xung quanh. Bệnh nhân được chuyển về khu hồi sức sau mổ điều trị kháng sinh, giảm đau, chống viêm, tiếp tục được thông khí nhân tạo một ngày sau mổ. Đánh giá cuộc mổ an toàn và bệnh nhân đủ tỉnh táo, không có các nguy cơ co thắt hay khó thở, bệnh nhân được bỏ ống nội khí quản và chuyển khoa Ngoại - Xạ trị - Y học hạt nhân, Trung tâm Ung bướu tiếp tục điều trị ổn định, dự kiến sẽ sớm được xuất viện trong thời gian tới.

Gây mê là một trong những chuyên ngành quan trọng trong bệnh viện, có liên quan đến rất nhiều kĩ thuật như nội soi, can thiệp mạch hay phẫu thuật… Tùy vào yêu cầu từng loại phẫu thuật, vùng mổ có kích thước lớn hay nhỏ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chọn những cách thức gây mê khác nhau. Gây mê toàn thân khiến bệnh nhân không cảm giác được với các kích thích khi phẫu thuật, giúp người bệnh nằm yên khi thực hiện thủ thuật. Trong các phương pháp gây mê thì gây mê nội khí quản, đặc biệt là đặt nội khí quản khó đòi hỏi các bác sĩ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, bởi phương pháp này rất dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như co thắt khí, phế quản, ức chế hoạt động sự co bóp của cơ tim gây loạn nhịp, huyết áp thay đổi thất thường, suy hô hấp, tràn dịch vào phổi, sốc, thậm chí là tử vong. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp gây mê phù hợp và thực hiện gây mê an toàn, hiệu quả sẽ giúp cho các kĩ thuật khác được diễn ra thuận lợi.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, nếu người dân có khối u vùng cổ, cần được khám và chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn bệnh, tránh để trường hợp khối u quá to gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và điều trị.

Đăng Thăng